THÁNH THẦN THIÊN CHÚA
(Lược tóm tác phẩm: L’Esprit Saint de Dieu, của F.X. Durrwell,
nhà xuất bản Cerf, in lần 2, 1985)
Lm. Đaminh Nguyễn Văn Mạnh
Chính trong biến cố Vượt Qua của Đức Giêsu mà Thánh Thần hiện diện và tác động cách quyết liệt và trọn vẹn nhất, và cũng chỉ trong biến cố Vượt Qua của Đức Kitô, trong “Giờ” Vượt Qua ấy mà Chúa Cha tỏ hiện như là Cha Đấng sinh ra Con, Con như là Đấng đã được sinh ra, Thánh Thần như là Đấng mà trong Ngài Cha sinh ra Con, và Con được Cha sinh ra.
Vì thế, muốn nhận biết Thánh Thần cũng như muốn nhận được Thánh Thần, phải khởi đi từ biến cố Vượt Qua của Đức Giêsu.
Chính trong biến cố Vượt Qua của Đức Giêsu, Thiên Chúa đã biểu lộ tất cả quyền năng khôn tả của Người, tất cả vinh quang, thánh thiện, tình yêu, sự sống phong phú và viên mãn của Người; qua đó Thần Khí Thiên Chúa cũng biểu lộ như Thần Khí quyền năng, vinh quang, thánh thiện, tình yêu, sự sống…
I. THẦN KHÍ CỦA THIÊN CHÚA.
A. THẦN KHÍ QUYỀN NĂNG.
Bởi Phục Sinh, Đức Giêsu đã nói “được đặt làm Con Thiên Chúa trong quyền năng” (Rm 1, 4; 2Cr 13, 4). Quyền năng ấy như được tả trong Ep 1, 17t: “Xin Cha vinh hiển làm cho mắt tâm hồn anh em được rạng sáng, để anh em nhận biết là gì quyền năng cao cả tuyệt vời của Người …, khi Người ra uy sức mạnh của quyền bính Người, quyền năng ấy, Người đã ra uy trong Đức Kitô là đã cho Ngài chỗi dậy từ cõi chết…”.
Thánh Thần được nhận biết trước tiên như là “quyền năng đã phục sinh Đức Kitô” (Rm 8, 11); cũng như trước đây trong quyền năng Thánh Thần, Ngôi Lời đã nhập thể, rồi rao giảng Tin Mừng (Lc 4, 16), làm phép lạ, trừ quỷ (Mt 12, 18).
Các Tông Đồ làm chứng cũng nhờ Thần Khí và quyền năng (1Tx 1, 5; 1Cr 2, 4).
Bởi đó, Thánh Thần là quyền năng , là hành động của Thiên Chúa. Mà “quyền năng” lại là chính tên của Thiên Chúa: “Các ngươi sẽ thấy Con Người ngự bên hữu Đấng quyền năng” (Mt 26, 64). Thánh Thần, vì thế, là chính Thiên Chúa trong hành động toàn năng của Người.
Mọi việc Thiên Chúa thực hiện trong lịch sử cứu độ, từ tạo dựng, can thiệp trong lịch sử Dân Chúa, nhập thể, phục sinh Đức Kitô; và ngay cả trong hành động nội tại trong Ba Ngôi khi Cha sinh hạ Con từ đời đời, thì cũng chính trong Thánh Thần mà tất cả được thực hiện, vì Thánh Thần là quyền năng, là hành động của Thiên Chúa.
Tuy nhiên trong khi quyền năng nơi con người thường biểu lộ qua sự thống trị, thì nơi đỉnh cao của mầu nhiệm Vượt Qua, quyền năng Thiên Chúa lại biểu dương trong sự yếu đuối tột cùng là cái chết. “Chúng tôi rao giảng Đức Kitô chịu đóng đinh, quyền năng của Thiên Chúa” (1Cr 1, 24t).
Thần Khí là quyền năng, nhưng cũng cần lưu ý hai cách xuất hiện của Ngài: một ở đầu Phúc Âm, khi Thánh Thần rợp bóng trên người nữ tỳ khiêm hạ (Lc 1, 35). Và một ở cuối Phúc Âm, khi Thần Khí xuất hiện dưới biểu tượng nước từ cạnh sườn bị đâm thâu.
Thần Khí quyền năng, nhưng lại biểu dương trong sự khiêm hạ và chịu hy tế.
B. THẦN KHÍ VINH QUANG.
Trong biến cố phục sinh Đức Giêsu, Thiên Chúa đã toả chiếu vinh quang tột cùng của Người ra, đã tôn vinh Đức Kitô đến nỗi làm cho Ngài trở thành Vị Chúa vinh quang (1Cr 2, 8), vị Chúa quyền năng và là Chúa của Thần Khí (2Cr 3, 18).
Vinh quang trước kia được biểu tượng qua đám mây dầy đặc bao phủ núi Sinai (Xh 24, 15-17), thì nay lại rợp bóng trên Đức Maria, và nhất là phục sinh Đức Kitô, Ngài phục sinh bởi vinh quang (Rm 6, 4), Ngài phục sinh bởi Thần Khí (Rm 8, 11).
Thánh Thần đã phục sinh Đức Kitô trong vinh quang cũng sẽ làm cho các tín hữu xuất hiện vào ngày cánh chung trong một thân xác đầy vinh quang, đầy sức mạnh và thần thiêng (1Cr 15, 43). Yếu tố thứ ba cắt nghĩa hai yếu tố kia: các tín hữu sẽ sống lại trong vinh quang, quyền lực, vì họ sẽ sống lại trong Thần Khí.
C. THẦN KHÍ THÁNH THIỆN.
Đối với Kinh Thánh, vinh quang, quyền năng, thánh thiện là những ý niệm rất gần gũi nhau: “Thánh, Thánh, Thánh, Chúa tể toàn năng, vinh quang Ngài đầy tràn khắp mặt đất” (Is 6, 3).
Thiên Chúa là Đấng Thánh (Hs 11, 9) nghĩa là siêu việt, siêu phàm, mà Thánh Thần chính là sự thánh thiện, sự siêu việt, là “Thần lực từ trên” (Cv 1, 8), đối lại với xác thịt suy tàn. Ai sinh bởi Thần Khí là sinh lại từ trên (Ga 3, 5). Thụ thai bởi Thánh Thần, Đức Giêsu sinh ra là Thánh
(Lc 1, 35). Nhất là trong sự phục sinh bởi Thánh Thần, Ngài trở nên người thành toàn, người thiên thai (x. 1 Cr 15, 47-49), thành Thần Khí (Cl 2, 9), “có nơi mình” tất cả sự viên mãn của thần tính.
Thế nhưng, trong khi theo nguyên ngữ Dothái, thánh thiện nhấn mạnh sự cách biệt (x.Lv 20, 24-26)
Thì Thần Khí vinh quang lại chiếu toả, Thần Khí thánh thiện lại được đổ xuống (Ed 36, 27). Ngài là quyền năng làm Thiên Chúa nhập thể (Lc 1, 35), và trong mầu nhiệm Vượt Qua bởi Thánh Thần, Đức Kitô Phục Sinh được siêu thăng trên các tầng trời lại được sai đến trong thế gian cũng bởi một quyền năng đã siêu thăng Ngài.
D. THẦN KHÍ TÌNH YÊU.
Thần Khí quyền năng, vinh quang, thánh thiện, nhưng nhất là Thần Khí tình yêu, hiệp thông (Rm 5, 5). Đây là từ cốt yếu khi nói vế Thánh Thần.
Đối nghịch với xác thịt, mà quả của nó là hận thù, ghen tương (Ga 5, 19), thì Thánh Thần làm phát sinh những hoa quả đức ái (Ga 5, 22). Không những thế, Thánh Thần còn là “quả” của tình yêu Thiên Chúa hiến ban cho con người. Quả này chín trên cây thập giá, khi Đức Giêsu gục đầu xuống “phó thác Thần Khí” (Ga 19, 30), và nước từ cạnh sườn Đức Giêsu chảy ra (Ga 19, 34). Ngài được “cho” (Cv 5, 32), được “nhận” (Ga 7, 39). Ngài là “hồng ân” (Cv 2, 38).
Ơn Thánh Thần được diễn tả qua công thức đặc biệt: “Ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần” (2Cr 13, 13; Pl 2, 1). Thánh Thần là Đấng hiệp thông và là Đấng tạo sự hiệp thông. Ngài là sức mạnh làm cho nhiều trở nên một: “Trong một Thần Khí, anh em được thanh tẩy để làm nên một thân thể duy nhất” (1Cr 12, 13). Chính vì Thần Khí là tình yêu, mà mọi phẩm tính của Thiên Chúa đều trở thành nghịch lý. Quyền năng, thường dễ tàn ác dưới bàn tay con người, lại trở thành một sức mạnh hiền hòa, không dính máu bất cứ nạn nhân nào, ngoại trừ máu của chính vị chiến thắng: Chiên Con “lãnh nhận quyền năng” vì cuộc hy tế của Ngài (Kh 5, 12). Quyền năng thần linh lại biểu dương trong sự yếu nhược. Thánh thiện lại đến với tạo thành, lại còn thúc đẩy Thiên Chúa nhập thể. Vinh quang của Thiên Chúa lại là Thiên Chúa trao hiến chính mình cho lợi ích con người, là Người Con sinh hạ và chịu nộp cho con người trong Thần Khí, bởi vì “vinh quang của Thiên Chúa là con người sống”.
E. THẦN KHÍ SỰ SỐNG.
Từ khởi nguyên, Thần Khí đã bay lượn trên vạn vật và làm phát sinh sự sống (St 1, 2…).
Đối với Kinh Thánh, thế giới do hơi thở Thiên Chúa tạo thành là một thế giới có sự sống, đến nỗi “sông núi vỗ tay, trăng sao ca hát”, và Phaolô còn như nghe thấy tiếng thở khát khao của vạn vật, mong ngày được chia sẻ sự sống của con cái Chúa (x. Rm 8, 19-22).
Nhưng trong biến cố Vượt Qua, Thần Khí còn làm cho Đức Kitô chỗi dậy sống sự sống viên mãn trong một sự sinh hạ vĩnh hằng (Cv 13, 33). Và bằng cách đó Thiên Chúa “đã gọi cái không ra có”
(Rm 4, 17. 25) đã tạo dựng vũ trụ, và cho tất cả được tồn tại (Cl 1, 15-17).
Việc sinh hạ Chúa Con trong thế giới này trong quyền năng Thần Khí là tổng hợp công trình sáng tạo từ khỏi nguyên vũ trụ cho đến sự phục sinh kẻ chết trong ngày cùng tận: “Ngài đã được đặt làm Con Thiên Chúa quyền năng theo Thánh Khí, do việc phục sinh kẻ chết” (Rm 1, 4).
Trong hành động tuyệt hảo là cuộc Vượt Qua của Đức Kitô, Thần Khí là nguồn suối phổ quát của mọi thực tại và mọi sự sống. Ngài là “Thần Khí tác sinh” (Rm 8,1).
F. THẦN KHÍ LÀ MẦU NHIỆM NỘI TẠI CỦA THIÊN CHÚA ĐƯỢC TUÔN ĐỔ.
Khi Thiên Chúa hứa: “Ta sẽ đổ Thần Khí của Ta” (Ed 36, 27), Thần Khí đã được diễn tả bằng những từ ngữ bề ngoài rất mâu thuẫn nhau. Thần Khí là nội tại tính cùa Thiên Chúa, là chính Thiên Chúa trong sự sâu thẳm của Người, nhưng lại được đổ xuống.
Dù là sự cởi mở của Thiên Chúa, Thần Khí vẫn là và luôn là chiều sâu của Thiên Chúa (x. 1Cr 2, 10t). Thiên Chúa ra khỏi mình và không xa rời mình, đồng thời lại lôi kéo về với mình. Sự viên mãn của Thiên Chúa là sự viên mãn sáng tạo. Nó khơi dậy sự hiện hữu ngoài Thiên Chúa, nhưng bằng cách kêu gọi lôi kéo về với mình.
Vận hành kép như thuỷ triều lên xuống, như hơi thở ra vào đạt tới đỉnh cao trong cuộc vượt qua của Đức Kitô, trong đó Thiên Chúa hoàn toàn ra khỏi mình bởi quyền năng Thần Khí, làm người hoàn toàn giống ta, cả trong cái chết. Nhưng chính trong cái chết này, Thiên Chúa lại đưa Đức Kitô hoàn toàn trở về với mình, bằng cách tôn vinh Ngài trong Thần Khí, làm “cư ngụ trong Ngài tất cả sự viên mãn của Thần tính” (Cl 2,9).
Vận hành kép này luôn thấy trong lịch sự cứu độ, là lịch sử có tác nhân là Thần Khí.
G. THẦN KHÍ TÁC NHÂN CỦA LỊCH SỬ.
Thiên Chúa đã từng can thiệp vào lịch sử nhờ Thần Khí. Chính Người dẫn Israel đến chỗ nghỉ ngơi nhờ bởi Thần Khí Người (Is 63, 14).
Khi Israel “loạn tặc, xúc phạm đến Thánh Khí Người” (Is 63, 10), thì Người loan báo một Giao Ước mới trong Thần Khí (Gr 31, 31; Ed 36, 27), với Đấng Messia đầy Thần Khí Giavê (Is 11, 2).
Các Phúc Âm, nhất là Phúc Âm Luca, đã trình bày cuộc đời Đức Giêsu như một lịch sử đối thần, một cuộc đời diễn ra dưới tác động của Thần Khí.
Thần Khí là “ngón tay Thiên Chúa” tiếp xúc với thế giới, nhưng đồng thời là sức mạnh siêu việt, đến nỗi Ngài chạm đến đâu thì đó trở nên không gian của Nước Thiên Chúa. Thần Khí là tác nhân của lịch sử, biến tạo thành nên vương quốc Thiên Chúa.Lịch sử thánh, dưới tác động của Thánh Thần, đạt tới đỉnh cao nơi Đức Kitô Phục Sinh.
H. Ở KHỞI ĐIỂM VÀ Ở ĐỈNH CAO.
Một điều đáng lưu ý: ta luôn thấy có Thánh Thần ở đầu và ở cuối mọi sự. Ngài có mặt và hoạt động ngay từ những trang đầu sách Khởi Nguyên (St 1, 2; 2, 7), và Ngài lên tiếng ở những dòng cuối của sách Khải Huyền (Kh 22, 17). Hơi thở Thiên Chúa làm phát sinh sự sống cho người đầu tiên, và phục sinh kẻ chết trong ngày tận cùng (Rm 8, 11). Đức Giêsu thụ thai bởi Thánh Thần (Lc 1, 35), khởi đầu sứ vụ trong quyền năng Thánh Thần (Lc 4, 18. 21), và hoàn tất đời Ngài trong sự phục sinh bởiThánh Thần. Người tín hữu sinh ra bởi nước và Thánh Thần (Ga 3, 5), và cũng hoàn tất cuộc đời trong cuộc sinh ra làm con trọn vẹn bởi sự phục sinh trong Thánh Thần.
Điều này rất ý nghĩa: Thánh Thần chắc chắn không là khởi nguyên, chính Chúa cha mới là khởi nguyên, và mọi sự kết thúc, hoàn tất trong Chúa Con. Nhưng Thánh Thần là sự viên mãn trong đó tất cả khởi sự, tắm gội và hoàn tất. Chuyển động của lịch sử thánh là âm vang trong lòng thế giới của chính mầu nhiệm vĩnh cửu. Trong đó Thánh Thần là khởi đầu và ở kết thúc, đồng thời là sự liên kết đầu và cuối. Vì Cha sinh hạ trong Thánh Thần, Đấng mà trong Thánh Thần là Con, và cả hai kết hợp nên một trong Thánh Thần.
I. THẦN KHÍ LÀ HỒNG ÂN CÁNH CHUNG.
Các tiên tri Cựu Ước đã loan báo Thánh Thần sẽ được tuôn đổ dồi dào trong thời sau hết. Dothái-giáo thời Chúa Giêsu rất ý thức về vai trò cành chung của Thánh Thần. Đã từ lâu, sau Malakia không hề xuất hiện tiên tri nào, khiến người ta có cảm tưởng sâu đậm như Thần Khí không còn hiện diện, và khiến ghi trong Gioan rằng: trước khi Đức Giêsu được tôn vinh, thì “Thánh Thần chưa được ban xuống” (Ga 7, 39).
Khi Đức Giêsu chịu phép rửa, trời mở ra, Thánh Thần xuống, và người ta nghe thấy tiếng Thiên Chúa phán. Tất cả những điều này, đối với Phúc Âm Nhất Lãm, có nghĩa là thời đại cánh chung đã được khai trương, và Đức Giêsu là kẻ “mạnh nhất đến thanh tẩy trong Thánh Thần” (x. Lc 3, 16). Việc Ngài xua trừ ma quỷ trong quyền năng Thần Khí chứng tỏ rằng “Nước Thiên Chúa đã đến” trong quyền lực (Mc 9, 1) và vinh quang (Mc 8, 38).
Sự phục sinh Đức Giêsu tự nó đã là sự “phục sinh kẻ chết” (Rm 1, 4), là biến cố cánh chung. Mà đó là sự tuôn đổ Thánh Thần cách sung mãn. Như vậy Thiên Chúa dẫn lịch sử thánh đến chỗ hoàn tất của nó, mà không có gì có thể thêm vào được nữa, và đó cũng là đích điểm mà tạo thành phải hướng đến: “Trong Ngài (Đức Kitô Phục sinh) có sự viên mãn của thần tính, và trong Ngài anh em được sung mãn dư đầy…” (Cl 2, 9t).
Để hiểu sự phục sinh của Đức Giêsu và mầu nhiệm Thần Khí, cần phải biết rằng việc tuôn đổ Thánh Thần là hồng ân cánh chung, là nước Thiên Chúa đến. Ngoài ơn này ra, không còn ơn nào khác. Đối lại với thế giới đang biến dịch, Thánh Thần là thực tại thiên thai viên mãn. Vì thế, Đức Kitô vinh quang cũng là thực tại viên mãn (Ep 4, 10), nhưng nội tại trong tạo thành. Ngài vừa là chiều sâu của tạo thành, vừa là tương lai toàn diện, nơi mà từ đó tất cả bắt nguồn, mặc lấy ý nghĩa và tồn tại, nơi mà tất cả trở nên thành toàn. Vì Thiên Chúa đã lấp đầy Ngài bằng Thần Khí, đến nỗi biến Ngài thành “Thần Khí tác sinh” (1Cr 15, 45), làm Ngài thành “Thần Khí”, ý nghĩa của thế giới (x. 2Cr 3, 17).
II. THẦN KHÍ CỦA ĐỨC KITÔ.
Nơi Đức Kitô và trong cuộc vượt qua của Ngài, Thần Khí đã hoạt động một cách trọn vẹn nhất, giống như ở trong mầu nhiệm vĩnh cửu của Ngài. Ngược lại, Phaolô cũng gọi Đức Kitô Phục sinh bằng danh xưng riêng của Thần Khí: “Đức Kitô là Thần Khí” (2Cr 3, 17), Ngài trở thành “Thần Khí tác sinh” (1Cr 15, 45).
Việc cố ý gọi Đức Kitô bằng danh xưng của Thần Khí chứng tỏ rằng: tương quan giữa Đức Kitô và Thánh Thần là một tương quan tự nhiên. Không thể hiểu được Đức Kitô, nếu không nhận ra Ngài là con người của Thần Khí; ngược lại cũng không thể hiểu được Thánh Thần, nếu không nhận thấy Ngài là Thần Khí của Đức Kitô, Thần Khí của Con Thiên Chúa. Nếu Thiên Chúa được định nghĩa như là Cha của Đức Giêsu Kitô, “Đấng đã phục sinh Đức Giêsu từ trong kẻ chết” (Rm 8,11), thì Thánh Thần cũng có thể được xác định như là Thần Khí của Con, Đấng trong Ngài, Thiên Chúa phục sinh Đức Giêsu Kitô.
A. ĐỨC GIÊSU, CON NGƯỜI CỦA THẦN KHÍ.
Cựu Ước đã có được trực giác thấy Đấng Messia đầy Thánh Thần (x. Is 11, 2).
Đức Giêsu là “Đấng mà Thiên Chúa đã xức dầu bằng Thánh Thần và quyền năng” (Cv 10, 38). Ngài sinh ra bơi Thánh Thần (LC 1, 35). Thánh Thần đã đậu xuống trên Ngài tỏ tường (x. Ga 1, 31). Thiên Chúa ban Thần Khí cho Ngài “không phải theo lường hạn” (Ga 3, 34).
Không như những anh hùng Cựu Ước được Thánh Thần “chộp bắt”, như một sức mạnh từ bên ngoài, và tùy lúc tùy việc, Đức Giêsu luôn đầy Thánh Thần, và Ngài ban Thánh Thần cách bảo đảm. Ngài và Thánh Thần không rời nhau và luôn đồng hành động. Theo Phúc Âm Gioan, Đức Giêsu hứa Thánh Thần sẽ đến, và cả Ngài cũng đến. “Chúa Cha sẽ ban cho các ngươi một Đấng Bầu Chữa khác, để Ngài ở với các ngươi luôn mãi… Ta sẽ không bỏ các ngươi mồ côi, Ta sẽ đến với các ngươi” (Ga 14, 16-18). Trong cái chết, Đức Giêsu phó thác Khí Ngài và Khí Thần (Ga 19, 30); nước, biểu tượng của Thánh Thần, và máu của Đức Giêsu cũng chảy ra từ cạnh sườn khai mở (x. Ga 19, 34). Tương quan giữa Đức Kitô và Thánh Thần chặt chẽ đến nỗi ngoài Đức Kitô là nguồn suối và trước khi Ngài được tôn vinh, thì “không có Thánh Thần” (x. Ga 7, 39).
Nơi Thánh Phaolô, Thánh Thần cũng được coi như trong Cựu Ước, là Thần Khí của Thiên Chúa. Nhưng đôi khi được coi là Thần Khí của Con (Ga 4, 6). Thần Khí của Chúa (2Cr 3, 17), Thần Khí của Đức Kitô (Rm 8,9; Cv 16, 6t).
Giữa Thánh Thần và Đức Kitô, có một sự gần gũi, hỗ tương và hiệp nhất sống động đến nỗi Thánh Tông Đồ có thể nói đến Đức Kitô đã trở nên Thần Khí (1Cr 15, 45). Đây là điều không thể tưởng tượng được. Nếu nói Đức Giêsu có Thánh Thần, có thể sai Thánh Thần, thân xác Ngài chính là Nguồn Suối ban Thánh Thần (Ga 7, 37-39), mà lại cho rằng Đức Giêsu đã không được tôn vinh lên hàng Thiên Chúa ngay cả trong thân xác Ngài (Cl 2, 9), thì quả là mâu thuẫn, phi lý.
B. ĐỨC GIÊSU LÀ KITÔ VÀ LÀ CON TRONG THÁNH THẦN.
Sự hiện diện của Thánh Thần nơi Đức Giêsu đánh dấu Ngài là thiên sai: “Thiên Chúa sẽ ban cho Ngài ngôi báu Đavít tổ phụ Ngài” (Lc 1, 32), hay sâu xa hơn, là dấu ấn “Ngài là Con Thiên Chúa” (Lc 1, 35).
Phục sinh trong Thánh Thần, Đức Giêsu đã được đặt “làm Chúa và làm Kitô”, Ngài bước vào thi hành sứ vụ Thiên Sai cách trọn vẹn (Cv 2, 36), Ngài khai trương Vương Quốc của Thiên Chúa. Nhưng đồng thời phục sinh cũng là sự sinh hạ trọn vẹn ra Con vào trong thế giới: “Thiên Chúa đã cho Đức Giêsu sống lại, như viết trong thánh vịnh 2: Con là Con Cha, hôm nay Cha đã sinh ra Con”
(Cv 13, 33).
Trong tư tưởng của các kitô-hữu tiên khởi, tước hiệu Thiên Sai của Đức Giêsu và phẩm vị làm Con của Ngài là bất khả phân. “Khởi nguyên Tin Mừng Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa” (x. Mc 1, 11).
Nơi Thánh Phaolô, tước hiệu “Con” cũng như tước hiệu “Chúa”, đều liên quan đến Đức Kitô trong vinh quang phục sinh và cánh chung: các tín hữu “trông đợi Con của Người từ trời đến, Đấng Người đã làm cho sốg lại từ cõi chết” (1Tx 1, 10), họ được “kêu gọi đến chung phần hiệp nhất với Con của Người … Chúa chúng ta” (1Cr 1, 9).
Khi thời gian đến lúc viên mãn, Thiên Chúa đã sai vừa Con của người, vừa Thánh Thần của Người (x. Ga 4, 4. 6). Thời gian “viên mãn”, là vì sự viên mãn của Thiên Chúa đã trở nên nội tại trong thời gian, nơi Đức Kitô.
Nhưng việc sai Con khác với việc sai Thánh Thần. Hành động của Cha là nhắm sai Con. Chính người Con này “ra khỏi Cha và đến trong thế gian” (Ga 8, 42; 16, 28). Nhưng Thánh Thần là Đấng trong đó thực hiện sự ra đi này, thực hiện việc sinh hạ Con vào trong thế giới. Chính trong Thánh Thần mà Đức Giêsu sinh ra làm Con Thiên Chúa, trong vinh quang lúc đầu còn dấu ẩn, nhưng rồi sẽ toả chiếu trong sự phục sinh. Thánh Thần như cung lòng thần linh nơi Đức Giêsu sinh ra làm Con Thiên Chúa trong thế gian.
Dưới ánh sáng của biến cố Vượt Qua, cánh cửa mầu nhiệm Ba Ngôi như mở ra: Thánh Thần xuất hiện như hành động của Cha với tính cách là Cha sinh hạ ra Đức Kitô; Thánh Thần là quyền năng vô hạn của Cha, là sự sống viên mãn của Cha, được diễn tà trọn vẹn trong việc sinh hạ ra Con từ đời đời, và phục sinh là sự mạc khải trọn vẹn. Mầu nhiệm Thánh Thần tất cả nằm ở đó: Ngài là Thánh Thần của Cha với tính cách là Cha sinh ra Con, là Thánh Thần của Con với tính cách được Cha sinh ra.
C. ĐỨC GIÊSU LÀ ĐẤNG CỨU ĐỘ TRONG THÁNH THẦN.
Thánh Thần đóng vai trò thiết yếu trong công trình cứu chuộc, bởi vì ơn cứu độ được thực hiện trong cuộc vượt qua của Đức Kitô, nơi Thánh Thần ngự trị.
Có một thứ thần học gọi là cứu-chuộc-học “pháp lý”, trước kia rất thông dụng, nay cũng còn phổ biến, quan niệm rằng: con người được tha tội và cứu độ nhờ cái chết của Đức Giêsu trên thập giá, là giá trả cân xứng, đền bù thoả đáng cho sự công bằng của Thiên Chúa đã bị tội con người xúc phạm.
Cứu độ như vậy chỉ nằm trong cái chết, không biết gì đến sự phục sinh, không biết đó là cái chết đầy tình con thảo của một người con, trong sự thúc đẩy và quyền năng sáng tạo của Thánh Thần.
Thực ra, công trình cứu độ trước hết là công việc của Thiên Chúa, là việc Cha sinh hạ ra Con vào thế giới này trong quyền năng Thánh Thần. Không phải Đức Kitô đã đi bước trước, để trả một giá giải hòa Thiên Chúa với con người. Vai trò của Ngài là với tatá cả tự do con người, Ngài thuận theo Thiên Chúa, Đấng là Cha sinh hạ Ngài. Và Ngài thuận theo trong Thần Khí nghĩa tử.
Do đó, cứu độ không chỉ là chuộc tội. Và tội được xóa không phải nhờ một giá trả cho Thiên Chúa, mà nhờ việc Cha sinh hạ Con vào thế giới này trong sự thánh thiện của Thánh Thần, nhờ việc kêu gọi con người vào hiệp thông với Người Con, và như thế tạo nên một thế giới thánh thiện, thế giới cứu độ. Bất cứ ai ăn Chiên Thiên Chúa thì được rửa sạch khỏi mọi tội lỗi, trong sự thánh thiện của Thánh Thần, Đấng thiêu đốt Con Chiên (x. 1, 29. 33).
Cứu độ nằm trong sự hiệp thông. Một con người là Đức Giêsu đã được hội nhập vào trong mầu nhiệm Ba Ngôi vì ích lợi cho con người. Ở giữa họ và cho họ, Đức Giêsu được Cha sinh ra trong Thánh Thần. Từ nay họ cũng có thể đi vào tương quan với Thiên Chúa, bằng cách để mình được lôi kéo vào trong sự “hiệp thông với Con” (1Cr 1, 9).
D. ĐỨC KITÔ – THẦN KHÍ.
Trong mầu nhiệm Vượt Qua, Đức Kitô “đã trở thành Thần Khí” (1Cr 15, 45). Những thuộc tính của Thánh Thần như sự thánh thiện, quyền năng, sự sống viên mãn, sự tự hiến nay trở nên đặc tính của Đức Kitô (1Cr 1, 30).
Thánh Thần là mầu nhiệm khôn dò của Thiên Chúa, khi phục sinh Đức Giêsu, cũng làm cho Ngài trở thành một mầu nhiệm khôn dò. Nghịch lý của mầu nhiệm Nhập Thể, của một con người là Thiên Chúa, đi đến cực điểm: Đức Giêsu là người thiên thai (1Cr 15, 48t), Ngài cư ngụ trong Ba Ngôi.
Ngài đi vào trong Ba Ngôi bằng sự sinh hạ; Thiên Chúa phục sinh Ngài khi tuyên bố: “Con là Con Cha, hôm nay Cha sinh ra Con” (Cv 13, 33; Dt 1, 5). Tất cả con người trần thế của Ngài được Thánh Thần nâng lên tới cái nguồn gốc vĩnh cữu (là Con) của Ngài; lịch sử trần thế của Ngài hoàn tất trong sự khởi đầu, nơi đó Ngài là Con: đỉnh cao cuộc đời Ngài vươn tới cũng là được sinh ra. Từ nay Ngài không còn già đi nữa; Ngài sẽ không vượt khỏi giây phút sinh ra này. Vì Thánh Thần, Đấng linh hoạt Ngài là sự sống trào vọt, là chiến thắng vô hạn trên sự chết: Đức Giêsu mãi mãi là mới- sinh trong Thánh Thần. đáp lại sự sinh hạ vĩnh hằng trong Thánh Thần, cũng trong Thánh Thần, là tiếng kêu vĩnh hằng của lòng yêu mến và tri ân: “Abba, lạy Cha !”. khi con người đi vào hiệp thông với Ngài, sự cũ kỹ của Ađam sẽ bị lột bỏ; họ cũng sẽ trở nên tạo thành mới, là con, và họ sẽ cùng với Con hòa tiếng khẩn cầu Cha.
Được biến đổi trong Thánh Thần, Đức Giêsu trở nên sự tự hiến, sự chia sẻ và hiệp thông; Ngài sống lại nơi bản thân và dưới dạng cộng đoàn, một hạt lúa nhưng mang nhiều bông hạt trong quyền năng Thánh Thần, Đấng là một Ngôi Vị trong nhiều Ngôi. Từ nay lời Đức Kitô được chứng thực: “Cha ở trong Ta và Cha ở trong Ta”, và “Ta ở trong các ngươi và các ngươi ở trong Ta” (Ga 14, 20; 17, 21).
Thánh Thần phục sinh Đức Giêsu mà không kéo Ngài rời khỏi cái chết. Chính trong cái chết mà Thánh Thần “ngôi-vị-hóa” Ngài hoàn toàn và thần-hóa Ngài cách trọn vẹn. Là sức mạnh nâng Đức Giêsu lên với Cha, Thánh Thần không nâng Ngài rời khỏi đỉnh cao, không dẫn Ngài ra khỏi hành vi tự hiến tuyệt hảo, tức cái chết; là sự hiệp thông, Ngài không tôn vinh Đức Giêsu ở ngoài sự gặp gỡ với Cha, tức cái chết. Đức Giêsu tự dâng hiến chính mình trong một Thần Khí vĩnh hằng (Dt 9, 14), lễ dâng của Ngài cũng vĩnh hằng như Thần Khí, trong một phụng vụ được dâng “một lần thay cho tất cả” (Dt 9, 12). Cái chết của Đức Giêsu là mầu nhiệm Nhập Thể ở mức độ sâu thẳm nhất, là đỉnh cao viên mãn mà lịch sử đời Ngài vươn tới: đỉnh cao ấy, Đức Giêsu không rời bỏ nữa. Chết và vinh quang là hai diện của một mầu nhiệm duy nhất trong đó Chiên Con đứng và chịu sát tế (Kh 5, 6), trong một vinh quang không tiếp nối sau cái chết, nhưng thánh hiến nó.
Đức Giêsu từ nay đồng hóa với chính sứ mạng cứu độ của Ngài: “trở thành Thần Khí”, “thành sự cứu chuộc” (1Cr 1, 30). Thánh Thần là hành động, Ngài làm Đức Giêsu trở nên biến cố cứu độ. “Đức Kitô lễ Vượt Qua của chúng ta” (1Cr 5, 7).
Ai có thể hình dung một hữu thể đồng thời vừa bị hy tế vừa vinh quang và lại là một biến cố ? tất cả mạc khải này là trong Thánh Thần. khi tôn vinh Đức Giêsu, Thánh Thần mạc khải Ngài cho thế giới, nhưng bằng cách làm cho Ngài trở thành một mầu nhiệm, vì chính Thánh Thần cũng là mầu nhiệm khôn dò của Thiên Chúa.
Chiên Con bị sát tế ấy là sư tử Giuđa (Kh 5, 5) được Thiên Chúa ban cho danh hiệu là “Chúa” trong Thánh Thần, “Chúa vinh quang” (Pl 2, 11).
Xưa, dẫu là Con, Ngài đã tự hạ sống kiếp tôi đòi (Pl 2, 7), trải bao đãi dầu mà học cho biết vâng phục (Dt 5, 8); bây giờ, trong sự viên mãn của Thánh Thần, Ngài là sự tự do của Thiên Chúa.
Trong khi xác thịt ích kỷ, khép kín, thì Thần Khí là Tình Yêu; khi phục sinh Đức Kitô, Thánh Thần đặt cho Ngài luật của Thánh Thần: đó là sự tự hiến. Trong Thánh Thần là sự tuôn đổ của Thiên Chúa, Đức Kitô trở thành “Thần Khí tác sinh” (1Cr 15, 45), tự hiến và hiệp thông. Biểu tượng cuả Ngài là bánh được ăn và chén được dâng.
Trong Đức Kitô, mọi khác biệt có tính chia rẽ đều bị loại trừ: “Không còn Dothái hay Hylạp … tất cả là một trong Đức Giêsu Kitô” (Gl 3, 28). Thánh Thần là một sức mạnh yêu thương muốn đưa thời gian tới hồi viên mãn, và quy tụ muôn loài trong trời đất dưới quyền một thủ lãnh là Đức Kitô (Ep 1, 10). Trong Thánh Thần hiệp thông, không thể có những phân biệt có tính kỳ thị, chia rẽ; nếu có khác biệt, chỉ có thể là khác biệt trong mức độ hiệp thông nhiều hay ít.
Thánh Thần là sự viên mãn vĩnh hằng, Đức Kitô Phục Sinh cũng đã trở nên sự viên mãn thần linh (Cl 2, 9), nhưng sự viên mãn này từ nay nội tại trong thế giới. Ngài là “Thần Khí” đem ý nghĩa đến cho mọi sự (2Cr 3, 17). Ngài là thiên đàng nơi Thiên Chúa đi dạo trong thế giới (x. St 3, 8), nơi Thiên Chúa ra khỏi mình mà lại không rời bỏ mình; Ngài cũng là thiên đàng cho con người (Ep 2, 6), và người đồng hành đầu tiên trong cuộc vượt qua với Đức Kitô được vào, đó là người trộm lành (Lc 23, 43).
E. ĐỨC KITÔ ĐƯỢC SAI ĐẾN TRONG THÁNH THẦN.
Đức Kitô Phục Sinh vừa được siêu tôn trên các tầng trời – Ngài nói: “Ta đi” (Ga 14, 2. 3) – vừa được sai đến trong trần gian: “Ta đến với các ngươi” (Ga 14, 18. 28). Vì nếu không, cái chết và sự sống lại của Ngài sẽ không là cái chết và sống lại “cho chúng ta”, sẽ không có âm hưởng gì trên thế giới. Nhờ Thánh Thần là sự cởi mở, tự hiến, và thông ban chính mình, mà Đức Kitô, ngay trong cái chết, vừa được tôn vinh nơi Thiên Chúa, vừa được sai đến và trao ban trong hiệp thông, vì vậy mà Ngài “đã chết và sống lại cho chúng ta” (2Cr 5, 15), cái chết và sự sống lại của Ngài trở thành của chúng ta.
Ngài đến gặp các môn đệ (Ga 16, 16), Ngài đến ở với Hội Thánh (Mt 28, 20), làm đầu Hội Thánh (Ep 1, 22), làm viên mãn mọi sự (Ep 4, 10).
Ngài đến gặp những người đã chết trước Ngài trong chính cái chết của họ – “xuống ngục tổ tông” (1Pr 3, 18t; 4, 6)- và làm cho họ thông dự vào cuộc vượt qua cứu độ của Ngài (Dt 11, 39t); cả những người sống sau biến cố cứu độ mà không được biết Tin Mừng cũng vậy (1Cr 10, 11).
Ngài đến với hết mọi người trong giờ chết, để làm cho họ cùng chết và cùng được sống lại với Ngài (2Tm 2, 11). 1Tx 4, 14 là một bản văn rất đẹp, dịch sát chữ là: “Những kẻ đã an nghỉ bởi Đức Giêsu”. Người ta chết bởi Ngài. Ngài là sự chết lành, là sự vượt qua của con người.
Việc sai Đức Kitô đến trần gian này sẽ rực rỡ và trọn vẹn trong ngày quang lâm. Quang lâm không phải là trở lại sau thời gian xa vắng lâu ngày, nhưng là Đấng Phục Sinh đến trong tất cả “quyền năng phục sinh của Ngài” (Pl 3, 10).
Lịch sử thánh kết thúc ở chỗ đã khởi đầu: lúc Cha sinh hạ Con vào trong trần gian (trong sức mạnh Thánh Thần).
F. ĐỨC KITÔ, NGUỒN SUỐI BAN THẦN KHÍ.
Đức Kitô Phục Sinh trong Thánh Thần không chỉ cho một mình Ngài, nhưng cho nhiều người (2Cr 5, 15). Ngài trở thành nguồn suối ban Thần Khí.
Phaolô viết: “Ađam thứ hai đã trở thành Thần Khí tác sinh” (1Cr 15, 45).
Thánh Gioan kể: “Vào ngay cuối một đại lễ (Lễ Lều), Đức Giêsu đứng trong đền thờ mà hô lên rằng “Ai khát thì hãy đến với Ta, và hãy uống kẻ tin vào Ta”. Như Kinh Thánh đã nói: “Tự lòng Ngài sẽ chảy ra những dòng sông nước sinh sống”. Và thánh Gioan cắt nghĩa: “Điều ấy Ngài nói về Thần Khí các kẻ tin vào Ngài sẽ lãnh lấy, vì Thần Khí chưa có, bởi Đức Giêsu chưa được tôn vinh” (Ga 7, 37-39).
Đức Giêsu tuyên bố đã đến lúc từ lòng Ngài chảy ra những dòng sông Thánh Thần. Đây là một hồng ân mới mẻ: mới không những vì nhiều, như nước sông, nhưng còn mới tự bản chất, đến nỗi Phúc Âm có thể nói là trước đây chưa có Thánh Thần, chưa hề thấy ơn Thánh Thần như thế trong Israel.
Hồng Ân Thánh Thần được ban bởi Đức Kitô Phục Sinh, nên điều kiện tất yếu là phải ra đi: “Nếu Ta không ra đi, thì Đấng Bầu Chữa sẽ không đến. Còn nếu Ta đi, Ta sẽ sai Người đến với các ngươi” (Ga 16, 7). Việc sai phái Thánh Thần là một thành phần của mầu nhiệm Vượt Qua: chết cho phần rỗi thế gian, Đức Giêsu đã chết để ban Thánh Thần.
Nơi trào vọt ra Thánh Thần là thân xác Đức Giêsu: nguồn suối sẽ trào vọt ra từ cạnh sườn Ngài, khi Đức Giêsu sẽ cư ngụ hoàn toàn ở trong Cha. Nước thần linh sẽ chảy ra từ một thân xác của một con người; đây là một khẳng định phi thường, nó giả thiết một con người đã được Thiên Chúa đảm nhận đến tận thân xác của mình.
Lời tuyên bố của Đức Giêsu dịp Lễ Lều đã là một lời tiên tri. Môsê đã phải đánh vào tảng đá, cũng vậy, cạnh sườn Đức Kitô trước hết phải bị đâm thủng. Trêm Gò Sọ, “một người lính lấy đòng đâm cạnh sườn Ngài, và lập tức có máu và nước chảy ra” (Ga 19, 34).
Đoạn văn trên quan trọng đến nỗi thánh Gioan thấy cần phải thề để làm chứng mình nói thật: “Người trông thấy đã làm chứng … , và người biết là đã nói thật, ngõ hầu cả anh em nữa cũng tin” (Ga 19, 35). Toàn bộ Tin Mừng Gioan được “viết để anh em tin” (Ga 20, 31), ở đây đạt đến cao đỉnh. Tất cả mầu nhiệm đức tin được mạc khải trong biến cố này.
Máu là biểu tượng của Đức Kitô trong hy tế của Ngài, và nước là biểu tượng của Thánh Thần chảy ra từ cạnh sườn Đức Kitô. Máu được nhắc đến trước, vì trước khi nói đến nguồn suối, phải nói đến đất từ đó nguồn suối chảy ra, phải có vết thương từ đó chảy ra nước. Trước hồng ân Thánh Thần, có Đức Kitô là Đấng Trung Gian. Cho đến ngày tận thế (x. Kh 1, 7), người ta luôn có thể chiêm ngắm cảnh tượng này, như chính thánh sử đã được chiêm ngắm: “Chúng sẽ trông lên Đấng chúng đã đâm thâu”(Ga 19, 37). Họ sẽ tiến lại gần trong đức tin (Ga 7, 37), và sẽ được giải khát trong dòng sông Thánh Thần.
Thân xác bị đâm thâu, “và lập tức máu và nước chảy ra”. Từ máu đến nước, từ cái chết đến Thánh Thần, tương quan là “tức thì”. Tương quan này hình như thánh Gioan đã khẳng định rồi khi viết: “Và gục đầu xuống, Ngài phó thác Thần Khí” (Ga 19, 30). Có lẽ phải hiểu rằng: đồng thời phó thác khí Ngài, Đức Giêsu phó thác Khí Thần. trong giây phút “mọi sự đã hoàn tất”, thì công trình cũng hoàn thành (Ga 19, 30). Mầu nhiệm cái chết của Đức Giêsu lớn lao thay, và cũng mầu nhiệm thay Thánh Thần trong tương quan với cái chết.
Từ đâu cái chết của Đức Giêsu lại tương quan với Thánh Thần ? Phải chăng vì cái chết của Con là sự đến trong thế gian này của Thiên Chúa Ba Ngôi chí thánh, là chính Thiên Chúa Tình Yêu đến trong lịch sử ? Để Thánh Thần là Tình Yêu vô biên được tuôn trào như trong Thiên Chúa nội tại, thì trong cái chết của Đức Giêsu, Thiên Chúa phải đi vào trong thế giới theo lượng tình yêu vô biên của Người. Mầu nhiệm thập giá vinh quang là mầu nhiệm Ba Ngôi trở nên nội tại trong thế giới.
Chiêm ngắm trái tim Chúa Giêsu bị đâm thâu và mở toang sẽ luôn đưa người tín hữu đến một thái độ thán phục đầy ngạc nhiên, đồng thời vui sướng và biết ơn.
Theo Gioan cũng như Phaolô, Thánh Thần được ban trong sự thông hiệp với Đức Kitô. Khi người tín hữu ăn bánh thần linh (Ga 6, 33), là “thịt mình Đức Giêsu chịu nộp cho sự sống thế gian” (Ga 6, 51), thì họ được no đầy và giãn khát.
G. THẦN KHÍ, CHỨNG NHÂN CỦA ĐỨC GIÊSU.
Đây là đóng góp riêng của Gioan vào thần học về Thánh Thần: “Khi Đấng Bầu Chữa đến, Đấng Ta sẽ gửi đến từ nơi Cha, Thần Khí Sự Thật từ Cha xuất ra, Ngài sẽ làm chứng về Ta” (Ga 15, 26).
Gioan Tẩy Giả là người đầu tiên đã làm chứng cho Đức Giêsu (Ga 1, 6). Sau đó là những việc mà Cha (Ga 8, 18) giao phó cho Đức Giêsu làm (Ga 5, 36).bắt đầu từ biến cố Vượt Qua , thì chính Thánh Thần đảm nhận vai trò này. Ngài sẽ làm chứng, tố cáo thế gian về tội, về sự công chính, và về án xử (Ga 16, 8-11) chứng cớ của Ngài sẽ làm cho mọi quyền bính thế gian phải sụp đổ: “Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa … chính Thánh Thần làm chứng” (1Ga 5, 5).
Thánh Thần làm chứng bằng nhiều cách. Ngài công bố sự phục sinh qua miệng các Tông Đồ (Lc 24, 48). Ngài lên tiếng trước tòa án lương tâm, chứng của Ngài nội tại trong tâm hồn các tín hữu, đức tin Ngài khơi đậy, nhờ sự “xức dầu nội tâm” (1Ga 2, 20. 27). Chính Gioan đã kinh nghiệm lời chứng mạnh mẽ của Thánh Thần trong tâm hồn mình, đến nỗi dám nói: “Thánh Thần chưa có” bao lâu Đức Giêsu chưa được tôn vinh (Ga 7, 39).
Thánh Thần làm chứng cho Đức Giêsu, vì Ngài là “Thần Khí Sự Thật”. Đức Giêsu đã nói tất cả (Ga 15, 15) nhưng Ngài còn nhiều điều phải nói (Ga 16, 12), vì mầu nhiệm của Ngài, dù đã được mạc khải, vẫn khôn dò thấu. Vai trò của Thánh Thần sẽ là nhắc lại tất cả (Ga 14, 26) cắt nghĩa Đức Giêsu, và “đưa vào tất cả sự thật” (Ga 16, 13). Bản văn không trình bày Thánh Thần như là ánh sáng, nhưng nhìn nhận vai trò của Ngài là làm cho người ta thấy được ánh sáng, đưa người ta vào trong sự thật. Thánh Thần là hành động, là mạc khải; không là ánh sáng, nhưng Ngài cho người ta nhận ra ánh sáng. Tắt một lời, Thánh Thần “là chân lý” (1Ga 5, 6), bởi vì chính Ngài thông tri chân lý cho người ta biết.
III. THẦN KHÍ CỦA ĐỨC KITÔ TRONG GIÁO HỘI.
Theo Mt 26, 64, Đức Giêsu tuyên bố: “Từ bây giờ, các ngươi sẽ thấy Con Người ngự bên hữu Quyền Năng, và đến trên mây trời”. “Con Người” ở đây có nguồn gốc trong sách Đaniel (Đn 7, 13t), không chỉ có nghĩa cá nhân, nhưng còn là tập thể. Đức Kitô Phục Sinh không chỉ nơi bản thân, nhưng còn dưới dạng cộng đoàn, như hạt lúa mì trổ sinh mang nhiều hoa trái (Ga 12, 24).
Hội Thánh là thân mình của Đức Kitô Phục Sinh (Ep 1, 18-22), không là cái gì phụ thuộc bên ngoài thêm vào, nhưng là chính thân mình của Đức Kitô, “cùng sống lại với Ngài” (x. Ep 2, 5). Đức Giêsu phục sinh nơi bản thân, và dưới dạng cộng đoàn: biến cố Vượt Qua khai sinh Hội Thánh.
Và chính trong Thánh Thần mà Chúa Cha phục sinh Đức Kitô.
A. THÁNH THẦN Ở NGUỒN CỘI KHAI SINH HỘI THÁNH.
Hội Thánh được khai sinh từ cuộc vượt qua của Đức Kitô, và được biểu lộ cụ thể khi Đấng Phục Sinh hiện ra thổi hơi trên các Tông Đồ vào ngày thứ nhất trong tuần (Ga 20, 21-23), hoặc lúc Thánh Thần được đổ xuống năm mươi ngày sau (Cv 2, 32t).Hội Thánh được thành lập trong Thánh Thần của Đấng Phục Sinh.
Dưới hơi thở của Thánh Thần, Hội Thánh khai sinh tại Giêrusalem giữa những người Dothái. Hội Thánh lớn lên từ đó, bằng cách sinh hạ không ngừng dưới tác động này. Hội Thánh sinh ra tại Samaria nơi những người Dothái lạc giáo và tại Xêsarê giữa dân ngoại, khi Thánh Thần ngự xuống trên họ (Cv 8, 14-17; 10, 44-48). Luôn luôn là như thế: ở đâu có Hội Thánh khai sinh, ở đó Thánh Thần làm việc; ở đâu có cộng đoàn Hội Thánh mới được thành lập hoặc có tín hữu mới gia nhập, thì chính Thánh Thần tháp nhập cộng đoàn ấy, tín hữu ấy vào Đức Kitô, làm nên một thân mình duy nhất của Đức Kitô (1Cr 12, 13-27).
Hội Thánh có nguồn gốc kép, vừa bởi Đức Kitô, vừa bởi Thánh Thần, nên Hội Thánh vừa là một tổ chức hữu hình, vừa là một mầu nhiệm “trong Thiên Chúa” (1Tx 1, 1). Dưới mọi khía cạnh, Hội Thánh luôn tùy thuộc nguồn gốc kép bất khả phân này.
Được thiết lập trong Thánh Thần là sự hiệp thông, cơ chế của Giáo Hội phải phục vụ cho sự hiệp thông Thánh Thể, biểu tượng của Giáo Hội và là biểu tượng góp phần hình thành Giáo Hội, chứng nhận rằng hiệp thông là đòi hỏi nền tảng, vì “bánh ta bẻ ra là thông hiệp vào thân mình Đức Kitô” (x. 1Cr 10, 16). Mô hình Thánh Thể cũng phải cảm hứng cho những luật lệ, cơ cấu của Giáo Hội. Nếu trong cơ cấu Giáo Hội, cần có những phân biệt, thì những phân biệt này không nhằm chia rẽ, kỳ thị, mà là để quy tụ, hiệp nhất. Chẳng hạn sự khác biệt của chức linh mục không tách người linh mục ra khỏi giáo dân, đặt linh mục đối diện với giáo dân và ở trên giáo dân; mà trái lại hội nhập người linh mục vào trong cộng đoàn, làm cho tác vụ của ngài trở thành một việc phục vụ giữa lòng cộng đoàn.
Giám mục Rôma không tự đặt mình lên trên Giám-mục-đoàn, nhưng đi xuống vào giữa lòng cộng đoàn giám mục. Thánh Thần hiệp thông là nguồn suối trước tiên của giáo luật, tạo nên quyền bính đích thực trong Hội Thánh. Những sinh hoạt của Giáo Hội – các tác vụ – được điều hành bởi những con người, chứ không phải bởi hệ thống những văn phòng, bàn giấy và nhân viên. Các bí tích không phải được điều hành, nhưng được sống, bởi cả người ban cũng như người lãnh nhận.
Hội Thánh là một, vì Đức Kitô không bị phân chia. Nhưng chính trong Thánh Thần tình yêu mà Hội Thánh được thanh tẩy nên một với Đức Kitô (1Cr 12, 13), vì thế Hội Thánh là một trong sự phong phú, trong sự tôn trọng những khác biệt của mỗi thành phần, tương tự Thiên Chúa là một trong Ba Ngôi.
B. THÁNH THẦN ĐƯỢC BAN CHO HỘI THÁNH.
Thánh Thần “đồng thiết lập” Giáo Hội với Đức Kitô, Thánh Thần (1Cr 6, 11) cũng cùng với Đức Kitô (1Cr 1, 2), thánh hóa Giáo Hội.
Thánh Thần hiện diện trong Hội Thánh như đền thờ Ngài (1Cr 3, 16; Ep 2, 20-22). Nhưng không hiện diện theo kiểu chiếm ngự một không gian, mà là Tình Yêu, Ngài tạo sự liên kết; Ngài cũng không tạo cho mình, mà cho Chúa Cha và Con (Ga 14, 10), cho Đức Kitô và Phaolô, đến nỗi Phaolô có thể nói: “Đức Kitô sống trong tôi” (Ga 2, 20).
Bởi sự hiện diện của Thánh Thần, người tín hữu thuộc về Đức Kitô (Rm 8, 9), và đi vào trong tương quan của Con với Cha. Thánh Thần hiện diện trong tâm hồn tín hữu (Rm 5, 5; Gl 4, 6), làm họ hiệp thông mỗi lúc một sâu xa hơn với Đức Kitô, và cảm nghiệm được sự thân mật gần gũi với Thiên Chúa, đến nỗi được thúc đẩy bằng một sự tin tưởng chưa hề có làm cho họ thốt lên: “Abba, Cha” (Rm 8, 15).
Thánh Thần không những làm cho người tín hữu có tâm tình con đối với Cha, nhưng còn liên kết họ trong một sợi dây huynh đệ, trong sự hiệp thông. Được tác tạo trong Thánh Thần, con người đã có nhu cầu sống cùng, sống với. Nhưng ở đỉnh cao của lịch sử cứu độ, trong Đức Kitô Phục Sinh, Thánh Thần kiến tạo một sự hiệp thông viên mãn, mà người ta gọi là ơn cứu độ.
Tin Mừng là một sứ điệp hiệp thông: “Chúng tôi loan báo cho anh em nữa, để anh em được thông hiệp với chúng tôi ! Và thông hiệp của chúng ta là thông hiệp với Cha và Con của Người … ngõ hầu sự vui mừng của chúng tôi được nên trọn” (1Ga 1, 3).
Ngay từ đầu, Hội Thánh đã ýthức về sự hiệp nhất mầu nhiệm trong mình, vì “thông hiệp vào Mình và Máu Đức Kitô” (1Cr 10, 16t). Chính biến cố Vượt Qua cứu độ của Đức Kitô là nguồn gốc: Đức Kitô “chết và sống lại vì chúng ta” (2Cr 5, 15). Trong quyền năng Thánh Thần, Đức Kitô Phục Sinh trở thành một hữu thể hiệp thông, bằng cách tự hiến, chia sẻ chính mình, đến tận những gì không thể chia sẻ được: là cái chết và sự sinh ra làm Con của Ngài. Trong Đức Kitô, người tín hữu cũng có thể trở nên như Ngài: “không ai sống cho mình, không ai chết cho mình” (Rm 14, 7). Người ta không bao giờ là thánh cho riêng mình, mà luôn vì lợi ích cho nhiều người khác. Một kitô-hữu trẻ tuổi, Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu, đã có kinh nghiệm về hạt lúa sinh nhiều bông hạt. Trong những ngày cuối cùng nằm trên giường bệnh, người ta đem đến cho thánh nữ một bó lúa. Ngài lấy ra một nhánh đẹp nhất và nói: “Đây là hình ảnh linh hồn em; Thiên Chúa nhân lành đã ban xuống cho em nhiều ân sủng để em làm lợi cho nhiều người khác”.
Ơn Thánh Thần là ân sủng của tình yêu. Chứ không phải là của cải, hay một thứ sở hữu, mà là hiệp thông. Hiệp thông các thánh là cộng đoàn những con người hiệp thông trong sự tự hiến hỗ tương. Hãy xem Đức Kitô trong mầu nhiệm Vượt Qua: Ngài không chiếm hữu gì hết, Ngài chết cho mọi sở hữu; Ngài hoàn toàn tự hiến; Ngài hiện hữu cho Giáo Hội.
Bí tích Thánh Thể sẽ giúp soi sáng: trong Thánh Thể, Đức Kitô làm cho Hội Thánh nên thân thể của Ngài, bằng cách để cho Hội Thánh ăn mình đi (1Cr 10, 17), trong đó Hội Thánh thuộc về Đấng thuộc về mình (2Cr 5, 15).
C. HỘI THÁNH TÔNG TRUYỀN.
Việc tông đồ là một biểu lộ cụ thể của sự hiệp thông các thánh. Dưới sự thúc đẩy của Thánh Thần, thực tại cánh chung, Hội Thánh lan rộng đến tận cùng trái đất và tận cùng lịch sử (Rm 1, 8).
Thánh Thần xuất hiện dưới hình lưỡi lửa, như bảo chứng rằng lời rao giảng tông đồ là một “lời chứng bởi Thánh Thần và quyền năng” (1Cr 2, 4). Động lực của hoạt động tông đồ không gì khác hơn là chính Thánh Thần đã phục sinh Đức Kitô vào trong thế giới. Thánh Thần luôn phục vụ Chúa Con, làm cho Chúa Con hình thành trong thế giới qua hoạt động tông đồ.
Lời rao giảng của người tông đồ là lời của chính Đức Kitô (2Cr 2, 17; 13, 3); nhưng Thánh Thần không thể tách khỏi Lời, chính Ngài thúc đẩy các tông đồ lên tiếng: “Đầy Thánh Thần, họ bắt đầu nói” (Cv 2, 4). Vì thế, Lời tông đồ là quyền năng cứu độ của Thiên Chúa (Rm 1, 16), nhưng lại biểu lộ trong sự yếu đuối tột cùng (1Cr 1, 25), vì Thánh Thần chiến thắng trong sự khiêm hạ của thập giá. Các sứ giả loan báo Tin Mừng có thể luôn phải nghe lời: “Họ quá rượu rồi”, nhưng quyền năng Thiên Chúa biểu lộ trong sự yếu đuối của con người và của lời con người: đó chính là đoàn sủng rao giảng của người tông đồ.
Đức tin nơi những người đón nhận lời tông đồ cũng là một tác động của Thánh Thần: “Không ai có thể nói Đức Giêsu là Chúa, nếu không phải bởi Thánh Thần” (1Cr 12, 3).
Trỗi vượt hơn hết trong các ơn mà Thánh Thần đã ban cho Giáo Hội là ơn linh hứng Thánh Kinh. Hội Thánh tuyên xưng vững vàng rằng: Kinh Thánh đã được viết ra dưới hơi thở của Thánh Thần (2Pr 1, 21). Kinh Thánh sinh ra từ cạnh sườn rộng mở của Đức Giêsu như một đứa con sinh ra từ lòng mẹ, thì Kinh Thánh (cũng như các tín hữu) lại không ngừng tắm gội trong ân sủng của Thánh Thần. Kinh Thánh được đọc và được hiểu trong Thánh Thần mà Kinh Thánh đã được soạn ra.
Ơn lớn nhất của việc đọc Kinh Thánh là được gặp Đức Giêsu Kitô. Theo Phaolô, chính Đức Kitô là ý nghĩa sâu xa của Kinh Thánh, Ngài là “Thần Khí”, không có Ngài, Sách Thánh sẽ chỉ còn là một thứ “chữ chết”. Chính Thánh Thần mở mắt người tín hữu, để họ thấy được khuôn mặt Đức Kitô xuyên qua những trang giấy. Thánh Thần là sự tự do: Ngài cất đi tấm mạng che, giải phóng tầm mắt, và như thế người tín hữu thấy mình diện đối diện với Chúa, được ngắm vinh quang toả chiếu trên khuôn mặt Ngài (2Cr 3, 17t).
KẾT LUẬN
Thánh Thần là huyền nhiệm. Trái tim con người đã có những lý lẽ mà lý trí không hiểu nổi, huống hồ là trái tim Thiên Chúa …
Tuy nhiên Thánh Thần không phải là một Đấng xa lạ. Vì Thiên Chúa đã thắp lên một ngọn đèn, là Đức Giêsu Kitô, cháy sáng trong thế giới này bằng sự hiện diện của Thánh Thần. Sau khi thắp đèn, Thiên Chúa đã đặt lên giá và đặt lên giá rất cao, khi phục sinh Đức Giêsu từ cõi chết trong sự viên mãn của Thánh Thần, Ngài đổ đầy vào trong Hội Thánh ánh sáng của Ngài.
Từ nay các tín hữu có thể biết Thánh Thần (Ga 14, 17). Họ có thể chiêm ngắm vinh quang của Thiên Chúa trên khuôn mặt Đức Kitô, vinh quang này chính là Thánh Thần. hiệp thông với Đức Kitô, họ sẽ có Thánh Thần và được sống trong Ngài: “Các con biết Ngài, vì Ngài cư ngụ trong các con, và sẽ ở trong các con”.
Thánh Thần là bí mật của Thiên Chúa, nhưng cũng là quyền năng làm cho Thiên Chúa ra khỏi mình, đi vào thế giới, và trải rộng sự hiện diện của Ngài trong tạo thành, rồi ở giữa con người qua những giao ước tiếp nối nhau, và sau cùng trong Đức Kitô và nơi Giáo Hội Ngài. Sự tuôn trào Thánh Thần có thể so sánh với lực đẩy làm phát sinh chuyển động của một vòng trôn ốc: tiếp tục chuyển động vòng tròn, nhưng ra khỏi mình, vừa mới mẻ, vừa cổ xưa. Thánh Thần cũng vậy, Ngài tìm cách tái diễn trong thế giới mầu nhiệm nội tại duy nhất của Thiên Chúa dưới những hình thái khác nhau. Thánh Thần chuyển động theo một vận hành kép lên-xuống, ra-vào không ngừng.
Quyền năng Tình Yêu đã khiến Thiên Chúa ra khỏi chính mình, theo vận hành trôn ốc, nhưng luôn nhắm đến một mục đích cũng là tâm điểm của sáng tạo và cứu độ: Đức Giêsu Kitô. Quả vậy, chính trong Thánh Thần, Thiên Chúa tạo dựng thế giới quy hướng về Đức Kitô, và cũng trong Thánh Thần, Thiên Chúa hướng dẫn lịch sử cứu độ, tháp nhập con người vào Đức Kitô và làm nên Giáo Hội trong Tình Yêu Thánh Thần.
Mọi nghiên cứu về mầu nhiệm Thánh Thần đều phải chân nhận tương quan này giữa Chúa Con và Thánh Thần. tất cả hoạt động của Thánh Thần đều chỉ nhắm một mục đích duy nhất là “sinh hạ” Chúa Con vào trong thế giới. Thiên Chúa là Cha, Đấng sinh hạ ra Con trong Thánh Thần; và Thánh Thần, trong mọi hoạt động của Ngài, là Thánh Thần của Cha, Đấng sinh hạ, Thánh Thần của Con, Đấng được sinh ra. Quyền năng Thánh Thần biểu dương trong biến cố Vượt Qua của Đức Giêsu ở mức độ tuyệt đỉnh: đưa mầu nhiệm của Con đến cao điểm trong thế giới. Từ nay sự sinh hạ vĩnh hằng ra Con được thực hiện ngay trong tạo thành.
Xin mạo muội đưa ra suy nghĩ này: ít nhất theo chứng cớ của Kinh Thánh, Thánh Thần không bao giờ yêu cầu phải dâng lên Ngài một phụng tự thờ kính Ngài, nhưng chắc hẳn có một thứ phụng tự rất đẹp lòng Ngài: đó là tình yêu mà Hội Thánh dành cho Chúa Giêsu, là sự nhiệt thành của Hội Thánh trong việc dấn thân phục vụ cho Đức Giêsu đến trong thế gian. Vì đó chính là tất cả nỗi khát khao của Thánh Thần: “Thánh Thần và Tân Nương nói: xin hãy đến !” (Kh 22, 17).
Sự Phục Sinh Đức Kitô mạc khải cho thấy rằng, chính trong Thánh Thần mà Thiên Chúa là Cha, rằng Thánh Thần là hành động vĩnh cửu, là quyền năng, sự thánh thiện, tình yêu và vinh quang, trong đó Thiên Chúa sinh hạ Ngôi Lời của Người. Vì thế chúng ta hẳn có thể nói Thánh Thần là chính sự sinh hạ vĩnh hằng cô đọng trong một Ngôi Vị. Ngài là mầu nhiệm riêng của Cha, là mầu nhiệm riêng của Con. Không là khởi nguyên cũng không là đích điểm của chuyển động Ba Ngôi, nhưng Ngài ở khởi đầu và ở kết thúc của chuyển động đó, hoạt động trong Cha sinh hạ, trong Con được sinh hạ, và chính Ngài liên kết Cha và Con. Tất cả được hoàn tất trong Ngài là Tình Yêu vô cùng quyền năng, là hành động duy nhất của cả Cha và Con. Vì thế mà Ngài được gọi là Ngôi Ba, vì Ngôi Vị của Ngài hình thành trong tương quan giữa Cha và Con. Đồng thời chúng ta tuyên xưng rằng Ngài không thua kém Cha và Con, cũng không có sau Cha và Con, vì trong Ngài mà Cha là Cha và Con là Con.
Do đó, chúng ta không ngạc nhiên khi thấy mọi thuộc tính của Thiên Chúa đều cô đọng thành Ngôi Vị nơi Ngài (hypostasies en lui): quyền năng, sự thánh thiện, sự sống vô biên, vinh quang, tình yêu vô hạn. Thánh Thần là nền tảng của mầu nhiệm Thiên Chúa.
Nhận ra và nói lên được điều đó đã là rất quan trọng; nhưng cũng mới chỉ là nói về Thánh Thần, chứ chưa nói lên mầu nhiệm của Ngài. Chúng ta đã chẳng tuyên xưng rằng Ngài khôn tả, không lời hay sao ? Thánh Thần vẫn luôn luôn là huyền nhiệm khôn dò của thực tại thần linh.
May thay đối với tri thức Kitô giáo, còn có một con đường khác ngoài con đường suy tư thần học: đó là con đường của quả tim hiệp thông với mầu nhiệm. Chính ở tận sâu thẳm của trái tim, của cõi lòng mà mắt người tín hữu mở ra: “Xin Thiên Chúa của Chúa chúng ta, Đức Giêsu Kitô, Cha vinh hiển, ban cho anh em Thần Khí khôn ngoan,và mạc khải cho biết về Người. Ngõ hầu sau khi những mắt của lòng được rạng sáng, anh em biết …” (Ep 1, 17). Sự hiểu biết đích thực nhất là sự hiểu biết của con tim đang yêu. Chính thần học, muốn khỏi bị lạc lối, cũng phải bén rễ trong cách hiểu biết ưu hạng này. Cũng như mọi hoạt động Kitô-giáo khác, nó đòi hỏi phải thực hành các nhân đức đối thần. trong Kitô-giáo, tất cả đều khởi đầu trong sự hiệp thông, và hoàn tất cũng trong sự hiệp thông.
Trong sự tốt lành của mình, Thánh Thần tự thông ban, và nhờ đó Ngài được nhận biết. Ngài đến cư ngụ trong Giáo Hội, thấm nhuần tâm hồn các tín hữu như sương sa, và tâm hồn họ nhận biết Ngài theo kiểu thẩm thấu (imprégnation). Huyền nhiệm Thánh Thần được nhận biết cách thâm sâu, gần gũi, như đại dương mênh mông được loại rong biển nơi đáy sâu cảm nhận.
Người kitô-hữu cũng có được một thứ ngôn ngữ để diễn tả sự hiểu biết bằng hiệp thông này, một thứ ngôn ngữ không lời, qua đó Thánh Thần nói lên sự hiện diện của Ngài: “Lòng mến của Thiên Chúa đã được đổ xuống lòng chúng ta, nhờ bởi Thánh Thần Người ban cho ta”. Thánh Thần là Tình Yêu, Ngài tự diễn tả trong các tín hữu bằng tình yêu mà Ngài khơi dậy nơi họ.
Trước khi chết ít lâu, triết gia Ravaisson, 87 tuổi, đã tâm sự: “Tôi ra đi khi chưa nói lên được tiếng cuối cùng của tôi. Người ta luôn luôn ra đi trước khi có thể hoàn tất công việc của mình”. Người người tín hữu của Đức Kitô được đặc ân nói lên tiếng nói cuối cùng bao hàm ý nghĩa của cuộc sống, của mọi sự, và ngay cả của Thiên Chúa. Như một nữ kitô-hữu trẻ, đã từng lên tiếng trong hơi thở cuối đời: “Con yêu mến Ngài, lạy Chúa, con yêu mến Chúa …”.
Trong suốt cuộc đời tại thế, người kitô-hữu chuẩn bị cho kinh nghiệm cuối cùng này về Thánh Thần. họ chuẩn bị bằng cách yêu mến, và khi yêu mến, là họ bắt đầu biết Thánh Thần của Thiên Chúa.