GIÁO HUẤN MỚI NHẤT CỦA GIÁO HỘI CÔNG GIÁO VỀ VẤN ĐỀ “FILIOQUE”
I. TRONG SÁCH GIÁO LÝ CHUNG CỦA GIÁO HỘI CÔNG GIÁO.
Trong Sách Giáo Lý Chung của Giáo Hội Công Giáo xuất bản bằng Pháp ngữ năm 1992, có một số điểm khá quan trọng về tín lý mà chúng ta nên biết để cập nhật hóa. Một trong các điểm đó là vấn đề “Filioque” (và Con): vấn đề tranh luận giữa Giáo Hội Công Giáo và Giáo Hội Chính Thống từ một ngàn năm nay.
Vì tinh thần đại kết và nỗ lực trở về Nguồn, Giáo Hội Công Giáo đã mạnh dạn làm sáng tỏ vấn đề hơn nhiều so với trước. Sách Giáo Lý Chung đã thẳng thắn và minh nhiên nói ra một số điều mà trước đây chỉ một số nhà nghiên cứu lịch sử thần học trong Giáo Hội Latinh dám đề cập đến.
Để nắm vững nội dung tín lý của Sách Giáo Lý Chung về Chúa Thánh Thần, đặc biệt về sự Nhiệm Xuất, chúng ta nên lược ra những điểm cần lưu ý trong các số nói về Chúa Thánh Thần, đặc biệt trong Art. Israel, parag. 20, đoạn II (la révélation de Dieu comme Trinité (Mạc khải về Thiên Chúa Ba Ngôi):
Trong số 245, chúng ta có thể lược ra một số ý chính sau đây:
– Chúa Thánh Thần phát xuất từ Chúa Cha (Il procède du Père). Sách Giáo Lý Chung công nhận đây là giáo lý tông truyền đã được Giáo Hội tuyên xưng tại Công Đồng Constantinope I năm 381; trích dẫn nguyên văn điều khoản về Chúa Thánh Thần trong tín biểu Nixê – Constantinope, mà không thêm chữ “Filioque”. Như vậy Giáo Hội công nhận Chúa Cha là Nguồn Suối, là Gốc Rễ của tất cả thần tính trong Ba Ngôi Thiên Chúa.
– Nhưng nguồn gốc vĩnh hằng của Chúa Thánh Thần không phải là không liên hệ gì tới nguồn gốc của Chúa Con. Chúa Thánh Thần là Ngôi Ba; Ngài không chỉ là Thánh Thần của Cha, mà vừa là Thánh Thần của Cha vừa là Thánh Thần của Con, là Thánh Thần của Cha và Con. Nghĩa là không được loại trừ Chúa Con, hay nói chính xác hơn, “nguồn gốc Chúa Con”, ra khỏi nguồn gốc Chúa Thánh Thần.
Trong số 246, Sách Giáo Lý Chung nhắc lại truyền thống Latinh:
– Giáo lý Công Đồng Florence 1438 khẳng định Chúa Thánh Thần nhận lãnh yếu tính và sự hữu từ Chúa Cha và Chúa Con.
– Ngài phát xuất từ Chúa Cha và Chúa Con như từ một Khởi Nguyên Duy Nhất (chống lại những người Hylạp cho rằng Giáo Hội Latinh chủ trương có hai Khởi Nguyên nơi Thiên Chúa), bởi một Nhiệm Xuy (spiratio) duy nhất.
– Điểm được làm nổi bật là: việc Chúa Thánh Thần phát xuất từ Chúa Con, chính Chúa Con đã nhận lãnh bởi Chúa Cha từ đời đời (do Chúa Cha ban).
Trong số 247, Sách Giáo Lý Chung công nhận chữ “Filioque” (và Con) không được tuyên xưng tại Công Đồng Constantinope năm 381; đã được du nhập vào phụng vụ Latinh từ thế kỷ VIII đến thế kỷ XI. Và việc phung vụ Latinh thêm chữ “Filioque” vào tín biểu Nixê-Constantinope đã gây ra tranh cãi với các Giáo Hội Chính Thống.
Trong số 248, Sách Giáo Lý Chung đề cập đến sự bổ túc cho nhau rất là cần thiết giữa hai truyền thống Latinh và Hylạp:
– Truyền thống Đông phương nhấn mạnh đặc tính Khởi Nguyên của Chúa Cha, khẳng định Chúa Thánh Thần bởi Chúa Cha (issu du Père) qua Con (per Filium) mà ra.
– Phương Tây nhấn mạnh “sự hiệp thông bản thể giữa Chúa Cha và Chúa Con”.
– Chúa Cha là Khởi Nguyên của Chúa Thánh Thần không những với tư cách là “Khởi thuỷ Vô Nguyên”, mà còn với tư cách là Cha của Chúa Con duy nhất, nên cùng với Chúa Con là Khởi Nguyên duy nhất của Chúa Thánh Thần (trích Công Đồng Lyon II năm 1374).
– Công nhận cả hai cách nói “Filioque” (và Con) và Per Filium (qua Con) đếu có giá trị, và có thể bổ túc cho nhau cách hợp pháp, không phương hại gì đến “giáo lý đức tin”.
Những điều Sách Giáo Lý Chung mạnh dạn và minh nhiên nêu ra, tuy đã một phần nào làm cho các Giáo Hội Chính Thống thông cảm, vẫn chưa làm cho họ hoàn toàn hài lòng, vì chưa thấy rõ sự hòa hợp giữa giáo lý truyền thống Filioque của Giáo Hội Latinh với Công Đồng Constantinope I, năm 381 về nguồn gốc của Chúa Thánh Thần, tuyên xưng Chúa Cha là Nguồn Suối của cả Ba Ngôi Thiên Chúa, Chúa Cha là Khởi Nguyên duy nhất của Chúa Con và Chúa Thánh Thần.
II. TRONG BẢN CLARIFICATION CỦA VĂN PHÒNG HIỆP NHẤT KITÔ-GIÁO.
Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, trong bài giảng lễ thánh Phêrô và Phaolô năm 1995, trước sự hiện diện của Thượng Phụ Chính Thống Bartholomeos I, đã bày tỏ ước muốn phải làm sáng tỏ ý nghĩa đích thực của giáo lý truyền thống Latinh về chữ “Filioque”.
Văn phòng Hiệp Nhất Kitô-giáo của Tòa Thánh đã nỗ lực soạn thảo một văn bản được gọi là Clarification (làm sáng tỏ), được công bố trên báo Osservatore Romano, bản tiếng Pháp ngày 13/9/1995. Báo La Documentation Catholique đăng lại trong số 2125 ra ngày 5/11/1995.
Chúng tôi cố gắng nêu ra các điểm chính trong bản “Clarification” này:
HAI TRUYỀN THỐNG HYLẠP VÀ LATINH VỀ SỰ NHIỆM XUẤT CỦA CHÚA THÁNH THẦN
1.
– Giáo Hội Công Giáo công nhận giá trị tiêu chuẩn của Tín biểu Constantinope năm 381 bằng tiếng Hylạp.
– Tín biểu này tuyên xưng Chúa Thánh Thần bởi một mình Chúa Cha mà ra. Một mình Chúa Cha là Khởi Thuỷ Vô Nguyên (Principium sine Principio).
– Thánh Augustinô nói Chúa Thánh Thần chủ yếu (principaliter) bởi Chúa Cha.
– Như vậy cả hai truyền thống Hylạp và Latinh đều công nhận Chúa Cha là Khởi Nguyên độc nhất của Chúa Con và Chúa Thánh Thần.
– Truyền thống Hylạp dùng chữ “Ekporèse” để chỉ nguồn gốc của Chúa Thánh Thần bởi Chúa Cha theo các giáo phụ Cappadociens. Grégoire de Nazianze phân biệt từ ngữ ekporèse (do dộng từ Ekporeuomai) mà sách Tin Mừng Gioan dùng trong câu Ga 15, 26 với từ procession (do động từ Proienai).
– Đông phương chính thống không bao giờ chấp nhận công thức “to ek tõu Patros kai tõu Yioũ ekporeumenov” (Đấng bởi Chúa Cha và Chúa Con mà ra), và Giáo Hội Công Giáo Latinh cũng không chấp nhận thêm vào “kai tõu Yioũ” (và Chúa Con: Filioque) sau “ek tõu Patros ekporeumenov” (bởi Chúa Cha mà ra) trong tín biểu Nixê-Constantinope bằng tiếng Hylạp ngay cả khi cử hành phụng vụ theo nghi thức Latinh.
– Giáo Hội Chính Thống không vì thế mà chối từ bất cứ tương quan vĩnh hằng nào giữa Chúa Con và Chúa Thánh Thần; trái lại còn diễn tả tương quan ấy bằng các từ ngữ “dia tõu Yioũ” (qua Chúa Con: per Filium).
– Đức tin được tuyên xưng tại Công Đồng Nixê III năm 787 là đức tin chung cho cả Đông phương lẫn Tây phương: To Pneuma to Agiov, tò Kúriov kai Zoopoiv, tò ek tõu Patros dia tõu Yioũ Ekporeuómenov (Thần Khí Thánh Thiện, là Chúa và là Đấng ban sự sống, Người bởi Chúa Cha qua Chúa Con mà ra). Và đây phải là nền tảng cho cuộc đối thoại thần học giữa Chính Thống và Công Giáo.
2.
– Giáo thuyết “Filioque” không được đi ngược với cương vị Khởi Nguyên Tuyệt Đối của Chúa Cha. Thực ra giáo thuyết này chỉ nhằm nhấn mạnh việc Chúa Thánh Thần có cùng bản tính thần linh với Chúa Con.
– Ý nghĩa chân chính của từ ngữ Filioque phải dựa trên niềm tin Ba Ngôi của Công Đồng Constantinope năm 381, mà Roma đón nhận tại Chalcédoine năm 451.
– Trước năm 451, các giáo phụ Hilario, Augustinô, Ambrosiô đã dạy rằng Chúa Thánh Thần phát xuất từ Chúa Cha và Chúa Con; các ngài dùng chữ “processio”. Bản Vulgata cũ dùng chữ processio để dịch chữ Ekporèse của Ga 15, 26 (qui a Patre procedit). Như vậy vô tình đã tạo ra sự tương đương giả hiệu giữa chữ Ekporèse và chữ Procession.
– Thực ra hai chữ trên không thể tương đương, vì chữ Ekporèse nhằm nguồn gốc Ngôi Vị Chúa Thánh Thần bởi Ngôi vị Chúa Cha mà ra, còn chữ Procession chỉ việc thông ban Bản Thể thần linh của Chúa Cha cho Chúa Con, rồi của Chúa Cha qua Chúa Con và cùng với Chúa Con cho Chúa Thánh Thần.
– Filioque được tuyên xưng trong tín biểu “Quicumque”, các Công Đồng địa phương ở Toledo năm 589 và 693, nhằm khẳng định sự đồng bản thể giữa Ba Ngôi. Dù bị áp lực, Giáo Hoàng Lêô III vẫn không chấp nhận thêm vào tín biểu Nixê-Constantinope. Mãi đến năm 1014, Roma mới cho thêm vào trong bản dịch phụng vụ bằng tiếng Latinh.
– Ở Alexandria, có một truyền thống tương đương với Augustinô, bắt đầu từ Atanasio, dùng từ ngữ “Proienai” (processio) chỉ việc thông ban bản thể thần linh. Chúa Thánh Thần bởi Chúa Cha và Chúa Con theo nghĩa: bản thể của Chúa Thánh Thần phát xuất từ bản thể của Chúa Cha và Chúa Con (Cyrille d’Alexandrie, Thesaurus.: P.G.75, 585A).
– Sang thế kỷ VII, Byzance tỏ ra khó chịu, vì Roma dịch chữ Procession bằng chữ Ekporèse. Maxime le Confesseur đã viết cho Roma làm sáng tỏ vấn đề: – Chỉ một mình Chúa Cha là Khởi Nguyên Tuyệt Đối của Chúa Con (génération) và của Chúa Thánh Thần (Ekporèse); – Chúa Cha và Chúa Con là nguồn gốc bản thể của Chúa Thánh Thần (procession). Chữ Filioque nhằm nhấn mạnh sự hiệp thông bản thể giữa Cha và Con, loại trừ mọi sắc thái hạ phục thuyết.
3.
– Thần học Latinh và thần học Alexandria đều cho rằng Chúa Thánh Thần phát xuất từ Chúa Cha và Chúa Con (Processio) trong sự hiệp thông bản thể; điều đó không có nghĩa là bản thể thần linh nhiệm xuất, nhưng là bản thể thần linh được ban bởi Chúa Cha và Chúa Con đồng bản thể cho Chúa Thánh Thần.
– Công Đồng Latran IV năm 1215 khẳng định: “Bản thể không sinh hạ cũng không được sinh ra, không nhiệm xuất, nhưng chính Ngôi Cha sinh hạ, Ngôi Con được sinh ra và Ngôi Thánh Thần nhiệm xuất”.
– Công Đồng Lyon năm 1274 thì dạy: “Chúa Thánh Thần nhiệm xuất từ đời đời bởi Chúa Cha và Chúa Con, không phải như từ hai khởi nguyên, mà là từ một khởi nguyên duy nhất (tamquam ex uno principio)”.
– Sách Giáo Lý Chung giải thích công thức ấy như sau: “Trật tự vĩnh hằng của Ba Ngôi Thiên Chúa, trong sự hiệp thông bản thể giữa các Ngài, đòi buộc rằng Chúa Cha phải là nguồn gốc số một của Chúa Thánh Thần với tư cách Ngài là Khởi Thuỷ vô nguyên, nhưng cũng đòi buộc rằng với tư cách là Cha của Con Duy Nhất, Ngài cùng với Chúa Con là Khởi Nguyên duy nhất cho sự phát xuất của Chúa Thánh Thần” (SGL 248).
– Như vậy là trong Giáo Hội Công Giáo, Truyền thống Đông phương nhấn mạnh tư cách “Khởi Nguyên số một của Chúa Cha”, còn Truyền thống Tây phương thì nhấn mạnh tới sự “Hiệp thông bản thể giữa Chúa Cha và Chúa Con”. Hai truyền thống này không đối nghịch nhau, mà có thể bổ sung cho nhau một cách tốt đẹp. Giáo lý Filioque của truyền thống Latinh bảo vệ đức tin Ba Ngôi khỏi hạ-phục-thuyết. Giáo lý ấy vẫn tôn trọngtương quan nguồn gốc của Chúa Thánh Thần với tư cách là Ngôi Vị nhiệm xuất từ Chúa Cha (Ekporèse).
– Tương quan giữa Chúa Cha và Chúa Con đạt tới sự viên mãn Ba Ngôi trong Chúa Thánh Thần.
– Chúa Cha là Tình Yêu khởi nguồn (1Ga 4, 8. 16).
Chúa Con là Con của Tình Yêu (Cl 1, 14).
Chúa Thánh Thần là Tặng Phẩm Vĩnh Hằng của Tình Yêu mà Cha ban cho Con Yêu Dấu (Mc 1, 9; Lc 20, 13; Ep 1, 6).
– Tình Yêu thần linh bắt nguồn từ Chúa Cha, đậu lại nơi Chúa Con là Con của Tình Yêu, để qua Con, mà hiện hữu đồng bản thể trong Ngôi Vị Thánh Thần là Tặng Phẩm của Tình Yêu.
– Vai trò của Chúa Thánh Thần trong cuộc sống nhân loại của Con Thiên Chúa cũng bắt nguồn từ tương quan Ba Ngôi Vĩnh Hằng: là Tặng Phẩm Tình Yêu của Chúa Cha ban cho Chúa Con, Chúa Thánh Thần làm rõ nét tương quan giữa Chúa Cha như là Nguồn Suối Tình Yêu và Con Yêu Dấu của Người.
– Như vậy Chúa Thánh Thần không đơn thuần chỉ tiếp nối công việc của Chúa Con.
Thay lời kết
Vấn đề có vẻ chỉ là một vấn đề chuyên môn trên phạm vi sách vở, dành cho các nhà thần học. Thực ra cách giải quyết vấn đề có ảnh hưởng quan trọng trên công việc huấn giáo, và ngay cả trên bình diện Tu đức nữa. Đối với chúng ta qui luật đức tin luôn là qui luật cầu nguyện, và qui luật cầu nguyện là qui luật sống.
Điều chắc chắn là việc làm sáng tỏ vấn đề tín lý này, ít nhiều gì sẽ ảnh hưởng trên nỗ lực Đại Kết giữa các Giáo Hội, đặc biệt là với Giáo Hội Chính Thống, điều mà mọi người chúng ta đều mong muốn.