Đương Đầu Với Chủ Nghĩa Thế Tục Trong Mùa Vọng Và Giáng Sinh
Cha Robert J. Hater*
WGPNT (30.11.2021) – Người nghèo có thể giúp chúng ta phát huy thái độ vượt thoát những dính bén vật chất.
Lễ Giáng sinh mừng ngày ra đời của Đức Giêsu, Đấng Cứu thế từ Thiên Chúa và là một con người khiêm hạ xuất thân từ Nadarét. Ngài đã dạy chúng ta không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi tiền của. Nghịch lý thay, dịp lễ này lại trở thành thời gian có tính thế tục nhất trong năm. Làm sao các chủ chăn và linh mục có thể mang lại cảm thức thánh thiêng đối lại với chủ nghĩa thế tục nay đã trở thành biểu tượng cho Mùa Vọng/Giáng sinh.
Để nói về chủ nghĩa vật chất trong xã hội hôm nay, chúng ta bắt đầu với bài giảng trên núi tuyệt vời nhất của Đức Giêsu. Những lời đầu tiên của Ngài gợi lên cho chúng ta cách thức chiến đấu với thế gian bằng sự linh thánh trong giai đoạn hậu đại dịch, cơn dịch đã gây ra nhiều đỗ vỡ và đau khổ cho cuộc sống chúng ta. Bài giảng trên núi bắt đầu với câu: “Phúc cho ai có tinh thần nghèo khó, vì Nước Trời là của họ” (Mt 5,3).
Người nghèo có thể giúp chúng ta đương đầu với thế gian nhờ phát huy thái độ giải thoát những dính bén quá mức đối với vật chất, cũng như nhờ việc phục vụ họ như là đối tượng của sự quan tâm và lòng nhân ái. Từ người nghèo, chúng ta có thể học biết con đường dẫn đến sự thánh thiện.
Suy tư dưới đây xoay quanh câu chuyện của người đàn ông nghèo tên Morley mà chúng ta xem như là hình ảnh của Đức Kitô. Từ đó, chúng ta nhớ lại sự quan tâm của Đức Giêsu dành cho người nghèo và khám phá những gì họ có thể dạy chúng ta trong Mùa Vọng và Giáng sinh này.
Morley và viên đá lửa
Câu chuyện của Morley xảy ra từ nhiều năm trước, nhưng ký ức về ông như sống lại mỗi khi tôi nhìn thấy viên đá lửa tròn cũ kỹ trong tầng hầm ngôi nhà của tôi. Di vật màu nâu xám này bị sứt mẻ một bên, nhỏ hơn quả bóng chày, nhắc tôi nhớ về ông và câu chuyện ý nghĩa này.
Viên đá dùng trong trò chơi của người thổ dân Mỹ, có hàng trăm năm tuổi, do Morley tìm thấy tại một hố khai thác đất đá, nơi nó bị chôn lấp từ nhiều thế hệ trước. Khi tôi mua viên đá này thì ông Morley cho tôi biết là mình tìm thấy viên đá này trong lúc đào bới dọc sông Miami. Khi nhìn viên đá, tôi hình dung ra những đứa trẻ thổ dân đang chơi trên bờ sông mà Morley đã đào thấy viên đá.
Tôi đã thay đổi cách đánh giá về con người của Morley khi xem một quảng cáo quyên góp giúp các cựu thương binh. Nó khắc họa một một cựu chiến binh với khuôn mặt biến dạng. Ngay lập tức, tôi nghĩ đến Morley. Ông cũng có một khuôn mặt đầy sẹo và biến dạng, do bị bỏng trong thời chiến tranh Triều Tiên.
Trước khi thấy người lính trên tivi, tôi chỉ nghĩ về lịch sử viên đá chứ chưa bao giờ nghĩ về Morley. Bây giờ tôi nhận ra giá trị của ông là con cái Chúa và thấy rằng giá trị thực sự của viên đá không nằm ở sự quý hiếm hay giá trị kinh tế, mà ở biểu tượng của nó cho cuộc đấu tranh của Morley để tìm thấy ý nghĩa cuộc đời sau tai nạn. Nhận thức này giúp tôi hiểu rõ lý do tại sao Đức Giêsu yêu thương người nghèo và tại sao các Kitô hữu sơ khai đặc biệt lưu tâm đến những người cần giúp đỡ.
Sau khi chiến đấu trở về, Morley trốn tránh mọi người và sống trong một ngôi nhà nhỏ gần sông. Hiếm khi ông vào thị trấn trừ những lúc mua đồ ăn hay làm những việc lặt vặt để kiếm sống. Ông cảm thấy an bình với bản thân và cuộc sống của mình. Đằng sau khuôn mặt của ông, tôi khám phá ra một người đàn ông tuyệt vời, mà hầu hết cuộc đời đã sống lẻ loi một mình.
Khuôn mặt đầy sẹo của Morley khiến tôi nhớ đến Hài nhi ở Bethlehem, đã trở nên Đức Kitô bị biến dạng trên thập giá. Khi nghĩ về Đức Giêsu, tôi hiểu tại sao mối Phúc đầu tiên là “Phúc cho ai có tinh thần nghèo khó . . . ”
Đương đầu với thế gian
Với những hậu quả kinh hoàng vẫn còn đó của đại dịch COVID-19, Mùa Vọng và Giáng sinh này là cơ hội để các các chủ chăn và linh mục dùng sự thánh thiêng để đương đầu với thế gian và dành ưu tiên cho con người hơn là của cải vật chất.
Những dấu hiệu rõ ràng của chủ nghĩa vật chất trong thời gian cuối năm này mời gọi chúng ta chấp nhận và truyền đạt thách đố này cho giáo dân trong giáo xứ. Đây là thời gian để tự vấn lương tâm và suy tư cầu nguyện. Đương đầu với những cám dỗ của thế gian, chúng ta hướng đến người nghèo khi chăm lo cho giáo dân cũng như bản thân.
Chúng ta nhớ rằng chủ nghĩa thế tục có những giới hạn và những bất tiện mà nó mang lại trong thời điểm căng thẳng, bệnh tật và chết chóc. Những dấu hiệu của chủ nghĩa vật chất đầy dẫy trong Mùa Vọng và Giáng sinh không phải là câu trả lời. Đúng hơn, chúng ta nhìn về thế giới đổ vỡ mà Đức Giêsu đến để dẫn đường về hạnh phúc.
Câu chuyện của Morley là một mảnh vụn trong thế giới đổ vỡ này. Chúng ta nhớ rằng Đức Giêsu đã loan báo Nước Thiên Chúa cho mọi người, đặc biệt là những người như ông Morley.
Nước Thiên Chúa là nước của tình yêu, hòa bình, tha thứ và công lý. Tâm điểm của vương quốc này là sửa chữa những đổ vỡ do tội lỗi và những hậu quả tội lỗi gây nên, đồng thời công bố ơn cứu độ cho người nghèo và bị tước đoạt quyền lợi.
Các chủ chăn và linh mục đương đầu với thế gian bằng cách nhận ra trải nghiệm của bản thân về sự đổ vỡ và nghèo khó. Làm như thế sẽ nâng đỡ chúng ta trên hành trình thiêng liêng và đưa ra những gợi ý nhằm hỗ trợ những giáo dân đang gặp khó khăn.
Những gợi ý này đặt trọng tâm nơi giáo huấn của Đức Giêsu về người nghèo, và được minh họa trong câu chuyện của ông Morley. Chúng đề xuất bốn kiểu nghèo khó để chúng ta suy gẫm trong bốn tuần Mùa Vọng. Đó là bàn về sự nghèo nàn thể lý, tâm lý, tinh thần và vật chất, để giúp nhìn lại bản thân và đem lại lợi ích cho giáo dân.
Tuần thứ nhất Mùa Vọng – Nghèo nàn thể lý
Khuôn mặt biến dạng của Morley minh họa cái nghèo thể lý mà mọi người phải đối diện. Nó bao gồm nhiều loại bệnh tật thể xác khác nhau trong suốt cuộc đời.
Mùa Vọng và Giáng sinh mời gọi chúng ta suy ngẫm về những giới hạn thể lý, biết tạ ơn về tình trạng sức khỏe hiện tại và cầu xin Chúa ban bình an dù tình trạng thể lý như thế nào. Ông Morley, kiểu mẫu cho những người đang gặp khó khăn, đã tìm thấy bình an này sau khi biết đón nhận những giới hạn bản thân.
Phát triển cách tiếp cận tích cực với sức khỏe thể lý của bản thân để chúng ta tự do hỗ trợ những người cần giúp đỡ. Khi thấy Đức Giêsu được phản chiếu nơi chúng ta, họ có thể nhận ra rằng chỉ có sự hiện diện của Thiên Chúa mới mang lại sự chữa lành cuối cùng.
Tuần thứ hai Mùa Vọng – Nghèo nàn tâm lý
Hãy hình dung phản ứng của Morley khi ông nhận ra khuôn mặt bị bỏng nặng của mình. Về cảm xúc, điều đó hẳn đã khiến ông suy sụp. Ông cần phải tìm cách giải quyết cái nghèo tâm lý này, như cách mỗi người trải qua sang chấn nghiêm trọng do bệnh tật, do các mối quan hệ đổ vỡ, ly hôn hoặc sự ra đi của người thân yêu. Sự nghèo nàn tâm lý này cũng có thể do những gián đoạn trong học tập, công việc hoặc các vấn đề cá nhân. Nghèo nàn tâm lý có thể gây ra nhiều xáo trộn hơn là sự đổ vỡ thể lý.
Các chủ chăn và linh mục thường đối mặt với những tình huống sang chấn. Chúng có thể xảy ra khi chúng ta phải chịu áp lực lớn hoặc kiệt quệ vì làm việc quá sức. Đó là cơ hội để tín thác vào Chúa, tìm kiếm tham vấn hoặc xin lời khuyên từ một người bạn tốt.
Suy ngẫm về sự đổ vỡ tâm lý giúp chúng ta nhạy cảm hơn trước những nhu cầu của giáo dân và giúp chúng ta trở nên những thừa tác viên tốt hơn. Trước khi tôi quen biết Morley, ông đã cảm thấy bình an với những đổ vỡ tâm lý và với cuộc sống hiện tại. Ước gì thái độ điềm tĩnh của ông là một tấm gương cho chúng ta!
Tuần thứ ba Mùa Vọng – Nghèo nàn tinh thần
Hãy hình dung điều gì lướt qua tâm trí Morley khi ông nằm trong bệnh viện, và nhận ra cuộc sống sẽ không còn như trước. Ông hẳn đã tự hỏi “Cuộc sống của tôi có ý nghĩa gì và tôi sẽ làm gì khi bình phục?” Những câu hỏi như vậy làm chúng ta xao động khi cuộc sống trở nên khó khăn hoặc khi phải đối mặt với những khoảng thời gian thử thách và băn khoăn về tương lai.
Nghèo nàn tinh thần xuất hiện từ sự thiếu vắng ý nghĩa. Hậu quả tồi tệ nhất do tội lỗi và hệ lụy của nó có thể dẫn đến đổ vỡ tinh thần. Bất kể nguyên nhân là gì, cảm giác vô nghĩa luôn đi kèm sự đổ vỡ tinh thần, và con tim chúng ta dường như trống rỗng.
Vào những lúc như vậy, chúng ta cần ơn Chúa cũng như sự hỗ trợ từ đồng nghiệp, bạn bè và gia đình. Hãy nhớ lại những lời của Đức Giêsu khi Ngài chịu đựng cái nghèo tinh thần của mình, lúc cận kề cái chết khi bị treo trên thập giá. Ngài kêu lên, “Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?” (Mt 27,46).
Vì Đức Giêsu phó thác nơi Chúa Cha, nên Ngài là nguồn sức mạnh vĩnh cửu khi chúng ta kêu cứu lúc gặp đau khổ. Chúng ta hãy canh tân lòng tín thác vào Thiên Chúa và lặp lại những lời của Đức Giêsu trong vườn Giếtsêmani: “Tuy vậy, xin đừng làm theo ý con, mà làm theo ý Cha” (Lc 22,42). Mùa Vọng là thời gian chờ đợi và củng cố lòng tin của chúng ta vào Thiên Chúa.
Khi nhớ đến cái nghèo tinh thần của mình, chúng ta hãy nhớ lại sự thiếu vắng ý nghĩa mà những người khác cảm thấy, đặc biệt là người trẻ. Nhiều người không nhìn thấy điều gì ngoài tương lai mơ hồ và vô định, cũng như không nhận ra thực tại nào bên kia thế giới vật chất. Trong sứ vụ mục tử, chúng ta có thể nhắc nhở họ tín thác vào Thiên Chúa, Đấng không bao giờ bỏ rơi họ.
Tuần thứ tư Mùa Vọng – Nghèo nàn tài chính
Khi Giáng sinh đến gần, câu chuyện Chúa giáng sinh nhắc nhở chúng ta rằng Đức Giêsu được sinh ra trong điều kiện thiếu thốn tiền bạc và vật chất. Biểu tượng máng cỏ nơi Ngài sinh ra gói gọn tất cả các hình thức nghèo nàn khác.
Tuần cuối cùng Mùa Vọng giúp các chủ chăn và linh mục xem xét thái độ bản thân đối với tiền bạc, tài chính và những của cải vật chất. Khi xét mình như vậy, hãy cầu xin Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta có cái nhìn đúng đắn đối với những gì thuộc về thế gian này.
Khi nghĩ về sự nghèo nàn tiền bạc, tôi nhớ đến Morley đã phải vật lộn như thế nào để tiếp tục sống hầu hết thời gian trong ngôi nhà nhỏ bên bờ sông. Như hang đá trong đêm Giáng sinh đầu tiên, ngôi nhà của Morley biểu trưng một thử thách khác khi đương đầu với cái nghèo của ông.
Morley sống như vậy nhờ tinh thần nghèo khó. Ông làm những gì có thể để tự sinh sống, dù nó thường giới hạn trong việc thu lượm những thứ bị chôn vùi và những công việc tầm thường. Sự bình an nội tại của ông là một mẫu gương cho người khác noi theo cho dù điều gì đã xảy đến với họ.
Mùa Vọng và Giáng sinh thôi thúc các chủ chăn và linh mục nhắc nhở cộng đoàn của mình rằng những khoảng thời gian khó khăn là lời mời gọi cảnh tỉnh để nhận thấy sự nghèo nàn của bản thân có sức cứu độ và để giúp đỡ những người gặp khó khăn.
Giáng sinh – Đón nhận nhiệm vụ
Giáng sinh là thời gian hy vọng. Nó nhắc nhở chúng ta rằng Đức Giêsu đã tan nát không chỉ trên thập giá mà còn trong suốt cuộc đời. Niềm vui giáng sinh và vinh quang phục sinh của Ngài là hai điểm tựa vĩnh cửu, cho chúng ta biết cuộc sống có giá trị, rằng người nghèo sẽ luôn ở giữa chúng ta, và niềm hy vọng đó luôn chiến thắng tuyệt vọng và u sầu.
Đương đầu với chủ nghĩa thế tục nghĩa là có cái nhìn đúng đắn về cái nghèo của chúng ta và của những người khác. Thử thách này mời gọi chúng ta trung thành với mệnh lệnh của Đức Giêsu là đến với người nghèo và nhận ra sự nghèo khó có thể giải thoát chúng ta.
Các linh mục có những cơ hội tuyệt vời để chia sẻ những suy tư như vậy trong các bài giảng và các thừa tác vụ khác. Xin Chúa Thánh Thần soi sáng chúng ta, khi chúng ta phục vụ trong Năm Mới này!
Ban học tập Sao Biển chuyển ngữ từ thepriest.com (11/2021)
Nguồn: giaophannhatrang.org (30.11.2021)
*Cha Robert J. Hater, Ph.D., thuộc Tổng giáo phận Cincinnati, là tác giả và là giáo sư nổi tiếng thế giới. Cha hiện là giáo sư danh dự tại Đại học Dayton và ở tại giáo xứ St. Clare ở Cincinnati.