Đồng Tính Luyến Ái: Việc Tuyển Chọn Ứng Sinh Chức Thánh Trong Các Chủng Viện

­ĐỒNG TÍNH LUYẾN ÁI:

VIỆC TUYỂN CHỌN ỨNG SINH CHỨC THÁNH TRONG CÁC CHỦNG VIỆN

Lm. Giuse Đỗ Mạnh Thịnh

Đại chủng viện thánh Giuse Xuân Lộc 9/2020

            Trong Giáo Hội, tuyển chọn ứng sinh vào chủng viện, dòng tu, hay ứng viên Chức Thánh là việc hệ trọng và không ít khó khăn. Thường việc đó được hiểu và cắt nghĩa như là việc của Chúa Thánh Thần. Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là xem nhẹ hoặc bỏ qua yếu tố con người–Giáo Hội, qua các tác nhân liên quan. Trong bối cảnh xã hội ngày nay, khi vấn đề đồng tính được quan tâm cách tích cực và tiêu cực, việc phân định và tuyển chọn ứng sinh cho chức linh mục lại càng phức tạp và tế nhị hơn.

            Phần trình bày dưới đây là một cố gắng đọc lại những giáo huấn của Giáo Hội về “các tiêu chuẩn” để nhận định ơn gọi của các ứng viên liên quan đến vấn đề đồng tính[1]. Ước mong rằng bài viết này là một đóng góp nhỏ bé vào công việc đào tạo các ứng sinh linh mục và các tu sỹ trong Giáo Hội, đồng thời nó cũng là lời giải đáp cho nhiều thắc mắc liên quan.

            Bài viết gồm ba phần: (1) Bối cảnh xã hội liên quan đến vấn đề đồng tính, (2) Định nghĩa một số từ ngữ, (3) Các tiêu chuẩn để lượng định và tuyển chọn.

1.      Bối cảnh xã hội

            Trong xã hội ngày nay, đồng tính luyến ái được coi là một trong những đề tài “nóng”, dễ thu hút sự quan tâm và tạo ra nhiều tranh luận. Tuy nhiên nó không phải là vấn mới trong lịch sử nhân loại, nó cũng đã từng là đề tài rất tế nhị, gây tranh cãi và chia rẽ,  dẫn đến nhiều phản ứng trái chiều trong cách ứng xử với người có khuynh hướng tính dục đồng tính (= người đồng tính).[2] Nếu như trong quá khứ nó từng được các nền văn chương cổ đại tô vẽ thêm vẻ phức tạp,[3] thì ngày nay nó trở thành một trong những vấn đề hiện thực có tính xã hội, luân lý phức tạp. Đồng tính luyến ái không còn chỉ giới hạn trong phạm vi riêng tư hay cá nhân, nhưng được bàn luận công khai, ngay cả trong Giáo Hội.

            Càng ngày càng có nhiều thể chế chính trị, xã hội cởi mở hơn với vấn đề đồng tính, thậm chí hợp pháp hóa “văn hóa” đồng tính như quan hệ đồng tính luyến ái, “hôn nhân” đồng tính, nhận con nuôi hoặc sinh con trong các cặp đồng tính…[4] Trái lại, có nhiều người còn mang thành kiến nặng nề, họ dễ dàng lên án người đồng tính như là tội đồ xấu xa, hay như một “sự nguyền rủa của Tạo Hóa”. Vì thành kiến này, nhiều người đồng tính thường phải chịu những sự phê phán khắt khe và bị phân biệt đối xử, phải đối diện với sự ruồng bỏ của xã hội và cả những người họ hàng thân thích. Cách đối xử kỳ thị này dẫn đến, một đàng nhiều người đồng tính rơi vào sự tự ti, sống khép kín, thậm chí có người đồng tính còn ruồng bỏ chính mình (hủy hoại thân thể, tự tử). Đàng khác, ám ảnh bởi sự kỳ thị của nhiều người, trong tâm thức của nhiều người đồng tính hình thành một làn sóng âm ỉ, có lúc công khai và mạnh mẽ, phản kháng tất cả những “rào cản” đạo đức, văn hóa và xã hội.

            Việc nhận định, tuyển chọn các ứng sinh trong các chủng viện liên quan đến vấn đề đồng tính là một trong những quan tâm hàng đầu của Giáo Hội[5]. Đó cũng là điều mà nhiều ứng sinh ơn gọi và thân nhân của họ muốn được biết. Hoặc có thể có những vị hữu trách cảm thấy khó khăn và thiếu “ánh sáng” trong các quyết định liên quan đến ơn Thiên Triệu hoặc tiến chức thánh của một ứng viên.

            Thêm vào đó, trong đời sống cộng đoàn, đôi khi xảy ra những tình huống nghi ngờ hoặc hiểu chưa đủ về khuynh hướng giới tính của mình cũng như giữa các thành viên với nhau, dẫn đến những dị nghị và bất an. Đàng khác, đối với chính những ứng viên có khuynh hướng đồng tính, và những người thân, họ thường khó chấp nhập nhận các quyết định “ngưng ơn gọi”, trong khi họ (các ứng sinh) vẫn còn ước muốn mạnh mẽ được dấn thân trong ơn Thiên Triệu. Thậm chí, nhân danh “nhân quyền”, nhiều người không ngại kết án Giáo Hội như một tổ chức tôn giáo mang thành kiến và kỳ thị người đồng tính.

            Để hiểu rõ hơn vấn đề đồng tính trong việc tuyển chọn các ứng viên chức thánh, chúng ta xem lại một vài khái niệm liên quan.

2.      Một vài khái niệm

a.       Tính cách

            Tính cách của con người là một tập hợp phức tạp giữa các yếu tố có tính ổn định và liên hệ với nhau, nó được liên kết, và hướng đến những chọn lựa và hành động thực tế. Tính cách hình thành một phần đời sống con người; chúng làm cho con người trở nên khác nhau; chúng quyết định đến cung cách cư xử và phản ứng của mỗi người trong những hoàn cảnh nhất định. Nói cách vắn gọn, tính cách hướng đến hành động, và được thể hiện qua hành động. Ví dụ người ta có thể có các tính cách như trung thực, dối trá, thận trọng, bất cẩn, khoan dung, ích kỷ, mạnh bạo hay nhẹ nhàng, mềm mỏng… Người có tính cách trung thực thường có nhiều khả năng trình bày chính xác các sự kiện trong một tình huống nhất định hơn là người có tính dối trá. Người có tính cách thận trọng và tỉnh táo sẽ có nhiều khả năng là người lái xe an toàn hơn người không nhìn thấy hoặc nhận ra những nguy hiểm tiềm ẩn xung quanh mình (bất cẩn). Một người có phẩm chất của lòng khoan dung sẽ dễ dàng chấp nhận người khác – ít kỳ thị. Người nam có tính cách nhẹ nhàng, uyển chuyển dễ thích nghi hơn với những công việc đòi hỏi sự tinh tế hoặc vốn được coi là dành cho phụ nữ, trái lại cũng có những người nữ có tính cách mạnh mẽ, bạo dạn… dễ dàng thực hiện những việc được coi là của đàn ông.

            Tính cách được hình thành và phát triển qua thói quen hơn là được hình thành tự nhiên[6]. Tính cách của một người thường biểu lộ qua dáng vẻ bề ngoài hoặc qua các hành vi, cách ứng xử và hoạt động hàng ngày. Tính cách không nhất thiết phản ánh xu hướng tính dục của một người. Nói một cách cụ thể, khuynh hướng tính dục đồng tính không nhất thiết tỏ lộ qua tính cách. Ví dụ: có những người đồng tính nam mang tính cách và biểu hiện bề ngoài rất nữ tính, trái lại cũng có những người đồng tính nam thân thể của họ vạm vỡ và tính cách rất mạnh mẽ đầy nam tính; hoặc có những người (nam) có tính tình nhẹ nhàng, thân thể mảnh mai nhưng không là người có xu hướng đồng tính. Như vậy, nếu chỉ dựa vào tính cách, hay dáng vẻ bên ngoài, người ta khó có thể để đi đến việc nhận biết khách quan về khuynh hướng đồng tính của một người.

            Tuy nhiên, trong việc đào tạo linh mục, tính cách là một phần của nhân bản, vốn được coi là một trong bốn trụ cột chính của quá trình đào tạo một con người “quân bình, mạnh mẽ và tự do,” để có thể đảm đương những trọng trách mục vụ trong tương lai.[7] Do đó, tính cách cũng là một trong những yếu tố quan trọng cho việc lượng định và tuyển chọn ơn gọi. Như vậy, cũng nên biết rằng: về mặt nhân bản, khuynh hướng đồng tính không phải là yếu tố duy nhất trong việc tuyển chọn ứng sinh trong các chủng viện.

b.      Khuynh hướng tính dục và khuynh hướng tính dục đồng tính

          Khi nói đến khuynh hướng tính dục cách chung, người ta thường mô tả nó như một sự cuốn hút lâu dài về mặt tình cảm, cảm xúc và tính dục hướng đến ngưới khác: người nam, người nữ, và có khi cả hai giới đó. Các nhà nghiên cứu, trong những thập kỷ vừa qua, thường mô tả khuynh hướng tính dục gồm ba loại chính:[8] dị tính –  người có sự hấp dẫn tính dục, tình cảm và cảm xúc hướng đến người khác giới, đồng tính – người có sự hấp dẫn tính dục, tình cảm và cảm xúc hướng đến người đồng giới tính, lưỡng tính – người có sự hấp dẫn tính dục, tình cảm và cảm xúc hướng đến cả hai giới: nam, nữ.  Tuy nhiên, các nhà chuyên môn cũng nói đến những người có khuynh hướng tính dục hướng đến một đồ vật nào đó ví dụ đồ lót, vớ dài (underwear fetishism), hoặc là một hành vi nào đó như nhìn trộm người khác thay đồ, hay thủ dâm[9].

            Theo các nhà chuyên môn, khuynh hướng đồng tính là một khuynh hướng tính dục, một trạng thái hay sự thích nghi kéo dài, trong đó trí tưởng tượng, cảm xúc, tình cảm, sự lôi cuốn và kích thích tình dục chủ yếu hướng về những người cùng giới tính.[10] Theo giáo huấn của Giáo Hội Công Giáo, đồng tính luyến ái là khuynh hướng tính dục, qua đó người nam hay người nữ, cảm thấy bị lôi cuốn tính dục, một cách độc chiếm hay mạnh hơn hẳn, hướng đến người cùng giới tính (GLHTCG, 2357).

            Dựa vào các khái niệm trên, bài nghiên cứu này ngụ ý: người có xu hướng đồng tính phải là người đã “trưởng thành” về giới tính và tình cảm, và khuynh hướng đồng tính phải là trạng thái mạnh mẽ, lâu dài. Như vậy, thật là thiếu thận trọng và vội vã khi quy kết một ai đó có khuynh hướng đồng tính luyến ái khi họ chưa trưởng thành tâm, sinh lý, hoặc chỉ dựa vào những hành vi, cử chỉ nhất thời của người đó trong một giai đoạn, hoàn cảnh nhất định của thời thiếu nhi hoặc tuổi dậy thì. Cũng nên biết thêm rằng “cảm xúc” đồng tính đôi khi chỉ xảy ra trong một giai đoạn (ngắn) phát triển của con người, hoặc chỉ là cảm xúc nhất thời trong một hoàn cảnh nào đó.[11]

            Giáo Huấn của Hội Thánh Công Giáo không lên án khuynh hướng đồng tính hoặc người đồng tính như là một điều “tội lỗi”.  Tuy nhiên, theo Persona Humana, người ta không nên coi khuynh hướng đồng tính như một điều vô thưởng vô phạt, hay là điều tốt. Trái lại, khuynh hướng đồng tính tuy không là tội, nhưng là một sự lệch lạc tự bản chất. Nó có nguy cơ dẫn người ta đến những hành vi tính dục trái mục đích không thể chấp nhận được.[12] Tắt một lời, khuynh hướng tính dục đồng tính là “một sự rối loạn khách quan.”[13]

c.       Người có khuynh hướng đồng tính

            Người đồng tính là ai? Cho đến nay, chẳng có một sự đồng thuận phổ quát nào cho khái niệm đó. Mỗi người là một cá thể độc đáo và duy nhất, được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa (St 1,27). Hơn nữa, con người không thể được định nghĩa hoặc là đồng hóa với một khuynh hướng tính dục, hoặc một khuynh hướng nào khác.[14] Khi nói về “người đồng tính”, chúng ta không nên mặc định như thể họ là một “người khác” thuộc giới tính thứ ba, nhưng là nói về người nam hay nữ có khuynh hướng tính dục đồng tính.

            Theo ý hướng này, người có khuynh hướng đồng tính là người bị chi phối bởi sức hấp dẫn tâm sinh lý tính dục hướng đến người cùng giới. Sức hấp dẫn này có tính cách mạnh mẽ, lâu dài và độc chiếm.[15]

            Giáo Hội không đưa ra một định nghĩa về người đồng tính, cũng như nguyên nhân của xu hướng đồng tính, nhưng Giáo Hội nói đến hoàn cảnh khó khăn của những người này. Họ là những người vô tội trong hoàn cảnh xu hướng tính dục đồng tính của họ; họ thường không tự chọn khuynh hướng đồng tính cho mình. Hội Thánh rất cảm thông với họ và hiểu rằng họ thường xuyên phải chịu đựng những khó khăn thử thách, những sự kỳ thị và xa lánh từ xã hội và môi trường văn hóa.[16]  Vì thế, mọi người “phải đón nhận họ với lòng tôn trọng, thông cảm và tế nhị, phải tránh tất cả những dấu hiệu của sự kỳ thị bất công đối với họ.” Trong lãnh vực thiêng liêng, những người có khuynh hướng đồng tính phải nhận được sự quan tâm mục vụ của Hội Thánh, để họ có thể sống đời Kitô hữu một cách hạnh phúc và thánh thiện.[17]

d.      Hành vi đồng tính

            “Hành vi đồng tính”, “quan hệ đồng tính” hay “thực hành đồng tính”, là một hành động được thực hiện giữa những người cùng giới tính nhằm thỏa mãn tính dục. Giáo huấn của Giáo Hội Công Giáo có sự phân biệt rõ ràng giữa khuynh hướng đồng tính và hành vi đồng tính. Khuynh hướng đồng tính không phải là một điều xấu luân lý, trong khi Kinh Thánh – Cựu Ước và Tân Ước, luôn luôn trình bày hành vi đồng tính như là một “tội trầm trọng” chống lại Thiên Chúa. Do đó, truyền thống luân lý của Giáo Hội luôn xem hành vi đồng tính như là một “sự xấu tự bản chất”, một điều lỗi luân lý trầm trọng, không thể được biện minh bởi bất kỳ lý do và hoàn cảnh nào (x. GLHTCG, số 2357). Thiết tưởng cũng nên nhắc, không chỉ hành vi tính dục đồng tính, nhưng thực hành mọi hành vi tính dục ngoài hôn nhân đều trái với đức khiết tịnh, nhất là trong cam kết đời sống độc thân khiết tịnh của linh mục.

            Tại sao huấn quyền của Giáo Hội Công Giáo lại mạnh mẽ chống lại hành vi đồng tính như vậy? Cha Domenico Capone C.Ss.R. giải thích với hai lý do: (1) vì Giáo Hội muốn bảo vệ tính dục con người trong sự hài hòa với chương trình sáng tạo của Thiên Chúa – tính dục là một giá trị cao quý của con người, nó không thể bị giảm trừ như là một thứ hàng hóa phục vụ con người[18]; (2) Giáo Hội muốn bảo vệ và thăng tiến phẩm giá của người đồng tính – Giáo Hội, mầu nhiệm tình yêu của Chúa Kitô, muốn gặp gỡ và mời gọi người đồng tính hướng đến sự tự do đích thực, nhờ đó họ hoàn thành cùng đích cuộc đời theo ý định tốt lành của Thiên Chúa. Đó là lý do, đối với Giáo Hội, “hành vi đồng tính thiếu vắng mục đích thiết yếu và cần thiết. Trong Kinh Thánh, hành vi đồng tính luôn bị kết án như là sự xấu trầm trọng, thậm chí còn bị coi như một kết cục đáng buồn của việc con người từ chối Thiên Chúa.”[19]

3.      Các tiêu chuẩn để nhận định ơn gọi và tuyển chọn những ứng viên chức thánh[20]

            Ngày 31 tháng 8 năm 2005, Thánh Bộ Giáo Dục Kitô Giáo (TBGDKG) công bố bản hướng dẫn về việc thẩm định ơn gọi các ứng sinh chủng viện hay ứng viên Chức Thánh liên quan đến những người có khuynh hướng đồng tính. Theo đó, việc nhận định và tuyển chọn ứng sinh có thể được thực hiện:

a.       Việc tuyển chọn “tích cực”

            Dựa vào truyền thống Giáo Hội, TBGDKG dạy rằng: “một người nam độc thân (đàn ông) đã lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội có khả năng được trao ban Chức Thánh”. Như vậy, giới tính của ứng sinh là điều kiện quan trọng của việc tuyển chọn (phạm vi bài viết này không đề cập đến vấn đề “độc thân linh mục” và “Bí Tích Rửa Tội”). Chúng ta cần hiểu thế nào về điều kiện “chọn người nam” cho Chức Thánh?

            Giáo Hội xác tín và mong muốn rằng khi truyền Chức Linh Mục cho một người (đàn ông), người đó sẽ trở nên hình ảnh sống động của Chúa Kitô, “là đầu, là mục tử và là phu quân (người chồng) của Giáo Hội”.[21] Do đó, người linh mục bị đòi buộc sống “tình yêu phu quân” của Đức Kitô đối với Giáo Hội–Hiền Thê. Nghĩa là cuộc sống linh mục phải tỏa chiếu được “tính cách người chồng”, người “cha”; qua tính cách đó, người linh mục có thể trở thành chứng nhân cho “tình yêu phu quân” của Đức Kitô,[22] hoàn thiện nơi bản thân ý nghĩa đích thực của tinh thần làm “cha” đối với cộng đoàn giáo hội được trao phó.[23] Đó là một trong những lý do Giáo Hội nhìn nhận việc trưởng thành, quân bình về tính cách là một trong các điều kiện quan trọng và cần thiết đối với việc tuyển chọn ứng sinh chủng viện và Chức Thánh.

            Liên quan đến dồng tính, điều kiện “chọn một người nam” làm chúng ta nghĩ đến hai khả năng có thể xảy ra: có thể xảy ra việc truyền chức linh mục một người nam, “được coi là xứng đáng”, nhưng đó là người có khuynh hướng đồng tính[24]; hoặc một ứng sinh có thể bị từ chối vì bị coi là có liên quan đến khuynh hướng tính dục đồng tính, mặc dù anh ta không phải là người có khuynh hướng đồng tính. Nhiều người sẽ chất vấn rằng liệu việc tuyển chọn ứng sinh linh mục như vậy có thể là “sai lầm”? Chúng ta sẽ không bàn luận chi tiết những tranh luận này, nhưng thiết nghĩ cần lập lại rằng, việc tuyển chọn ứng viên chức thánh trong Giáo Hội là việc của Thánh Thần.

b.      Việc tuyển chọn “tiêu cực”

            TBGDKG dạy rằng: Giáo Hội không thể tiếp nhận vào chủng viện hoặc ứng viên Chức Thánh những người thực hành các hành vi đồng tính, những người có khuynh hướng đồng tính thâm căn, và những người ủng hộ một thứ “văn hóa đồng tính”.

Người có hành vi đồng tính

            TBGDKG hướng dẫn một cách rõ ràng và dứt khoát: “không thể nhận vào chủng viện hoặc ứng viên Chức thánh những người thực hành hành vi đồng tính”.

            Khi dùng cụm từ những người “thực hành” hành vi đồng tính, Giáo Hội nhấn mạnh đến chính hành vi đồng tính của một người, hơn là khuynh hướng tính dục của người đó. Nghĩa là, đối với những người hướng đến chức linh mục, bất kể khuynh hướng tính dục – đồng tính hoặc dị tính – việc thực hiện hành vi tính dục đồng tính một cách tự do và ý thức là không xứng đáng, và không thể chấp nhận.

            Như vậy, những “người thực hiện hành vi đồng tính” có thể là người có khuynh hướng đồng tính, nhưng cũng có thể là người không có khuynh hướng đồng tính nhưng thực hiện hành vi đó trong một thời gian hoặc hoàn cảnh nhất định, hoặc vì một lợi ích cá nhân nào đó.[25]

Người có khuynh hướng đồng tính thâm căn (deep-seated homosexual tendency)

            Theo TBGDKG, không tiếp nhận vào chủng viện hoặc ứng viên Chức Thánh những người có khuynh hướng đồng tính thâm căn.

            Giáo Huấn của Giáo Hội không định nghĩa thế nào là khuynh hướng đồng tính thâm căn, nhưng qua những trình bày trong các giáo huấn liên quan[26], khuynh hướng đồng tính thâm căn được nhắc đến như là một sự rối loạn khách quan (về khuynh hướng tính dục) của một người, một khuynh hướng mạnh mẽ nhắm đến một sự xấu luân lý trầm trọng, gây cho người đó nhiều “thử thách”.

            Ở đây, Giáo Hội không nhấn mạnh đến hành vi đồng tính, nhưng là con người (người có khuynh hướng đồng tính thâm căn). Như vậy, một người chưa bao giờ, hoặc giả như không bao giờ thực hiện hành vi đồng tính, vẫn có thể “không được tiếp nhận” nếu người đó được cho là có khuynh hướng đồng tính thâm căn.

            Điều kiện này có thể dẫn đến những quyết định làm cho nhiều người không mấy hài lòng và thắc mắc: nếu ứng viên đó vẫn khát khao trong ơn gọi linh mục tại sao lại không thể? Hoặc ai mà chăng phải chiến đấu với cám dỗ của dục vọng xác thịt – cả người đồng tính và người dị tính? Giáo Hội rất trân trọng mỗi ứng sinh, nhưng Giáo Hội không tiếp nhận người có khuynh hướng đồng tính thâm căn vào chủng viện hoặc ứng viên Chức Thánh vì thấy nơi người đó khiếm khuyết những tính cách, sự trưởng thành tình cảm, tính dục cần thiết cho sứ vụ tương lai. Ratio 2016 nhắc lại:

            Sẽ là gian dối trầm trọng nếu ứng sinh che dấu tình trạng đồng tính của mình để, bất chấp tất cả, tiến đến Chức thánh. Thái độ gian dối như thế không thích hợp với tinh thần yêu mến sự thật, sự trung thực, và sự đáp trả tự do là những đức tinh làm nên nhân cách của người có ước muốn được gọ để phục vụ Chúa Kitô và Hội Thánh Người trong thừa tác vụ linh mục.

Người ủng hộ “văn hóa đồng tính”

            Ngày nay người ta nói nhiều đến “lối sống đồng tính” hay “văn hóa gay”. Đó là một trào lưu trong xã hội hiện tại do những người đồng tính và cả những người không đồng tính chủ trương. Một mặt họ chủ trương (trong lý luận hoặc thực hành) bình thường hóa việc sống chung hoặc “hôn nhân” giữa những người đồng tính, quan hệ tính dục đồng tính… Mặt khác, họ đòi pháp luật và các thể chế có tính pháp lý và tôn giáo phải công nhận những điều đó như một thứ “quyền của người đồng tính”: quyền được sống chung, “kết hôn” giữa người đồng tính, được có con hay nhận con nuôi, và được đối xử bình đẳng như hôn nhân bình thường giữa người nam và người nữ; họ chống lại các chuẩn mực đạo đức, văn hóa, chính trị liên quan đến vấn đề đồng tính, mà họ cho là kỳ thị người đồng tính.

            Khi nói đến những người ủng hộ “văn hóa đồng tính”, Giáo Hội nhấn mạnh đến “ý thức hệ về văn hóa đồng tính” hơn là căn tính hay hành vi con người. Nghĩa là, ai ủng hộ cho điều được gọi là “văn hóa đồng tính” – trong lý luận hoặc trong thực hành – thì không phù hợp cho sứ vụ linh mục, dù là người có khuynh hướng đồng tính hay không, dù đã thực hiện hành vi đồng tính hay không.

 Kết luận

            Trước bối cảnh xã hội ngày nay – nhiều trường hợp lạm dụng tính dục nơi hàng giáo sĩ trở thành đề tài lớn trên truyền thông, vấn đề hợp pháp hôn nhân đồng tính nở rộ tại nhiều quốc gia – công việc tuyển chọn ứng sinh linh mục vốn đã phức tạp lại càng phức tạp và tế nhị hơn. Đôi khi việc “từ chối” ơn gọi linh mục một ứng sinh, được coi là có liên quan đến các vấn đề đồng tính, không nhất thiết phải được công khai cho mọi người liên hệ đến ứng sinh đó, thậm chí cả ứng sinh. Chính vì vậy, trong vài trường hợp, những quyết định ngưng một ơn gọi linh mục trong một chủng viện có thể gây ra những ngộ nhận, hiểu lầm, thậm chí bất mãn trong một vài trường hợp. Giáo Hội luôn trân trọng và biết ơn những người trẻ sẵn sàng đáp lại lời mời gọi của Chúa Giêsu – Theo Chúa để rao giảng Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo (Mt 4,19; Mc 16,15). Tuy nhiên, việc tuyển chọn những ứng viên “được coi là xứng đáng” là trách nhiệm quan trọng của Giáo Hội.

            Vì việc tuyển chọn một ơn gọi linh mục trước hết và trên hết là trách nhiệm của giám mục, và nhà đào tạo, đối với Thiên Chúa và Giáo Hội, nên các ngài có trách nhiệm phải tuân theo những hướng dẫn của Giáo Hội về những tiêu chuẩn tuyển chọn ứng sinh linh mục vì “lợi ích của chính ứng viên, và để đảm bảo rằng Giáo Hội luôn có những linh mục phù hợp, những mục tử chân chính theo ý muốn nhân lành của Chúa Kitô.” Thiết tưởng cũng nên nhắc lại, ơn gọi linh mục gồm hai yếu tố: hồng ân-tuyển chọn và sự tự do ưng thuận của ứng sinh. Như thế, việc tuyển chọn, một đàng, không thể thiếu sự tự do dấn thân và ưng thuận của ứng sinh. Đàng khác, “chỉ có ước muốn trở thành linh mục thôi chưa đủ và cũng chẳng ai có quyền được lãnh Chức thánh. Phân định tư cách xứng hợp của người ao ước vào chủng viện, đồng hành với họ trong suốt thời gian đào tạo và gọi họ vào Chức thánh, đều thuộc quyền của Giáo Hội, nếu Giáo Hội xét thấy họ đủ những phẩm chất phải có.” [27]

——————

[1] Congregation for Catholic Education (CCE), Instruction Concerning the Criteria for the Discernment of Vocations with regard to Persons with Homosexual tendencies in view of their Admission to the Seminary and to Holy Orders (November 4th, 2005).
[2] Mark A. Yarhouse, Psy.D., Homosexuality and the Christian, Bethany House Publishers, Minnesota 2010, 11.
[3] Cf. Louis Crompton, Homosexuality and Civilization, Harvard University Press, United States of America 2006.
[4] Roy E. Gane et al., (Eds.), Homosexuality, marriage, and The Church: Biblical, Counseling, and Religious Liberty Issues, Andrews University Press, Michigan 2012, viii.
[5] Bộ Giáo Sĩ, Đào Tạo Linh Mục: Hồng Ân Ơn Gọi Linh Mục (Ratio 2016), Nhà Xuất Bản Tôn Giáo, Hà Nội 2017, 155-156 (n. 199-201).
[6] Cf. Encyclopedia of Ethics, Routleddge, New York and London, 2001, vol. I, mục từ “Character,” 200-203.
[7] Cf. John Paul II, Pastores Dabo Vobis, n. 43-59.
[8] Tuy nhiên, người ta cũng tranh luận về một số khuynh hướng tính dục khác, ví dụ:

(1)         không tính dục (asexuality), xem Todd Melby, (November 2005), “Asexuality gets more attention, but is it a sexual orientation?”, Contemporary Sexuality, 39 (11): 1, 4–5;

(2)         Ấu dâm (pedophilia), xem “Paedophilia a ‘sexual orientation – like being straight or gay’”, http://www.independent.co.uk/news/paedophilia-sexual-orientation-straight-gay-criminal-psychologist-child-sex-abuse-a6965956.html (18/6/2017);

(3)         Thú dâm (bestiality), xem “Is Bestiality A Sexual Orientation?”, http://jezebel.com/5501877/is-bestiality-a-sexual-orientation (18/6/2017).
[9] Leore T. Szuchman – Frank Muskarella (eds.), Psychological Perspectives on Human Sexuality, John Wiley & Sons Inc., New York 2000, 196-199.
[10] Cf. New Catholic Encyclopedia, ThomSon-Gale, U.S.A 2003, 2nd ed., vol. 7, mục từ “Homosexuality,” 66-73.
[11] Theo nhiều nghiên cứu, nhiều trẻ vị thành niên được xem là có khuynh hướng hay hành vi đồng tính, nhưng khi trưởng thành thì không còn những biểu hiện và hành vi đó nữa. Như vậy, một trẻ vị thành niên có hành vi đồng tính không đương nhiên trở thành người có khuynh hướng đồng tính luyến ái. Tham khảo “Adolescent Sexual Orientation”.  https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC2603519/ (19/6/2017).
[12] PH, n. 8.
[13] GLHTCG, số 2358.
[14] Cf. CDF, Letter to the Bishops, n. 16.
[15] Encyclopedia of Bioethics, New York: The Free Press, vol. 2, 1978, 671.
[16] Cf. CDF, Letter to the Bishops, n. 10.
[17] Cf. PH, n. 8.
[18] D. Capone, «Reflections on the points concerning homosexuality», in United States Catholic Conference (ed.), I. Declaration on Certain Questions Concerning Sexual Ethics, Sacred Congregation for the Doctrine of the Faith, II. Commentaries, Publications Office of USCC, Washington 1977, 97-106.
[19] PH, n. 8.
[20] Cf. CCE, Instruction Concerning the Criteria for the Discernment of Vocations, n. 2.
[21] Vatican II, Decree on the ministry and life of priests Presbyterorum Ordinis (7 December 1965), n. 2.
[22] John Paull II, Pastores Dabo Vobis, n. 22
[23] Cf. Congregation for the Clergy, Directory on the Ministry and Life of Priests (31 March 1994), n. 58.
[24] Vấn đề này, vào ngày 22/7/2013, trong chuyến bay trở về Rome từ Brasil, một nhà báo hỏi Đức Thánh Cha Phanxicô về trường hợp các giáo sỹ có khuynh hướng đồng tính, ngài đã đưa ra câu trả lời đầy nhân ái và hy vọng: “nếu có một người đồng tính, người đó tìm kiếm Thiên Chúa và có ý ngay lành, tôi là ai mà có thể xét đoán?”.
[25] Ví dụ, có những người đàn ông, không có khuynh hướng đồng tính, nhưng thực hiện hành vi đồng tính với những người đàn ông khác. Họ lập gia đình, vì họ coi đó là bổn phân bó buộc và không liên quan đến sở thích tính dục… Thuật ngữ “đàn ông quan hệ tình dục với đàn ông” (MSM) nhấn mạnh đến hành vi hơn là chính căn tính con người. Xem S. Leore T. – M. Frank (eds.), Psychological Perspectives on Human Sexuality, John Wiley & Sons Inc., New York 2000, 385-386.
[26] Cf. CCC. 2357-2358; Persona Humana (29 December 1975); Homosexualitatis Problema to the Bishops of the Catholic Church on the pastoral care of homosexual persons (1 October 1986); Some Considerations Concerning the Response to Legislative Proposals on Non-discrimination of Homosexual Persons (23 July 1992); Considerations Regarding Proposals to Give Legal Recognition to Unions Between Homosexual Persons (3 June 2003).
[27] CCE, Instruction Concerning the Criteria for the Discernment of Vocations…, (Phần kết luận của Bản Hướng Dẫn).

Comments are closed.