Khi ngắm nhìn “thành phố buồn” với những cơn gió chiều nhẹ thoảng qua cùng với khung cảnh thật yên bình, tâm hồn như được tách biệt khỏi thế giới phức tạp và ồn ào của cuộc sống mưu sinh. Nơi đây, lòng con người như an bình hẳn lại khi nghĩ đến những người đã giã từ khỏi cuộc đời mà trong đó có thể có sự “định cư” của người thân yêu của chúng ta. Họ là những người đã ra đi trước chúng ta, nhưng không có nghĩa là rời bỏ chúng ta mãi mãi. Thật ra, sự chết chỉ làm cho con người xa nhau về mặt thể lý, nhưng lại rất gần nhau. Trong niềm tin vào mầu nhiệm các thánh thông công, các linh hồn không những không xa cách mà thậm chí còn rất gần gũi và đồng hành với chúng ta trên mọi nẻo đường đời. Các linh hồn có phải thật là đáng sợ không? Thật ra, họ chỉ khác chúng ta trong cách thức hiện hữu: chúng ta sống trong thế giới hữu hình, còn các ngài sống trong thế giới vô hình. Bởi thế, các linh hồn chắc sẽ vui khi chúng ta không còn “sợ”, nhưng thay vào đó là yêu mến các ngài.
Trong tình hiệp thông như đã nói ở trên, các linh hồn cần đến chúng ta. Các ngài không còn có thể lập công phúc cho chính mình mà chỉ còn biết trông cậy vào những người đang sống. Vì thế, những hy sinh và lời cầu nguyện của chúng ta dâng lên Chúa cho các linh hồn sẽ là những món quà vô giá; để nhờ sự thông công ơn phúc ấy, các ngài sẽ được Thiên Chúa sớm đưa về Nước Trời vinh quang. Hơn nữa, việc cầu nguyện cho các linh hồn thật sự là một bổn phận đối với các tín hữu. Lý do là trong luyện ngục có thể có những người thân thuộc trong dòng họ hay những người thân hữu của chúng ta. Khi họ qua đời, không ai có thể biết chắc rằng họ đang ở tình trạng nào. Vì thế, lời cầu nguyện cho các linh hồn chính là một bổn phận trong đức hiếu thảo dành cho những người thân đã ra đi của chúng ta, là sự biểu lộ của lòng tri ân hiếu kính, là một nghĩa cử bác ái sâu xa cho các linh hồn – những anh chị em của chúng ta trong đại gia đình đức tin – và cũng là một sự diễn tả sự hiệp thông trong Giáo Hội duy nhất của Chúa Kitô. Đồng thời, nó nối kết khoảng cách giữa người sống và người đã qua đời bằng cách mở ra một tương giao thân thiết. Hiểu như thế, chúng ta sẽ cảm thấy các linh hồn thật sự rất gần gũi và thân thương.
Mỗi năm Giáo Hội dành hẳn một tháng để cầu nguyện đặc biệt cho các đẳng linh hồn. Đây là dịp để nhắc nhở từng người tín hữu hãy nhớ đến những người đã đi trước chúng ta. Ai đó đã ghi khắc một câu tâm niệm rất ý nghĩa trên một bia mộ: “Chính sự quên lãng của những người đang sống đã giết chết những người đã chết”[1]. Quả thật, những người đã ra đi sẽ còn sống mãi bao lâu chúng ta còn nhớ về họ, nhưng họ sẽ chết thật sự nếu như chúng ta quên lãng họ. Người sống có thể quên những người đã qua đời, nhưng chắc chắn các ngài không bao giờ quên chúng ta. Đặc biệt, lời cầu nguyện và hy sinh của chúng ta giúp các ngài chóng vào thiên đàng là một nghĩa cử cao đẹp mà chắc chắn các ngài sẽ không quên chúng ta khi các ngài vào hưởng hạnh phúc. Như thế, khi cầu nguyện và hy sinh cho các linh hồn, chúng ta sẽ có bên mình những người bạn trung tín và sau đó sẽ là những vị thánh luôn ở bên để chuyển cầu cho chúng ta. Bên cạnh đó, việc cầu nguyện cho các đẳng linh hồn cũng chính là dịp để nhắc nhở mỗi chúng ta về cái chết của chính mình. Chúng ta sẽ chết. Đó là điều chắc chắn. Vậy tôi phải có sự chuẩn bị cho ngày ra đi của chính mình, để khi ngày ấy bất chợt xảy đến, tôi vẫn sẵn sàng và bình an. Thêm vào đó, khi ý thức về sự chết của mình, mỗi người trong chúng ta sẽ sống cuộc đời này cách ý nghĩa và tròn đầy hơn. Quả thế, khi người ta biết điều gì là cần và thiết yếu, người ta sẽ cố gắng để đạt được. Nào có ai mang gì ra khỏi cuộc đời vào ngày ra đi của mình. Tất cả hành trang chỉ có thể là công phúc hay tội lỗi mà thôi.
Mong sao tháng 11 này sẽ khơi lên trong nhiều tâm hồn quyết tâm dâng thêm nhiều hy sinh và lời cầu nguyện cho các đẳng linh hồn để các ngài chóng được hưởng hạnh phúc Nước Trời.
Phêrô Trần Lê Thành Nhân – Lớp Thần I (Khóa VII)
[1] Nguyên nghĩa tiếng Pháp của câu này là: “C’est l’oubli des vivants qui faire mouris les morts”.