Thứ Tư tuần VII Phục Sinh – Ngày 24/5/2023

[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Ga 17,11b-19″]

Khi ấy, Đức Giêsu ngước mắt lên trời và cầu nguyện rằng: “Lạy Cha chí thánh, xin gìn giữ các môn đệ trong danh Cha mà Cha đã ban cho con, để họ nên một như chúng ta. Khi còn ở với họ, con đã gìn giữ họ trong danh Cha mà Cha đã ban cho con. Con đã canh giữ, và không một ai trong họ phải hư mất, trừ đứa con hư hỏng, để ứng nghiệm lời Kinh Thánh. Bây giờ, con đến cùng Cha, và con nói những điều này lúc còn ở thế gian, để họ được hưởng trọn vẹn niềm vui của con. Con đã truyền lại cho họ lời của Cha, và thế gian đã ghét họ, vì họ không thuộc về thế gian, cũng như con đây không thuộc về thế gian. Con không xin Cha cất họ khỏi thế gian, nhưng xin Cha gìn giữ họ khỏi ác thần. Họ không thuộc về thế gian cũng như con đây không thuộc về thế gian. Xin Cha lấy sự thật mà thánh hiến họ. Lời Cha là sự thật. Như Cha đã sai con đến thế gian, thì con cũng sai họ đến thế gian. Vì họ, con xin thánh hiến chính mình con, để nhờ sự thật, họ cũng được thánh hiến”.

 

[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]

ƠN GỌI NÊN THÁNH

“Vì họ con xin thánh hiến chính mình con, để nhờ sự thật, họ cũng được thánh hiến” (Ga 17,19).

Trong Cựu Ước, từ thánh hiến nghĩa là được Thiên Chúa dành riêng ra và trao cho một sứ vụ. Thiên Chúa đã chọn dân Israel làm Dân riêng và Ngài thiết lập với dân này một Giao Ước. Đến thời Tân Ước, từ thánh hiến được liên hệ nhiều tới việc phượng tự. Theo đó, vị tư tế sẽ tự thánh hiến chính mình và thánh hiến của lễ để dâng lên Thiên Chúa. Nơi Chúa Giêsu, chúng ta thấy ý nghĩa của từ thánh hiến được hội tụ và mang nghĩa trọn đầy. Chúa Giêsu là Con Một của Thiên Chúa. Ngài đã đến thế gian và thi hành trọn sứ vụ mà Chúa Cha đã trao phó. Hơn hết, bản thân Ngài vừa là vị Thượng Tế tối cao vừa là của lễ tinh tuyền. Chính vì thế, trên thập tự, với tư cách là Vị Thượng Tế tối cao, Ngài đã tự hiến chính bản thân mình làm của lễ dâng lên Thiên Chúa Cha hầu cứu chuộc nhân loại: “Vì họ con xin thánh hiến chính mình con, để nhờ sự thật, họ cũng được thánh hiến” (Ga 17,19).

Ngày nay, khi nghe đến từ thánh hiến chúng ta thường nghĩ nó chỉ dành riêng cho những người sống đời tu trì, nhưng không phải thế! Nhờ Bí tích Rửa Tội, tất cả chúng ta đã được thánh hiến dành riêng cho Thiên Chúa và được Ngài trao ban cho một sứ vụ. Trong Giáo Hội còn có những người được thánh hiến cách sâu xa hơn qua việc tuyên khấn trong bậc thánh hiến. Bên cạnh đó, còn có những người lãnh nhận Bí tích Truyền Chức Thánh được thánh hiến để nhân danh Đức Kitô chăm sóc đoàn chiên của Chúa là Hội Thánh. Đối với mỗi Kitô hữu nói chung, sự thánh hiến là một ân ban nhưng không của Thiên Chúa và là một lời mời gọi nên thánh mỗi ngày, vì Chúa đã chọn mỗi chúng ta “để nên thánh và vô tỳ tích trước nhan Ngài trong tình yêu” (Ep 1,4).

Sống thánh hiến là một nỗ lực nên thánh không ngừng. Theo gương của Đức Giêsu, tuỳ vào bậc sống khác nhau mà chúng ta có thể sống thánh qua việc sống yêu thương và ý thức làm chứng cho Chúa trong mọi việc ta làm ở bất cứ nơi đâu. Trong Tông huấn “Gaudete et Exsultate – Hãy Vui Mừng và Hoan Hỷ”, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gợi ý sống thánh trong từng hoàn cảnh cụ thể như sau:

“Bạn được gọi vào đời sống thánh hiến ư? Hãy nên thánh bằng cách sống cam kết của mình với niềm hân hoan. Bạn là người lập gia đình ư? Hãy nên thánh bằng cách yêu thương và chăm sóc cho vợ cho chồng, như Đức Kitô đã yêu thương và chăm sóc Hội Thánh. Bạn đang phải làm việc để mưu sinh ư? Hãy nên thánh bằng cách lao động với sự chính trực và khả năng để phục vụ anh chị em mình. Bạn là cha mẹ, ông bà ư? Hãy nên thánh bằng cách kiên trì dạy dỗ con cháu để chúng biết đi theo Đức Kitô. Bạn là người có quyền ư? Hãy nên thánh bằng cách làm việc cho công ích và từ bỏ các lợi lộc bản thân” (số 14).

Trong lời nguyện hiến tế, Chúa Giêsu đã không xin Chúa Cha cất các môn đệ khỏi thế gian, nhưng Ngài xin Chúa Cha ban ơn và gìn giữ họ trước mọi cám dỗ. Lạy Chúa! Chúng con xin Chúa giúp chúng con can đảm sống thánh từng ngày. Và xin cho những ai đang thất vọng hay chán nản trong cuộc sống biết tìm đến Chúa là Đấng Ủi An để vực dậy niềm tin và hy vọng. Amen

[/loichua]

Comments are closed.