Thứ Tư Sau Chúa Nhật II Mùa Chay – Ngày 16/3/2022

[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Mt 20,17-28″]

(17) Lúc sắp lên Giêrusalem, Ðức Giêsu đưa Nhóm Mười Hai đi riêng với mình, và dọc đường, Người nói với các ông: (18) “Này chúng ta lên Giêrusalem, và Con Người sẽ bị nộp cho các thượng tế và kinh sư. Họ sẽ kết án tử hình Người, (19) sẽ nộp Người cho dân ngoại nhạo báng, đánh đòn và đóng đinh vào Thập giá, và ngày thứ ba, Người sẽ chỗi dậy”.

(20) Bấy giờ bà mẹ của các con ông Dêbêđê đến gặp Ðức Giêsu, có các con bà đi theo; bà bái lạy và kêu xin Người một điều. (21) Người hỏi bà: “Bà muốn gì?” Bà thưa: “Xin Thầy truyền cho hai con tôi đây, một người ngồi bên hữu, một người bên tả Thầy trong Nước Thầy”. (22) Ðức Giêsu bảo: “Các người không biết các người xin gì! Các người có uống nổi chén Thầy sắp uống không?” Họ đáp: “Thưa uống nổi”. (23) Ðức Giêsu bảo: “Chén của Thầy, các người sẽ uống; còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì Thầy không có quyền cho; Cha Thầy đã chuẩn bị cho ai, thì kẻ ấy mới được”.

(24) Nghe vậy, mười môn đệ kia tức tối với hai anh em đó. (25) Nhưng Ðức Giêsu gọi các ông lại và nói: “Anh em biết: thủ lãnh các dân thì lấy quyền mà thống trị dân, những người làm lớn thì dùng uy mà cai quản dân. (26) Giữa anh em thì không được như vậy: Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em. (27) Và ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em. (28) Cũng như Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người”.

 

[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]

SỐNG TINH THẦN PHỤC VỤ

“Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người”(Mc 10,45).

Con người thường tính toán làm sao để “cho đi ít nhưng lại có thể được nhận lại nhiều”. Họ làm ơn làm phúc để được đền đáp, hay hy sinh phục vụ để tên tuổi của mình được nhiều người nhắc đến. Tiền tài, quyền bính, danh vọng là ẩn số núp sau những công việc mà con người gọi là phục vụ. Tựu trung, điều con người tìm kiếm trong phục vụ phần lớn vẫn là vì cái tôi của mình. Tuy nhiên trong Tin mừng hông nay, Đức Giêsu đã mang lại cho hai chữ “phục vụ” ý nghĩa đích thực của nó.

Sau khi Người tiên báo lần thứ ba về cuộc thương khó của Người, giữa nhóm mười hai đã xảy ra nhiều cuộc tranh luận. Càng gần tới thành Giêrusalem, cuộc tranh luận càng sôi nổi hơn. Các ông bàn tán xôn xao: Thầy sắp thực hiện kế hoạch mà Thầy đã ôm ấp bấy lâu. Kế hoạch này xem ra khó hiểu đối với các ông, nhưng đó là công việc của Thầy thì để Thầy lo liệu, còn các ông bàn luận với nhau về tương lai của họ sau khi Thầy được đăng quang. Các ông phân chia nhau ngôi thứ, ai lớn ai nhỏ; ai là người có công nhiều, ai là người có công ít. Nghe thấy các môn đệ của mình tranh luận Đức Giêsu làm một cuộc “cách mạng” khi thay đổi cách nhìn của các ông về vai trò của những “người làm lớn”. Đối với Người, ai được cất nhắc lên một chức vụ cao, không phải là để cai trị, không phải để được người khác phục vụ, nhưng là để phục vụ người khác. Chính Người đã trở nên gương mẫu cho các ông về tinh thần phục vụ mà Người rao giảng. Dù là Con Thiên Chúa, Người đã sẵn lòng đến sống và phục vụ con người trần thế cho đến giây phút cuối cùng. Người không chỉ phục vụ bằng việc rao giảng, chữa lành bệnh tật, nhưng còn trao chính thân mình để đem lại ơn cứu độ cho mọi người mà Chúa Cha đã trao phó cho Người. Thật như Người đã nói: “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người”(Mc 10,45). Như vậy, phục vụ đích thực chính là sống trọn vẹn cho tha nhân, vì tha nhân, chứ không vì bất cứ một tính toán lợi lộc nào.

Cũng vậy, lời dạy của Đức Giêsu thức tỉnh mỗi người chúng ta và mời gọi chúng ta xét mình. Bởi vì, đôi khi chúng ta tự hào mình là người có công, là những người cộng tác vào công cuộc mở mang Nước Chúa ở trần gian. Ðôi lúc chúng ta cũng bỏ công sức, thời giờ, tiền của vào các việc tông đồ truyền giáo, chúng ta lao tâm khổ tứ, nhưng thử hỏi, chúng ta dấn thân như vậy là vì Chúa, vì phục vụ anh em hay vì một cái gì khác. Theo gương Đức Giêsu, chúng ta đều được Chúa mời gọi đem hết khả năng, sức lực, tâm trí và cả con người cúi xuống phục vụ Chúa và tha nhân cách vô vị lợi. Khi hoàn thành công việc, chúng ta không tự hào về thành quả, không tự mãn về công trạng, cũng chẳng cao ngạo đòi Chúa phải thưởng công. Nhiệt huyết làm việc của chúng ta cần thanh luyện để khiêm nhường phục vụ vì lòng yêu mến Chúa và yêu thương các tâm hồn.

Lạy Chúa, xin ban cho chúng con biết sống cho người khác như Chúa, luôn mong được phục vụ hơn là tìm sự phục vụ nơi người khác cho mình. Amen.

[/loichua]

Comments are closed.