Thứ Tư Sau Chúa Nhật I Mùa Chay – Ngày 09/3/2022

[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Lc 11,29-32″]

Khi dân chúng tụ họp đông đảo, Đức Giê-su bắt đầu nói: “Thế hệ này là một thế hệ gian ác; chúng xin dấu lạ. Nhưng chúng sẽ không được thấy dấu lạ nào, ngoài dấu lạ ông Giô-na. Quả thật, ông Giô-na đã là một dấu lạ cho dân thành Ni-ni-vê thế nào, thì Con Người cũng sẽ là một dấu lạ cho thế hệ này như vậy. Trong cuộc Phán Xét, nữ hoàng Phương Nam sẽ đứng lên cùng với những người của thế hệ này và bà sẽ kết án họ, vì xưa bà đã từ tận cùng trái đất đến nghe lời khôn ngoan của vua Sa-lô-môn; mà đây thì còn hơn vua Sa-lô-môn nữa. Trong cuộc Phán Xét, dân thành Ni-ni-vê sẽ chỗi dậy cùng với thế hệ này và sẽ kết án họ, vì xưa dân ấy đã sám hối khi nghe ông Giô-na rao giảng; mà đây thì còn hơn ông Giô-na nữa.

 

 

[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]

SÁM HỐI ĐỂ SỐNG TRỌN NIỀM TIN VÀO CHÚA

 

Kính thưa cộng đoàn phụng vụ, sám hối là hành vi làm cho con người trở nên tốt đẹp và là điều rất quan trọng vì nó làm thay đổi ý định giáng phạt của Thiên Chúa, khiến ta dễ dàng sống trong ơn nghĩa với Ngài. Mỗi khi chúng ta sám hối là mỗi lần sống trọn niềm tin yêu vào Chúa hơn.

Trong bài đọc 1, tiên tri Giôna đã vâng nghe lời Chúa đi loan báo cho dân thành Ninivê rằng: “Còn bốn mươi ngày nữa, Ninivê sẽ bị phá đổ” (Gn 3,4). Khi vua và dân thành Ninivê nghe thấy như vậy thì tất cả mọi người tin vào Lời Chúa phán và mọi người bảo nhau sám hối ăn năn về những lầm lỗi của mình. Vua và toàn dân đưa ra kế hoạch để thống hối, trong đó có một điều là nhìn lại những sai phạm của mình để làm lại cuộc sống. Tất cả những điều ấy làm đẹp lòng Chúa nên Ngài đã tha thứ và không giáng phạt dân nữa.

Trong cuộc phán xét, dân thành Ninivê sẽ trỗi dậy cùng với thế hệ này và sẽ kết án họ, vì xưa dân ấy đã sám hối khi nghe ông Giôna rao giảng; mà đây còn hơn ông Giôna nữa” (Lc 11,32). Trong nội dung bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe, Chúa Giêsu không hài lòng và cảnh báo về sự cố chấp và cứng lòng của dân Do Thái. Xưa kia khi dân thành Ninivê nghe lời dạy của Giôna, họ đã tin lời ấy và đã ăn năn thống hối. Nữ hoàng phương Nam, nghe biết vua Salômôn rất khôn ngoan và bà đến để thỉnh giáo nơi vua những lời hay lẽ phải. Nay Chúa đến, Ngài rao giảng giáo huấn của Ngài mà dân Do Thái nhất là những người đứng đầu trong dân là biệt phái và những tiến sĩ luật lại kiêu căng, tự phụ không chịu lắng nghe những lời chỉ dạy của Chúa, là Đấng hơn cả Giôna và lời lẽ khôn ngoan uy quyền hơn cả Salômôn. Vì dân Do thái không chịu tin, và cố chấp nên họ sẽ thê thảm trong sự cứng tin ấy[1].

Là người Kitô hữu, chúng ta có tin thật vào Lời Chúa dạy mà sám hối hay chỉ khi nghe đồn đoán về dấu lạ, chết chóc thì mới sợ mà sám hối. Nếu ta chỉ vì sợ bị phạt, sợ bị sa hỏa ngục mới tỏ lòng sám hối thì có thể là chưa đủ. Dưới ánh sáng đức tin, chúng ta tin thật rằng, Chúa vì yêu thương mà chết để cứu độ cho ta. Khi ta sa ngã phạm tội, là xúc phạm đến tình yêu vô bờ của Ngài, bởi vậy, ta phải biết đau đớn khổ cực về tội lỗi ấy, mà trở về xin Ngài tha thứ, cùng đổi mới chính mình. Mỗi lần chúng ta sám hối bằng cả con tim thì chúng ta không chỉ làm mới con người mà còn làm mới lại đức tin của mình.

Nguyện xin Chúa cho mỗi người chúng ta luôn biết lắng nghe Lời Chúa, cùng lấy giáo huấn của Ngài làm khuôn vàng thước ngọc cho đời sống của mỗi người. Nhất là, xin Chúa cho mỗi người chúng ta luôn biết nhìn lại chính bản thân, không cứng đầu, không kiêu căng, tự phụ, nhưng trong tâm tình sám hối để sống trọn niềm tin yêu vào Chúa.      

[1]X. Lm. NGUYỄN VINH SƠN SCJ, Suối Nguồn Tình Yêu, Quyển 1, Thanh Hóa, nxb Thanh Hóa, 2017, tr. 176

 

 

 

[/loichua]

Comments are closed.