Khi ấy, Chúa phán rằng: “Khốn cho các ngươi, hỡi những người biệt phái! Vì các ngươi nộp thuế thập phân, bạc hà, vân hương, và các thứ rau, mà lại bỏ qua đức công bình và lòng yêu mến Thiên Chúa: Phải thi hành những điều này, và không được bỏ những điều kia. Khốn cho các ngươi, hỡi những người biệt phái! Vì các ngươi ưa thích ngồi ghế nhất trong các hội đường, và ưa thích được chào hỏi ngoài phố chợ. Khốn cho các ngươi, vì các ngươi giống những mồ mả không rõ rệt, người ta bước đi ở trên mà không hay biết!” Có một tiến sĩ luật trả lời Người rằng: “Thưa Thầy, Thầy nói như thế là Thầy sỉ nhục cả chúng tôi nữa”. Người đáp lại rằng: “Hỡi những tiến sĩ luật, khốn cho các ngươi nữa! Vì các ngươi chất lên người ta những gánh nặng không thể vác được, mà chính các ngươi dù một ngón tay cũng không động tới”.[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]
“Khốn cho các ngươi, hỡi những người biệt phái! Vì các ngươi nộp thuế thập phân, bạc hà, vân hương, và các thứ rau, mà lại bỏ qua đức công bình và lòng yêu mến Thiên Chúa” (Lc 11, 42).
Tin Mừng trong những ngày này cho chúng ta thấy sự xung khắc trong cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và giới lãnh đạo tôn giáo Do Thái ngày một gia tăng. Những lời khiển trách của Chúa Giêsu đối với họ nghe rất nặng nề và gay gắt. Và nếu sẵn lòng khiêm tốn, chúng ta cũng sẽ nhận ra sứ điệp Tin Mừng này chắc chắn đụng chạm tới chính mình. Ánh sáng Lời Chúa của bài đọc thứ nhất giúp chúng ta hiểu sứ điệp của bài Tin Mừng: “Nếu anh em để cho Thần Khí hướng dẫn, thì anh em không còn lệ thuộc lề luật nữa.”(Gl 5, 18)
Những lời khiển trách của Chúa Giêsu dành cho giới lãnh đạo Do thái giáo không mang nặng tính đối đầu nhưng hướng đến đối thoại để tìm kiếm sự thật. Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta thấy cái cốt lõi của lề luật là để phục vụ con người và vì con người. Lối sống đạo duy luật dễ mở đường cho khuynh hướng quy ngã khiến chúng ta chỉ lo tìm chỗ nhất, chỗ danh dự cho mình mà sao lãng lòng cảm thương với tha nhân. Việc lấy con người làm phương tiện để phục vụ cho lề luật là đánh mất bản chất của lề luật; lề luật khi đó thay thế Thiên Chúa, thay vì đưa con người đến cùng Thiên Chúa. Thật thế, chúng ta thường dễ mắc phải khuyết điểm này, là xét đoán người khác dựa trên từng nét từng chữ của lề luật mà lại không xét gì tới tình thương. Quả thật, “chữ viết thì giết chết, còn Thần Khí mới ban sự sống” (2 Cr 3, 6).
Lời Chúa là Sự Thật nhưng đồng thời cũng là Tình Yêu. Chính tình yêu và sự thật mở đường cho con người đến với sự sống. Bởi đó, sự thật và đức ái luôn song hành với nhau, và chỉ như vậy sự thật mới có sức thu hút và thuyết phục, chỉ như vậy sự thật mới được đón nhận và mang lại chân lý cứu độ. Chúa Giêsu tỏ ra không vui với các nhà thông luật là vì các ông tìm đức công chính qua việc chu toàn lề luật hơn là thực thi tinh thần mà lề luật ấy đòi phải có; đó là lẽ công bình và lòng yêu mến Thiên Chúa. Hơn nữa, lòng yêu mến Thiên Chúa còn được lượng giá qua tình yêu đối với tha nhân, bởi ai yêu mến Thiên Chúa thì đồng thời cũng yêu thương anh em mình (x. 1Ga 4, 21). Luật của “chữ viết” được Chúa Giêsu thổi “Thần Khí” vào. Vậy“nếu chúng ta sống nhờ Thần Khí, thì cũng hãy nhờ Thần Khí mà tiến bước” (Gl 5, 25).
Lạy Chúa Giêsu, Chúa là Sự Thật và Tình Yêu. Qua Bí Tích Thanh Tẩy chúng con được trở nên thụ tạo mới nhờ Chúa Thánh Thần. Xin cho chúng con biết sống theo sự soi dẫn của Chúa Thánh Thần để cuộc đời chúng con trở nên chứng tá cho Sự Thật và Tình Yêu. Xin cho chúng con nhờ việc lắng nghe và suy gẫm Lời Chúa mỗi ngày được nên giống Chúa hơn, để qua từng ánh mắt, suy nghĩ, lời nói và hành động chúng con làm chứng cho chân lý và tình yêu của Thiên Chúa. Amen.