Thứ Sáu Tuần XXXIII Thường Niên – Ngày 19/11/2021

Lời Chúa: Lc 19,45-48

45Khi ấy, Đức Giêsu vào Đền Thờ, Người bắt đầu đuổi những kẻ đang buôn bán 46và nói với họ : “Đã có lời chép rằng : Nhà Ta sẽ là nhà cầu nguyện, thế mà các ngươi đã biến thành sào huyệt của bọn cướp !”

47Hằng ngày, Người giảng dạy trong Đền Thờ. Các thượng tế và kinh sư tìm cách giết Người, cả các thân hào trong dân cũng vậy. 48Nhưng họ không biết phải làm sao, vì toàn dân say mê nghe Người.

 


Suy niệm

NHỮNG GÌ DÀNH CHO THIÊN CHÚA PHẢI XỨNG ĐÁNG VỚI THIÊN CHÚA

“Nhà Ta sẽ là nhà cầu nguyện, thế mà các ngươi đã biến thành sào huyệt của bọn cướp !”
(Lc 19,46)

Như chúng ta đều biết, mỗi nơi chốn hay đồ vật được làm ra trên cõi đời này đều là có mục đích và chức năng của nó. Ví dụ như cái nhà để ở, cái xe để chạy, cái áo cái quần là để mặc, và cũng chẳng có ai lại đi lấy cái cuốc, cái xẻng mà dùng vào việc ăn uống cả. Tương tự như thế, theo Điển ngữ Thần học Thánh Kinh: đền thờ là nơi thánh, là chốn thần linh hiện diện và là nơi con người có thể giao tiếp với thế giới thần linh. Trong Do Thái giáo, đền thờ Giêrusalem là dấu chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa giữa loài người. Thế thì, một ngôi Đền thờ không được dùng vào đúng chức năng của nó, Chúa có vui lòng ngự trị trong đó không? Những ý nghĩ đó phải đến với chúng ta khi đọc lại sự kiện Chúa Giêsu đánh đuổi con buôn ra khỏi đền thờ Giêrusalem như được ghi lại trong Tin mừng hôm nay. Chúa cảnh giác họ : “Nhà Ta sẽ là nhà cầu nguyện, thế mà các ngươi đã biến thành sào huyệt của bọn cướp”. Chúa muốn con người phải trả lại cho Đền thờ đúng ý nghĩa của Đền thờ khi được xây dựng: Đó là nơi thánh, là nơi Thiên Chúa ngự và là nơi con người đến gặp gỡ Thiên Chúa qua việc tạ ơn, cầu nguyện. Vì thế, Đền thờ phải được tôn trọng và gìn giữ cho xứng đáng.

Ngôn sứ Malakhi cũng đã nói về hành vi này trong chương 3 sách Malakhi như sau: “Đấng mà các người tìm kiếm thình lình tiến vào đền thờ của Người, để thanh tẩy hàng tư tế và dân chúng, để việc phụng tự đi vào đúng bổn phận của nó là cử hành theo ý Thiên Chúa và làm đẹp lòng Thiên Chúa” (Ml 3,1-3). Như vậy, Đấng đến nhân danh Chúa sẽ đòi lại và chiếm hữu nhà Cha Người, đưa Đền thờ về đúng chức năng là nơi thờ phượng và ca ngợi Thiên Chúa, là nơi Lời Chúa được giảng dạy (c.47) và nghe với niềm say mê (c.48).

Từ hình ảnh cao quý của đền thờ vật chất, chúng ta tái khám phá ra ý nghĩa cao trọng của đền thờ tâm hồn. Con người vì được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa, nên thân thể mỗi người cũng là Đền Thờ của Thiên Chúa, như thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Côrintô đã xác quyết: “Anh em không biết rằng thân xác anh em là Đền Thờ Thiên Chúa và Thánh Thần Chúa hằng ngự trong anh em sao?” (1Cr 6,19). Như thế, việc Chúa Giêsu thanh tẩy Đền thờ Giêrusalem qua Tin Mừng hôm nay, mời gọi chúng ta thanh tẩy Đền thờ tâm hồn mình, loại bỏ tất cả những suy nghĩ, lời nói, hành động không xứng hợp ra khỏi con người mình, và biết dành cho Chúa vị trí ưu tiên.

Một cành hoa đẹp không thể được cắm trong một chiếc bình dơ bẩn. Việc thanh tẩy đền thờ vừa nói lên tình yêu của Chúa Giêsu với Đền thờ, với Chúa Cha; đồng thời cũng là lời mời gọi mỗi người chúng ta, những người con của Chúa, biết tôn trọng sự thánh thiêng của ngôi Đền thờ vật chất, quan trọng hơn nữa đó là biết thanh tẩy tâm hồn và thân xác chúng ta khỏi những đam mê tội lỗi, ngõ hầu tâm hồn chúng ta luôn xứng đáng là ngôi Đền thờ thiêng liêng đón Chúa đến ngự trị.

Xin Chúa ban cho chúng ta lòng yêu mến tôn thờ để chúng ta dành phần tốt nhất trong cõi lòng dâng lên Chúa. Xin Chúa giúp chúng ta sửa lại cõi lòng khi cầu nguyện tôn vinh Chúa. Xin Chúa cũng hâm nóng tấm linh hồn bé bỏng những khi chúng ta nguội lạnh, chán chường. Ước mong tâm hồn chúng ta được sống động và dạt dào tình yêu trong Ba Ngôi Thiên Chúa.


Comments are closed.