[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Lc 14, 1-6 “]
Khi ấy, vào một ngày sabát, Chúa Giêsu vào dùng bữa trong nhà một thủ lãnh biệt phái, thì những người hiện diện ở đó dòm xét Người. Bấy giờ có một người mắc bệnh thuỷ thũng ở trước mặt Người. Chúa Giêsu lên tiếng hỏi các luật sĩ và biệt phái rằng : “Trong ngày sabát, có được phép chữa bệnh không”. Các ông ấy làm thinh. Bấy giờ Người kéo kẻ ấy lại, và chữa lành, rồi cho về. Ðoạn Người bảo các ông rằng : “Trong ngày sabát, ai trong các ông có con lừa hay con bò rơi xuống giếng mà không lập tức kéo nó lên sao”. Nhưng các ông không thể trả lời câu hỏi ấy.
[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]
BIẾN “BẤT ỔN” THÀNH “CƠ HỘI”
“Người kéo lấy bệnh nhân, chữa khỏi và cho về” (Lc 14, 4)
Trong bài tin mừng hôm nay, thánh Luca mô tả khung cảnh Chúa Giêsu dùng bữa tại nhà người thủ lãnh biệt phái. Có lẽ, ta có thể ví đây là một “Bữa tiệc bất ổn”. “Bất ổn” khi khách mời dự tiệc lẽ ra phải được quý trọng nhưng lại bị dò xét; Tin mừng ghi lại, “Chúa Giêsu vào dùng bữa trong nhà một thủ lãnh biệt phái, thì những người hiện diện ở đó dòm xét Người” (Lc 14, 1-1). “Bất ổn” khi một bữa tiệc đột nhiên lại xuất hiện một người bệnh (x. Lc 14, 2). Và điều bất thường, khi trong bữa ăn, lẽ ra là việc thưởng thức những món ăn, và là nơi để mọi người trò chuyện thân mật. Thế nhưng, trong bữa tiệc này chỉ có những câu hỏi – không có câu trả lời (x. Lc 14, 3-6). Chúa Giêsu đã làm gì trước những điều bất thường này ?
Theo truyền thống luật Do thái, và nơi những người biệt phái xem ngày Sabat là ngày cấm làm tất cả mọi công việc. Thế nhưng, ngày Sabát được tạo ra cho loài người; để con người có thời gian nghỉ ngơi, nhớ đến công trình tạo dựng (x. Đnl 5,14-15), và là ngày biểu lộ ơn cứu độ của Thiên Chúa. Khi hiểu sai về ý nghĩa và giữ luật dựa chỉ trên mặt chữ, đã làm cho cách nhìn và lối sống của người Pharisêu trở bất thường. Chúa Giêsu đã làm cho những bất ổn này trở thành cơ hội: “Cơ hội” để Chúa biến những lề luật theo nghĩa ngặt nghèo trở nên tích cực, vì “Ngài đến không để bãi bỏ, nhưng kiện toàn lề luật” (x. Mt 5,17). “Cơ hội” cho người Pharisêu nhìn lại lòng mình khi họ im lặng trước những câu hỏi của Chúa, như trong trình thuật “Người phụ nữ ngoại tình” (Ga 8,1-10); tất cả đều im lặng và rời đi khi Chúa đặt câu hỏi – “Ai sạch tội hãy ném đá người này trước đi”(x. Ga 8,7). Và “cơ hội” lớn nhất để người Pharisêu nhận biết ngày Sabat không phải là ngày lề luật, nhưng là ngày “hành động lòng thương xót” của Thiên Chúa. Tin mừng ghi lại; “Người kéo lấy bệnh nhân, chữa khỏi và cho về” (x. Lc 14,4). Người bệnh đã không nói gì, xin gì nhưng chỉ thấy Thiên Chúa hành động; 3 hành động một hình ảnh – hình ảnh một Thiên Chúa biến đổi những luật lệ khắt khe trở nên luật yêu thương.
Trong cuộc sống hôm nay, chúng ta phải đối diện rất nhiều khó khăn; nơi đời sống gia đình có nhiều bất hòa, xào xáo. Nơi đời sống cộng đoàn có những bất đồng, chia rẽ. Và chính đời sống mỗi người cũng đối diện với đầy sự “bất ổn”. Noi gương Chúa Giêsu, chúng ta hãy biến những điều bất thường trở nên tích cực bằng thái độ lắng nghe, cởi mở và chia sẻ với mọi người, để cuộc sống gia đình được thuận hòa an vui, đời sống cộng đoàn thêm gắn kết yêu thương và nơi bản thân mỗi người, là cuộc sống và hành động đẹp lòng Chúa.
Lạy Chúa, khi xưa khi đối diện với những khó khăn trong hành trình rao giảng, Chúa đã khiêm nhường hướng dẫn và hành động cho mọi người biết ý muốn của Chúa. Xin cho chúng con sống theo điều Chúa dạy, để khi nhìn thấy những “bất thường” nơi bản thân, chúng con biết điều chỉnh và sửa đổi. Và khi thấy những “bất ổn” nơi người khác, chúng con biết biến điều đó thành cơ hội để chia sẻ và đồng cảm với họ. Amen.
[/loichua]