Thứ Sáu Tuần XIII Mùa Thường Niên – Ngày 02-07-2021

[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Mt 9,9-13″]

Bỏ nơi ấy, Đức Giê-su đi ngang qua trạm thu thuế, thì thấy một người tên là Mát-thêu đang ngồi tại trạm. Người bảo ông: “Anh hãy theo tôi!” Ông đứng dậy đi theo Người.

Khi Đức Giê-su đang dùng bữa tại nhà ông ấy, có nhiều người thu thuế và tội lỗi kéo đến, cùng ăn với Người và các môn đệ. Thấy vậy, những người Pha-ri-sêu nói với các môn đệ Người rằng: “Sao Thầy các anh lại ăn uống với bọn thu thuế, và quân tội lỗi như vậy?” Nghe thấy thế, Đức Giê-su nói: “Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Hãy về học cho biết ý nghĩa của câu này: ‘Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế. Vì tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi'”.

 

[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]

LÒNG KHOAN DUNG CỦA THIÊN CHÚA

“Ta không đến để kêu gọi kẻ công chính, mà là kẻ tội lỗi” (Mt 9,13).

Có lẽ Người Do Thái cũng thích gần gũi với những người dễ thương dễ mến tốt lành, thánh thiện. Còn người tội lỗi thì họ tìm cách tránh xa. Đó cũng là một điều hợp và đúng đắn, bởi lẽ ngay cả những lời dạy dỗ của những người đi trước cũng nói như vậy “chọn bạn mà chơi”, “gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”. Tuy nhiên, trong đoạn Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu dạy thì không phải như thế “Ta không đến để kêu gọi kẻ công chính, mà là kẻ tội lỗi”. Điều này xem ra thật khó hiểu? Ta phải nghĩ như thế nào đây?

Nếu xét kỹ về điều này, chúng ta biết rằng, Thiên Chúa luôn phân biệt giữa con người và tội lỗi, nghĩa là người không dung túng cho tội, nhưng lại chấp nhận tội nhân.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã đến dự tiệc giữa những người tội lỗi, và Người đã cùng đồng bàn với họ. Theo phong tục Do thái, khi ăn uống với ai đó là dấu thông đồng, một sự chấp nhận, một sự chia sẻ tư tưởng tình cảm và mối quan tâm dến người khác. Cứ theo lý luận này, thì người Do Thái hiểu rằng Chúa Giêsu về phe của người tội lỗi và người thu thuế. Tất nhiên người Pharisêu cũng nghĩ như vậy. Xét ở khía cạnh nào đó họ có lý chứ không phải là không có lý.

Thế nhưng họ không không biết rằng, Chúa Giêsu không phải là người đồng lõa với tội, nhưng là người chấp nhận tội nhân. Điều này có nghĩa là Chúa luôn luôn lên án tội của họ, nhưng là con người của họ thì Chúa yêu thương hết mình. Người ăn uống với họ không phải để củng cố rằng tội của họ phạm là đúng, nhưng là để kêu gọi họ, yêu thương họ, đón nhận họ và mở ra con đường để cho họ nên tốt hơn. Tất nhiên, Chúa Giêsu cũng biết rằng những kẻ cứng lòng không biết khuyết điểm của mình, lại nuôi dưỡng những ảo vọng cho mình như người Pharisêu, thì sẽ không bao giờ được tha thứ. Nhưng những tội nhân có tội thực sự và họ biết mình là tội lỗi cần được cứu giúp; đồng thời họ biết những lầm lỡ đời mình, biết những hậu quả do việc mình làm. Họ biết mình mắc bệnh, cần tới bác sĩ. Họ biết họ sa xuống hố cần có người ở trên kéo lên. Và như thế thì họ sẽ được cứu độ.

Xin Chúa cho chúng ta cảm nhận về tình yêu thương của Ngài, “Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính” (Mt 5,45). Đồng thời, xin cho mỗi chúng ta cảm nghiệm lời của Chúa Giêsu nói với chính tôi, “Tôi không đến kêu gọi người công chính, nhưng để kêu gọi người tội lỗi” (Mt 9,13) để thật lòng khiêm tốn trở về với Chúa. Amen.

[/loichua]

Comments are closed.