Thứ Sáu Tuần XII Mùa Thường Niên – Ngày 28/06/2024

[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Mt 8,1-4″]

Khi Đức Giê-su ở trên núi xuống, đám đông lũ lượt đi theo Người. Bỗng có một người phong hủi tiến lại, bái lạy Người và nói: “Thưa Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch.” Người giơ tay đụng vào anh và bảo: “Tôi muốn, anh sạch đi.” Lập tức, anh được sạch bệnh phong hủi. Rồi Đức Giê-su bảo anh: “Coi chừng, đừng nói với ai cả, nhưng hãy đi trình diện tư tế và dâng của lễ, như ông Mô-sê đã truyền, để làm chứng cho người ta biết.”

 

[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]

KHIÊM TỐN – LIỀU THUỐC ĐỂ ĐƯỢC CHỮA LÀNH

“Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi lành sạch” (Mt 8,2).

Trong bài Tin Mừng hôm nay, thánh sử Matthêu thuật lại việc Chúa Giêsu chữa lành cho một người bị bệnh phong hủi. Đây là phép lạ đầu tiên sau bài giảng trên núi của Chúa Giêsu. Vì lời giảng hấp dẫn và mới lạ, nên khi Chúa Giêsu vừa xuống núi, đám đông dân chúng lũ lượt đi theo Người. Trong khung cảnh đông đúc, náo nhiệt ấy, bỗng một người mắc bệnh phong tiến lại gần và xin Chúa chữa lành. Người bệnh phong dù biết không được đến gần người khác theo luật người Do Thái, nhưng anh đã can đảm vượt qua rào cản của sự ngăn cách ấy để đến với Chúa Giêsu – Đấng mà anh tin có thể chữa lành cho mình. Lòng tin ấy không phải là áp đặt Đấng có quyền giải quyết những nhu cầu của mình, nhưng là “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi lành sạch” (Mt 8,2). Nhận thấy sự can đảm và khiêm nhường của anh, Chúa Giêsu đã giơ tay đụng vào anh và bảo: “Tôi muốn, anh sạch đi”. Bệnh phong của anh lập tức biến mất và anh đã được lành sạch.

“Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi lành sạch” có thể được coi là mô mẫu lời cầu xin khi cầu nguyện cùng Thiên Chúa. Lời cầu xin này không chỉ đơn giản hướng đến việc xin ơn chữa lành, nhưng còn hướng đến việc cao trọng hơn là tuyên xưng quyền năng của Thiên Chúa, cùng với đó là nhìn nhận thân phận khốn cùng của con người. Khiêm tốn nhận ra bản thân chỉ là thụ tạo của Thiên Chúa, để biết cậy dựa vào Chúa trong mọi hoàn cảnh luôn là điều đẹp lòng Người. “Khiêm tốn là nền tảng của cầu nguyện” (GLHTCG, 2559). Thật vậy, trong dụ ngôn người Pharisêu và người thu thuế cầu nguyện (x.Lc 18,9-14), người thu thuế khi ra về đã được nên công chính vì sự khiêm tốn của anh, còn người Pharisêu thì không vì sự cao ngạo của mình. Hơn nữa, những người khiêm tốn, nhỏ bé luôn được Thiên Chúa ưu ái và mặc khải cho họ những điều lớn lao: “con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn” (Mt 11,25). Như vậy, khiêm tốn trong cầu nguyện là biết chấp nhận Thánh ý Chúa dù đó là điều trái ý. Đừng áp đặt hay buộc Chúa làm theo ý mình vì những kế hoạch, toan tính của con người “là sự điên rồ trước mặt Chúa” (1 Cr 3,19). Ta hãy tin rằng Thiên Chúa luôn muốn điều tốt, điều lành cho con cái mình. Hãy phó thác cuộc đời ta trong sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa, Ngài sẽ thực hiện điều lớn lao nơi những tâm hồn khiêm tốn.

Lạy Chúa, xin cho chúng con có một đức tin vững mạnh và lòng khiêm tốn thẳm sâu, để trong mọi sự chúng con nhận ra “đâu là ý Thiên Chúa” (Rm 12,2) mà vui vẻ đón nhận và cộng tác với Ý Chúa để trổ sinh nhiều hoa trái. Và rồi, chúng con tin chắc rằng Chúa sẽ thưởng ban cho chúng con phần phúc đời này lẫn đời sau. Amen.

[/loichua]

Comments are closed.