Thứ Sáu tuần VI Thường Niên – 17/02/2023

[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Mc 8,43-9,1″]

Rồi Đức Giê-su gọi đám đông cùng với các môn đệ lại. Người nói với họ rằng: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống ấy. Vì được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì người ta nào có lợi gì? Quả thật, người ta lấy gì mà đổi lại mạng sống mình? Giữa thế hệ ngoại tình và tội lỗi này, ai hổ thẹn vì tôi và những lời tôi dạy, thì Con Người cũng sẽ hổ thẹn vì kẻ ấy, khi Người ngự đến cùng với các thánh thiên thần, trong vinh quang của Cha Người.”

Đức Giê-su còn nói với họ: “Tôi bảo thật các người: trong số những người có mặt ở đây, có những kẻ sẽ không phải nếm sự chết, trước khi thấy Triều Đại Thiên Chúa đến, đầy uy lực.”

 

[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]

ĐẾN VỚI CHÚA TRÊN CON ĐƯỜNG KHIÊM NHƯỜNG

“Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mc 8,34).

Trong Bát Phúc, mối phúc đầu tiên đề cập đến những người có tinh thần nghèo khó vì Nước Trời là của họ. Theo Kinh Thánh, người có tinh thần nghèo khó là người khiêm nhường trong lòng. Họ nhận biết mình chẳng là gì để rồi cậy dựa vào Thiên Chúa. Đối lại với nhân đức khiêm nhường, tội kiêu ngạo được đề cập đầu tiên trong Bảy Mối Tội Đầu, là cội nguồn dẫn tới những tội khác. Câu chuyện về tháp Babel trong bài đọc 1 là một trong những câu chuyện mà Kinh Thánh kể về lòng kiêu ngạo của con người. Theo đó, con người tự mình xây nên một thành phố có tháp cao chọc trời để cho danh họ được lẫy lừng khắp mặt đất. Thái độ kiêu căng ngạo mạn này đã xúc phạm đến Thiên Chúa. Vì thế, Ngài đã làm xáo trộn tiếng nói trong dân. Con người thôi không xây thành nữa và cũng từ đó, con người bị phân tán khắp nơi trên mặt đất. Bởi thế, người ta đặt tên cho thành ấy là Babel nghĩa là xáo trộn và phân tán.

Nếu như tên gọi Babel gợi lên sự xáo trộn và phân tán thì qua Danh Kitô, Thiên Chúa đã qui tụ con người trở thành một dân duy nhất và qua đó không phải danh của con người được lẫy lừng mà Danh Chúa được vinh hiển. Mở đầu bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe, thánh Máccô đã làm nổi bật vai trò đó của Đức Giêsu khi viết, “Đức Giêsu gọi đám đông cùng với các môn đệ lại” (Mc 8,34a). Đám đông đang bị phân tán, họ bơ vơ như đoàn chiên không người chăn dắt thì nay Đức Giêsu đến qui tụ họ lại và chỉ dạy cho họ con đường dẫn đến ơn cứu độ. Lời dạy của Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng được cụ thể qua ba hành động: từ bỏ chính mình, vác thập giá và theo Đức Giêsu. Để trở về với Thiên Chúa, hành động đầu tiên con người cần làm là từ bỏ chính mình. Đây chính là hành động của đức khiêm nhường. Chúng ta sẽ không thể vác thập giá và theo Chúa nếu trước đó bản thân không biết từ bỏ những ý riêng, những tham vọng và cái tôi kiêu hãnh. Từ bỏ chính mình là nhận mình chẳng là gì để từ đó cậy dựa vào Thiên Chúa là nguồn sức mạnh hầu có thể giúp ta vác thập giá và trung thành theo Ngài đến cùng.

Thiên Chúa đã đến với chúng ta bằng con đường khiêm nhường để cứu độ chúng ta khỏi sự kiêu ngạo thì chúng ta cũng hãy đến với Người trên con đường của sự khiêm nhường như thánh Augustinô đã nói: “Chính sự kiêu ngạo đã đưa đến sa ngã… Nếu bạn hỏi tôi đường nào đến với Thiên Chúa, tôi sẽ bảo bạn đường thứ nhất là khiêm nhường, đường thứ hai là khiêm nhường, đường thứ ba là khiêm nhường”.

Lạy Chúa, chúng con xin Chúa ban cho chúng con biết Chúa, biết tha nhân và biết bạn thân để từ đó chúng con có thể yêu Chúa và phục vụ tha nhân trong tinh thần khiêm nhường.

[/loichua]

Comments are closed.