[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Ga 10,31-42″]
Khi ấy, người Do-thái lượm đá để ném Chúa Giêsu. Người lên tiếng hỏi rằng: “Ta đã cho các ngươi thấy nhiều việc tốt lành bởi Cha Ta. Vậy vì việc nào mà các ngươi muốn ném đá Ta?” Người Do-thái trả lời: “Chúng tôi muốn ném đá ông không phải vì việc lành, nhưng vì một lời lộng ngôn, bởi vì ông chỉ là người mà lại tự cho mình là Thiên Chúa”. Chúa Giêsu đáp lại: “Nào trong sách luật của các ngươi không có chép câu này: ‘Ta đã nói: các ngươi là thần’? Vậy nếu sách luật gọi những kẻ được nghe lời Chúa là thần, mà Kinh Thánh không thể huỷ diệt được, thì tại sao các ngươi nói với Đấng đã được Chúa Cha thánh hoá và sai đến trong trần gian rằng ‘Ông nói lộng ngôn’, vì Ta đã nói Ta là Con Thiên Chúa? Nếu Ta không làm những việc của Cha Ta, thì các ngươi đừng tin Ta. Nhưng nếu Ta làm những việc đó, thì dầu các ngươi không muốn tin Ta, cũng hãy tin vào các việc đó, để các ngươi biết và tin rằng: Cha ở trong Ta, và Ta ở trong Cha”. Bởi đó họ tìm cách bắt Người, nhưng Người thoát khỏi tay họ. Người lại qua bên kia sông Giođan, nơi trước kia Gioan đã làm phép rửa. Và Người ở lại đó. Có nhiều kẻ đến cùng Người. Họ nói: “Gioan đã không làm một phép lạ nào. Nhưng mọi điều Gioan nói về người này đều đúng cả”. Và có nhiều kẻ tin Người.
[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]
CHỨNG NHÂN TRONG LỜI NÓI VÀ HÀNH ĐỘNG
“Còn nếu tôi làm các việc đó, thì dù các ông không tin tôi, ít ra cũng hãy tin các việc đó. Như vậy, các ông sẽ biết và ngày càng biết thêm rằng: Chúa Cha ở trong tôi và tôi ở trong Chúa Cha.” (Ga 10,38).
Trong những ngày cuối cùng của Mùa Chay Thánh, việc xác định đối tượng của đức tin và sứ mạng trong ơn gọi của Kitô hữu trong ánh sáng Lời Chúa luôn là điều hết sức cần thiết. Tin vào Chúa Giêsu là Đấng Cứu Độ duy nhất và nhận biết sứ mạng phải loan báo Tin Mừng cho muôn dân vừa là hồng ân cũng vừa là bổn phận của Kitô hữu.
Đoạn Tin mừng hôm nay được đặt trong bối cảnh lễ Cung Hiến Đền Thờ, thuộc chương 10 Tin Mừng Gioan, nhằm trả lời cho câu hỏi Chúa Giêsu có phải là Đấng Cứu Thế không? Trước những lời cáo gian, buộc tội, và nghi ngờ của giới lãnh đạo Do Thái về căn tính của Chúa Giêsu, Chúa Giêsu đã chứng thực mình là Đấng từ Thiên Chúa mà đến bằng cả lời nói và hành động. Theo quan niệm của Cựu ước, những ai được cảm hứng nói lời Thiên Chúa thì được gọi là các vị thần, hay là thủ lãnh của Israel (x. Đnl 1,17; Xh 21; Tv 82,6). Chúa Giêsu không chỉ nói lời Thiên Chúa mà Người còn là Lời Thiên Chúa, vì chính Người đã nói: “Thật vậy, không phải tôi tự mình nói ra, nhưng chính Chúa Cha, Đấng đã sai tôi, truyền lệnh cho tôi phải nói gì, tuyên bố gì” (Ga 12,49). Hơn nữa, Chúa Giêsu còn được Chúa Cha thánh hiến và sai vào thế gian (x. Ga 10,36). Không dừng lại ở lời nói, Chúa Giêsu còn minh chứng bằng những gì Người làm. “Còn nếu tôi làm các việc đó, thì dù các ông không tin tôi, ít ra cũng hãy tin các việc đó. Như vậy, các ông sẽ biết và ngày càng biết thêm rằng: Chúa Cha ở trong tôi và tôi ở trong Chúa Cha.” (Ga 10,38). Nhất là qua cái chết trên thập giá, Chúa Giêsu đã vén mở căn tính đích thực của Ngài là Đấng được Thiên Chúa sai đến để cứu độ nhân loại.
Xã hội hôm nay bị chi phối nhiều bởi chủ nghĩa: tương đối, vô thần và hưởng thụ. Những chủ nghĩa này đang đẩy con người đến việc từ chối tin vào Thiên Chúa, không dám tín thác vào Lòng Thương Xót của Thiên Chúa. Là Kitô hữu, sứ mạng đem Chúa đến với muôn dân, và tiếp nối khát khao của Chúa Giêsu là thắp lên ngọn lửa tin, cậy, mến Chúa nơi mỗi người vẫn luôn là lời mời gọi và thôi thúc mãnh liệt. Trong diễn từ dành cho các thành phần của Hội đồng các giáo dân ngày 02.04.1974, thánh Giáo hoàng Phaolô VI đã nhắn nhủ: “Con người thời đại chúng ta thích nghe những chứng nhân hơn là các thầy dạy, hoặc nếu có nghe các thầy dạy thì trước hết những vị này là các chứng nhân”. Như chính Chúa Giêsu đã sống căn tính và sứ vụ của mình, người môn đệ của Chúa Giêsu cũng cần thể hiện niềm tin vào Thiên Chúa bằng sự nhất quán trong lời nói và hành động. Giữa một xã hội đang ngả theo các giá trị vật chất, việc thể hiện niềm tin vào Thiên Chúa của Kitô hữu ngang qua các hoạt động, qua những phản ứng theo Tin Mừng trong mọi khó khăn cũng như toàn bộ cuộc sống là cách thức loan báo Tin Mừng rất sống động.
Xin Chúa cho chúng ta luôn biết tin tưởng, cậy trông vào Lòng Thương Xót của Thiên Chúa và đồng thời biết khiêm tốn hoán cải đời mình, nhờ đó chúng ta được Chúa ban ơn cứu độ và làm cho chúng ta trở nên những chứng nhân của Lòng Thương Xót Chúa cho mọi người trong cả lời nói và hành động trong đời sống chúng ta.
[/loichua]