Thứ Sáu Tuần V Mùa Chay – Ngày 08/04/2022

[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Ga 10, 31-42″]

Người Do thái lại lấy đá để ném Đức Giêsu. Người bảo họ: “Tôi đã cho các ông thấy nhiều việc tốt đẹp Chúa Cha đã giao cho tôi làm; vì việc nào mà các ông ném đá tôi?” Người Do thái đáp: “Chúng tôi ném đá ông, không phải vì một việc tốt đẹp, nhưng vì một lời nói phạm thượng: ông là người phàm mà lại tự cho mình là Thiên Chúa”. Đức Giêsu bảo họ: “Trong Lề Luật các ông, đã chẳng có chép lời này sao: ‘Ta đã phán: các ngươi là những bậc thần thánh. Nếu Lề Luật gọi những kẻ được Thiên Chúa ngỏ lời là những bậc thần thánh, mà lời Kinh Thánh không thể bị huỷ bỏ, thì tôi là người Chúa Cha đã thánh hiến và sai đến thế gian, làm sao các ông lại bảo tôi: “Ông nói phạm thượng! vì tôi đã nói: ‘Tôi là Con Thiên Chúa’. Nếu tôi không làm các việc của Cha tôi, thì các ông đừng tin tôi. Còn nếu tôi làm các việc đó, thì dù các ông không tin tôi, ít ra cũng hãy tin các việc đó. Như vậy, các ông sẽ biết và ngày càng biết thêm rằng: Chúa Cha ở trong tôi và tôi ở trong Chúa Cha”. Bấy giờ họ lại tìm cách bắt Người, nhưng Người đã thoát khỏi tay họ. Đức Giêsu lại ra đi, sang bên kia sông Giođan, đến chỗ trước kia ông Gioan đã làm phép rửa, và Người ở lại đó. Nhiều người đến gặp Đức Giêsu. Họ bảo nhau: “Ông Gioan đã không làm một dấu lạ nào cả, nhưng mọi điều ông ấy nói về người này đều đúng”. Ở đó, nhiều người đã tin vào Đức Giêsu”.

 

[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]

NIỀM TIN ĐƯỢC THỂ HIỆN QUA HÀNH ĐỘNG

“Nếu tôi không làm các việc của Cha tôi, thì các ông đừng tin tôi” (Ga 10, 37).

Tin là hành động độc đáo của con người. Niềm tin hiện hữu không chỉ khi con người thành công, mà cả khi trong những thất bại cũng có niềm tin. Chẳng hạn như tiên tri Giêrêmia, ông được kêu gọi làm tiên tri đời vua Giôsia trong hoàn cảnh Giuđa bị đế quốc Babylon đe dọa. Khi nhà vua và triều thần hoảng sợ, ông kêu gọi mọi người hãy cậy dựa vào Thiên Chúa. Thay cho sự vâng nghe ý định của Thiên Chúa, họ bắt ông bỏ vào tù. Trong cơn thử thách ấy, ông muốn chạy trốn khỏi sứ vụ mà Thiên Chúa đã trao phó, nhưng Lời của Người là sức mạnh vô biên đã chiến thắng và mang lại an bình cho tâm hồn ông. Như thế, ông vẫn trung thành với sứ mạng và tin tuyệt đối vào Thiên Chúa: Đức Chúa hằng ở bên con như một trang chiến sĩ oai hùng” (Gr 20, 11). Tiên tri Giêrêmia chính là tiền ảnh của Đức Kitô trong cuộc Khổ Nạn và Phục Sinh mà Người sắp gánh chịu vì nhân loại.

Nội dung BĐ1 trong ngày mai là tâm tư thất vọng tiên tri Giêrêmia vì bị mọi người từ bỏ, ngay cả những người thân thiết. Ông cảm thấy sự thù địch to lớn của đám đông đè nặng trong tâm hồn mình. Họ dành cho ông những lời cay đắng: “Con nghe biết bao người vu cáo: Hãy tố cáo, hãy tố cáo nó đi! Tất cả những bạn bè thân thích đều rình xem con vấp ngã. Họ nói: “Biết đâu nó chẳng mắc lừa, rồi chúng ta sẽ thắng và trả thù được nó!” (Gr 20,10). Nơi bài Tin Mừng, hơn cả sự trả thù là hình ảnh của Chúa Giêsu bị mọi người ném đá khi Ngài can đảm làm chứng cho Chúa Cha: “Tôi đã cho các ông thấy nhiều việc tốt đẹp Chúa Cha đã giao cho tôi làm; vì việc nào mà các ông ném đá tôi?” (Ga 10, 32). Kết cục của những lời chứng cho Thiên Chúa là hai hình ảnh đều bị lên án và bị loại trừ. Nhưng Đức Giêsu đã đi xa hơn, bởi Ngài biết rằng Thiên Chúa sẽ khôi phục lại công lý, trừng trị cái ác vì Thiên Chúa không thể để điều ác chiến thắng. Lúc chịu đóng đinh, Đức Giêsu không cầu xin Thiên Chúa trả thù kẻ giết mình, nhưng Ngài lại xin: “Lạy Cha, xin tha cho chúng, vì chúng không biết việc chúng làm” (Lc 23,34). Đó chính là trái tim của Chúa Giêsu, một trái tim đã được chiến thắng hoàn toàn trên sự dữ bằng cách dùng tất cả những đau khổ để diễn tả một tình yêu lớn hơn: “Đức Kitô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi, đó là bằng chúng Thiên Chúa yêu thương chúng ta” (Rm 5,8).

Căn tính của con người được thể hiện qua những gì mình làm. Chúng ta không thể làm chứng cho Thiên Chúa nếu như chúng ta không đang sống trong tình yêu và sự tha thứ. Thật vậy, những người bách hại Chúa Giêsu không thể đại diện cho Thiên Chúa. Họ khoe khoang có bằng chứng pháp lý (x. Ga 10, 33), trong khi những gì duy nhất làm chứng cho một sứ mạng thiêng liêng không phải là lời nói mà là các công việc (Ga 10, 37-38). Chính vì lẽ ấy mà ta thấy có một sự thống nhất giữa Chúa Giêsu và Chúa Cha là thông ban sự sống cho con người. Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta biết ý thức tăng trưởng đời sống đức tin. Từ đó, chúng ta sẽ có kinh nghiệm về Thiên Chúa, Đấng luôn yêu thương chúng ta trong mọi giây phút của cuộc đời. Có bao giờ chúng ta tự hỏi: vì sao chúng ta kém tin? Vì sao chúng ta quá yếu đuối trong tội lỗi? Vì sao chúng ta rất khó để yêu? Chúng ta bảo rằng mình cầu nguyện nhưng được bao nhiêu lần thực sự cầu nguyện? Chúng ta rước Chúa mỗi ngày nhưng thực sự bao nhiêu lần trong ngày chúng ta để cho Chúa làm chủ những suy nghĩ và hành động của ta? Những lúc khó khăn như thế, ta hãy phó thác tất cả vào Chúa và sống cuộc đời tin và yêu, chắc chắn Thiên Chúa sẽ làm phần còn lại.

Khởi đi từ đức tin, tiên tri Giêrêmia đã vượt qua được sự thù nghịch trong tâm hồn mà thưa cùng Chúa: “Hãy ca tụng Đức Chúa, hãy ngợi khen Đức Chúa, vì Người đã giải thoát kẻ cơ bần khỏi tay phường hung bạo” (Gr 20,13). Nguyện xin Chúa giúp mỗi người chúng ta biết ý thức tận dụng mọi cơ hội để tìm kiếm Ngài trong những gì là âm thầm và bé nhỏ nhất. Từ đó, chúng ta có thể được lớn lên trong tình yêu của Chúa và tỏa rạng tình yêu đó nơi cuộc sống thường ngày.

[/loichua]

Comments are closed.