[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Mt 1,1-17″]
Đây là gia phả Đức Giê-su Ki-tô, con cháu vua Đa-vít, con cháu tổ phụ Áp-ra-ham:
2 Ông Áp-ra-ham sinh I-xa-ác; I-xa-ác sinh Gia-cóp; Gia-cóp sinh Giu-đa và các anh em ông này;3 Giu-đa ăn ở với Ta-ma sinh Pe-rét và De-rác; Pe-rét sinh Khét-xơ-ron; Khét-xơ-ron sinh A-ram;4 A-ram sinh Am-mi-na-đáp; Am-mi-na-đáp sinh Nác-son; Nác-son sinh Xan-môn;5 Xan-môn lấy Ra-kháp sinh Bô-át; Bô-át lấy Rút sinh Ô-vết; Ô-vết sinh Gie-sê;6 ông Gie-sê sinh Đa-vít.1 Vua Đa-vít lấy vợ ông U-ri-gia sinh Sa-lô-môn7 Sa-lô-môn sinh Rơ-kháp-am; Rơ-kháp-am sinh A-vi-gia; A-vi-gia sinh A-xa;8 A-xa sinh Giơ-hô-sa-phát; Giơ-hô-sa-phát sinh Giô-ram; Giô-ram sinh Út-di-gia;9 Út-di-gia sinh Gio-tham; Gio-tham sinh A-khát; A-khát sinh Khít-ki-gia;10 Khít-ki-gia sinh Mơ-na-se; Mơ-na-se sinh A-môn; A-môn sinh Giô-si-gia;11 Giô-si-gia sinh Giơ-khon-gia và các anh em vua này; kế đó là thời lưu đày ở Ba-by-lon.12 Sau thời lưu đày ở Ba-by-lon, Giơ-khon-gia sinh San-ti-ên; San-ti-ên sinh Dơ-rúp-ba-ven;13 Dơ-rúp-ba-ven sinh A-vi-hút; A-vi-hút sinh En-gia-kim; En-gia-kim sinh A-do;14 A-do sinh Xa-đốc; Xa-đốc sinh A-khin; A-khin sinh Ê-li-hút;15 Ê-li-hút sinh E-la-da; E-la-da sinh Mát-than; Mát-than sinh Gia-cóp;16 Gia-cóp sinh Giu-se, chồng của bà Ma-ri-a, bà là mẹ Đức Giê-su cũng gọi là Đấng Ki-tô.17 Như thế, tính chung lại thì: từ tổ phụ Áp-ra-ham đến vua Đa-vít, là mười bốn đời; từ vua Đa-vít đến thời lưu đày ở Ba-by-lon, là mười bốn đời; và từ thời lưu đày ở Ba-by-lon đến Đức Ki-tô, cũng là mười bốn đời.
[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]
ĐỨC GIÊSU – MỐI TƯƠNG GIAO MỚI GIỮA THIÊN CHÚA VÀ CON NGƯỜI
.
Khởi đầu giai đoạn hai của Mùa Vọng, phụng vụ Lời Chúa cho chúng ta nghe lại bản gia phả của Chúa Giêsu. Qua bản gia phả, chúng ta có thể biết về tính huyết thống cũng như mối liên hệ của từng người trong gia tộc. Và đối với người Do Thái, bản gia phả lại có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Nó xác định tính thuộc về dân riêng của Thiên Chúa. Nếu trong một người nào có sự pha trộn huyết thống ngoại lai, người ấy sẽ mất quyền được bảo vệ, và nhất là mất quyền làm phần tử Dân Thiên Chúa. Thế nhưng, trong Bài Tin Mừng, Thánh sử Matthêu đã mô tả dòng dõi của Chúa Giêsu không chỉ những người Do Thái thuần túy, mà còn có những người được sinh ra bởi người phụ nữ dân ngoại. Theo quan niệm Do Thái, những người đó không còn thuộc dâng riêng của Thiên Chúa và mất đi quyền bảo vệ. Vậy, Thánh sử Matthêu muốn trình bày về điều gì khi đưa ra bản gia phả của Chúa Giêsu với những điểm khác biệt so với truyền thống?
Thánh Matthêu muốn cho chúng ta thấy rằng: Một Thiên Chúa quyền năng đã đi vào lịch sử nhân loại. Nơi Đức Giêsu, Thiên Chúa không còn thinh lặng và xa lạ nhưng trở nên gần gũi với con người, đến nối Thiên Chúa đã sống chung, cùng ăn uống, và thậm chí con người có thể đụng chạm đến Ngài. Điều này đã được Thánh sử Gioan mô tả trong Bài Ca về Ngôi Lời: “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và ở giữa chúng ta, Người đã đến gõ của nhà mình”(Ga1,14). Nơi Đức Giêsu, lời hứa mà Thiên Chúa đã từng nói với tổ phụ Abraham về một đoàn dân động đảo đã được thực hiện. Điểm khác biệt trong gia phả của Chúa Giêsu là lời minh chứng cho thấy Thiên Chúa không chỉ đến với dân riêng của Ngài mà còn mở ra mối tương quan với tất cả nhân loại, dù là người tội lỗi hay thánh thiện. Chúa Giêsu đã chấp nhận trở thành ruột thịt của một nhân loại tội lỗi, đã mang vào mình thân phận và định mệnh chung của loài người để trở nên vận mệnh của chính mình. Người đã phá tung quan niệm biên giới chật hẹp của người Do Thái và mở ra mối tương quan tình yêu với toàn thể nhân loại. Để qua Đức Giêsu, chúng ta không còn sự khác biệt nhưng tất cả đều trở nên những người thân trong gia đình của Người.
Sứ điệp Lời Chúa cũng là lời mời gọi mỗi người chúng ta: Ra khỏi vùng an toàn của bản thân để đến với tha nhân. Họ là những người đang sống xung quanh chúng ta; những người đang gặp khó khăn và khổ đau. Cuộc sống ngày nay đề cao sự cống hiến cá nhân đang khiến con người dần trở nên xa lạ giữa nơi mà mình đang sống. Sự an toàn của bản thân đang làm trái tim của nhiều người bị đóng băng và khép lại trước những đau khổ của tha nhân. Là những người đang bước theo Chúa Giêsu để trở nên sứ giả của Người, chúng ta được mời gọi phá vỡ lớp băng đang bao phủ nơi trái tim bởi những ích kỷ và hận thù để có một trái tim biết yêu thường, hầu có thể mang tình yêu đến với những nơi đang oán hờn, mang an bình vào nơi tranh chấp và đem chân lý đến chốn lỗi lầm.
Xin Chúa ban cho mỗi người chúng ta ơn can đảm để chúng ta dám ra khỏi chính mình mở lòng ra với Thiên Chúa và những người xung quanh, qua đó biết đón nhận và tôn trọng nhau trong cuộc sống, hầu mỗi ngày chúng ta trở nên những sứ giả mang Tin Vui Cứu Độ đến với mọi người.
[/loichua]