Thứ Sáu Tuần I Mùa Chay – Ngày 26-02-2021

[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Mt 5, 20-26″]

Khi ấy, Chúa Giê-su phán cùng các môn đệ rằng : “Nếu các con không công chính hơn các luật sĩ và biệt phái, thì các con chẳng được vào Nước Trời đâu”. Các con đã nghe dạy người xưa rằng : “Không được giết người. Ai giết người, sẽ bị luận phạt nơi toà án”. Còn Ta, Ta bảo các con: “Bất cứ ai phẫn nộ với anh em mình, thì sẽ bị toà án luận phạt. Ai bảo anh em là ‘ngốc’, thì bị phạt trước công nghị. Ai rủa anh em là ‘khùng’, thì sẽ bị vạ lửa địa ngục”. Nếu con đang dâng của lễ nơi bàn thờ mà sực nhớ người anh em đang có điều bất bình với con, thì con hãy để của lễ lại trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em con trước đã, rồi hãy trở lại dâng của lễ. Hãy liệu làm hoà với kẻ thù ngay lúc còn đi dọc đường với nó, kẻo kẻ thù sẽ đưa con ra trước mặt quan toà, quan toà lại trao con cho tên lính canh và con sẽ bị tống ngục. Ta bảo thật cho con biết : “con sẽ không thoát khỏi nơi ấy cho đến khi trả hết đồng bạc cuối cùng”.

 

[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]

LÀM HOÀ VỚI THA NHÂN

“Nếu con đang dâng của lễ nơi bàn thờ mà sực nhớ người anh em đang có điều bất bình với con, thì con hãy để của lễ lại trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em con trước đã, rồi hãy trở lại dâng của lễ” (Mt 5, 24)

Lỗi lầm là điều ai cũng vấp phải và nó luôn gắn liền với thân phận con người. Tuy thế, thực tế cho thấy rằng phạm lỗi và nhận lỗi không đi liền với nhau. Có rất nhiều người biết mình phạm lỗi nhưng lại không dám xin lỗi hay không dám nhận lỗi đó, mà lại đổ thừa cho người khác. Đây có phải là điều Chúa muốn nơi những người Kitô hữu không?

Kinh thánh cung cấp cho chúng ta một câu trả lời về vấn đề này. Đặc biệt, trong Bài Tin Mừng hôm nay, Chúa muốn chúng ta phải can đảm nhận chính lỗi lầm của mình để rồi làm hoà với anh em. Việc làm hoà này còn quý trọng hơn cả của lễ: “con hãy để của lễ lại trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em con trước đã, rồi hãy trở lại dâng của lễ”. Nói cách khác, thái độ đối với tha nhân quyết định giá trị của việc thờ phượng Thiên Chúa. Người ta dễ quan tâm đến bổn phận thờ phượng Thiên Chúa, mà lơ là bổn phận tha thứ và yêu thương đối với tha nhân. Theo luật của người Do Thái, nếu trước khi dâng lễ, họ cảm thấy mình nhơ uế (X. Lv 15,27) thì họ phải thanh tẩy trước đã. Ở đây, Chúa cũng đòi hỏi người Kitô hữu một phản ứng như vậy, nếu trước khi dâng lễ họ nhớ mình đang ở trong tình trạng bất hoà với tha nhân. Việc chia cắt với tha nhân do sự giận ghét, làm cản trở sự giao hoà với Thiên Chúa. Vì thế, muốn dâng của lễ lên Thiên Chúa, cần phải gạt bỏ mọi ngăn cách với tha nhân để được thông hiệp với Thiên Chúa. Việc làm hoà này có tính cách cấp bách, và phải làm ngay: trong khi đi đường đến quan toà, nghĩa là trong thời gian sống ở trần gian để chờ ngày Chúa đến trong giờ chết. Bởi vì việc bất hoà với tha nhân được coi như một món nợ phải đền cách trọn vẹn đầy đủ đến đồng bạc cuối cùng.

Mùa chay mời gọi mỗi người chúng ta hãy nhìn vào chính con người của mình để nhận ra những thiếu sót yếu đuối nơi mình để từ đó sửa đổi chính con người của mình. Để làm được điều này, mỗi người cần tránh để mình buông theo tính nóng giận, chửi bới, thù hằn thay vào đó là một sống hiền hoà, có lòng thương xót và sống hoà thuận. Đồng thời, mỗi người được mời gọi hãy thi hành lời Chúa dạy trong Kinh lạy Cha đó là tha thứ cho anh em mình như chính Chúa cũng tha thứ cho mình. Tha thứ là điều kiện để được hiệp thông với Thiên Chúa. Do đó, trong Phụng Vụ Thánh lễ, để xứng đáng cử hành và tham dự, nhất là để được hiệp lễ, Hội Thánh đòi hỏi chúng ta phải sám hối và tha thứ cho nhau.

Giữa một xã hội mà con người dường như dửng dưng với tôn giáo và xem thường tội lỗi, xin cho mỗi người chúng ta biết quay trở lại làm hoà cùng Chúa và tha nhân để mùa Chay này mỗi người sống thánh thiện và gần Chúa hơn.

[/loichua]

Comments are closed.