[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Lc 21,29-33″]
Khi ấy, Chúa Giê-su phán cùng các môn đệ thí dụ này rằng : “Các con hãy xem cây vả và mọi thứ cây cối. Khi chúng đâm chồi nảy lộc, thì các con biết rằng mùa hè đã gần đến. Cũng thế, khi các con xem thấy những sự đó xảy ra, thì hãy biết rằng nước Thiên Chúa đã gần đến. Thầy bảo thật các con, thế hệ này sẽ chẳng qua đi cho đến khi mọi sự ấy xảy đến. Trời đất sẽ qua đi, nhưng lời Thầy nói sẽ chẳng qua đâu”.
[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]
SỨC MẠNH THIÊN CHÚA TRONG SỰ YẾU HÈN CON NGƯỜI
“Khi các con xem thấy những sự đó xảy ra, thì hãy biết rằng nước Thiên Chúa đã gần đến”
Hành trình cuối Năm Phụng vụ, Mẹ Hội Thánh nhắc nhở con cái mình hãy tỉnh thức và mong chờ ngày Chúa Giêsu lại đến trong vinh quang. Phụng vụ Lời Chúa trong những ngày qua cho thấy nhiều điềm báo của ngày cánh chung: đó là biến chuyển của trời đất, bệnh tật, ôn dịch, những cuộc bách hại và xuất hiện những kẻ giả danh xuyên tạc đức tin. Những sự kiện đó đang xảy ra với thế hệ chúng ta và với bản thân mỗi người. Do đó, Lời Chúa mời gọi mỗi người “cứ kiên nhẫn lúc gặp gian truân, và chuyên cần cầu nguyện” (Rm 12,12), vì sức mạnh của Thiên Chúa luôn phù trợ chúng ta.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu khẳng định: khi những điềm thiêng dấu lạ xảy ra là dấu hiệu Nước Thiên Chúa đang đến (x.Lc 21,31). Cũng như khi cây đâm chồi nẩy lộc, báo hiệu của sự sống, thì khi xuất hiện những thử thách, là lúc Thiên Chúa biểu dương sức mạnh. Tiên tri Giôen cũng đã tiên báo về điềm lạ trong Israel: “Từ Sion Đức Chúa gầm lên, từ Giêrusalem tiếng Người vang dội, trời và đất chuyển rung” (Ge 4,16). Trong những ngày ấy “núi non sẽ tiết ra nước nho, đồi nương sẽ chảy sữa tràn trề, từ mọi khe suối Giuđa, nước sẽ tuôn trào cuồn cuộn” (Ge 4,18). Chúa Giêsu khai mở Nước Thiên Chúa, khơi nguồn sức mạnh của Thiên Chúa tuôn chảy giữa nhân loại. Qua lời nói và việc làm, Chúa Giêsu tỏ lộ sức mạnh của Thiên Chúa trong thân phận con người nghèo hèn, khiêm hạ. Người chiến thắng những thử thách của ma quỷ, chữa lành bệnh tật, và cho kẻ chết sống lại. Đặc biệt, qua cái chết và sự phục sinh, Chúa Giêsu biểu dương sức mạnh của Thiên Chúa và cho thấy sự chết chẳng có quyền chi trên Người. Quả thật, những thử thách càng lớn lao, sức mạnh của Thiên Chúa càng được biểu dương trong những điều nhỏ bé, tầm thường.
Đời sống con người phải chịu những thử thách về thể xác cũng như tinh thần. Thân phận con người dường như mong manh giữa đất trời khi những thiên tai bất chợt ập đến. Con người thấy mình càng bé nhỏ hơn bởi sự đe dọa của những virus dịch bệnh bé xíu. Xã hội còn đó những trào lưu lệch lạc như chiếc lồng chực sẵn nhốt kín linh hồn, như nấm mồ chôn vùi nhân cách. Đời sống con người dễ lạc vào mê cung ảo tưởng, an vị trong pháo đài hưởng thụ và rơi vào vực sâu thất vọng. Hơn nữa, niềm tin của tín hữu đang lung lay trước những tiếng thét gào mỉa mai: Thiên Chúa của bạn ở đâu trong những khốn khó? Chúng ta không chạy trốn thử thách, nhưng là đối diện với thử thách nhờ sức mạnh của Chúa. Sức mạnh của Người có thể chuyển núi dời non khi chúng ta có niềm tin vào Thiên Chúa nhỏ bé như hạt cải. Trong mọi thử thách, ơn Chúa luôn đủ cho chúng ta, để mỗi người có thể khôn ngoan nhận diện những sai trái, và đủ sức để chống cự. Đi qua những thử thách, mỗi người được thanh luyện trở nên đền thờ xinh đẹp lỗng lẫy, “chỉnh tề đón chờ Đức Lang Quân” (Kh 21,2).
Nguyện xin Thiên Chúa được ban sức mạnh của Người trên sự yếu đuối của chúng ta, như lời Thánh Phaolô tông đã nói: “tôi cảm thấy vui sướng khi mình yếu đuối, khi bị sỉ nhục, hoạn nạn, bắt bớ, ngặt nghèo vì Đức Kitô. Vì khi tôi yếu, chính là lúc tôi mạnh” (1Cr 12,10). Xin Chúa nâng đỡ đức tin còn yếu kém của chúng ta, để có thể đứng vững trước những thử thách của thế gian.
[/loichua]