[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Mt 9, 14-15″]
Bấy giờ, các môn đệ ông Gio-an tiến lại hỏi Đức Giê-su rằng: “Tại sao chúng tôi và các người Pha-ri-sêu ăn chay, mà môn đệ ông lại không ăn chay?” Đức Giê-su trả lời: “Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể than khóc, khi chàng rể còn ở với họ? Nhưng khi tới ngày chàng rể bị đem đi rồi, bấy giờ họ mới ăn chay”.
[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]
CHAY TỊNH CHỜ ĐÓN CHÚA ĐẾN
“Đức Giê-su trả lời: Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể than khóc, khi chàng rể còn ở với họ? Nhưng khi tới ngày chàng rể bị đem đi rồi, bấy giờ họ mới ăn chay” (Mt 9, 15).
Ăn chay mang lại cho ta rất nhiều lợi ích về thể xác lẫn tinh thần. Khi ăn chay, ta có thể bớt đi một khẩu phần, qua đó dư ra một số tiền để thực thi việc bác ái. Ăn chay cũng giúp ta hãm dẹp thói mê ăn uống và giúp ta dễ dàng cảm thông cho những người đang thực sự đói khát. Theo nhãn quan Kitô giáo, ăn chay giúp ta biết khổ chế và thống hối để chuẩn bị cho chúng ta mừng các lễ phụng vụ, và giúp chúng ta làm chủ các bản năng và đạt tới sự tự do đích thực (x. GLHTCG, số 2043).
Tin mừng hôm nay thuật lại việc các môn đệ của Gioan Tẩy Giả chất vấn Đức Giêsu về việc các môn đệ của Người không ăn chay. Đức Giêsu trả lời: “Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể than khóc, khi chàng rể còn ở với họ?” (Mt 9, 15). Chúa Giêsu ví mình như chàng rể, và các môn đệ của Ngài là bạn bè đang dự tiệc cưới với tân lang. Như thế, Chúa đã đến – Đấng cứu thế đã đến, Ngài là tân lang của thời đại hân hoan, niềm vui. Chính vì vậy mà các môn đệ của Chúa Giêsu không phải giữ chay. Cho nên khóc lóc, tang chế, ủ dột, sầu khổ là không hợp thời và không đúng lúc. Việc ăn chay là để chờ đón Chúa đến, nhưng Chúa Giêsu đang hiện diện giữa họ rồi nên không có lý do gì để ăn chay nữa. Vậy khi nào mới ăn chay? Đức Giêsu nói tiếp: “Nhưng khi tới ngày chàng rể bị đem đi rồi, bấy giờ họ mới ăn chay” (Mt 9, 15). Câu nói này nhắm đến thời gian khi Đức Giêsu không còn ở với các môn đệ cách hữu hình nữa, lúc này đây các môn đệ sẽ ăn chay.
Truyền thống Kinh Thánh quan niệm rằng ăn chay mang ý nghĩa chờ đợi ngày Chúa đến. Chúa đã đến và Ngài đã lên trời, Ngài cũng hứa sẽ trở lại vào ngày sau hết. Giáo hội mời gọi chúng ta ăn chay mỗi thứ sáu hàng tuần nếu có thể, và giữ chay hai ngày trong năm đó là thứ tư lễ tro và thứ sáu tuần thánh. Mục đích ăn chay là mong chờ Chúa đến, và thực hành bác ái với tha nhân. Khi ta biết bớt đi những khuynh hướng thỏa mãn vật chất, ta sẽ có thể hướng lòng mình tới những thực tại thiêng liêng. Khi bớt đi một vài nhu cầu vì lòng mến Chúa, ta đã đặt Chúa ở vị trí cao nhất của bậc thang giá trị. Nếu ăn chay mà vẫn nói xấu nhau, lừa dối, lạm dụng nhau thì ta khác chi ăn chay kiểu giả hình. Mặc áo thô, tỏ vẻ u buồn cho người khác thấy. Đây chỉ là thứ ăn chay kiểu mong muốn người khác khen ngợi mình. Ăn chay như vậy chẳng mang lại lợi ích gì. Nói đúng hơn, ăn chay phải là nghĩ tốt và nói tốt về nhau, giúp nhau sửa trị tật xấu, chia cơm sẻ bánh cho người nghèo khổ, tiếp rước kẻ không nhà và cho kẻ rách rưới ăn mặc.
Xin Chúa cho ta hiểu được giá trị đích thực của việc ăn chay và cố gắng thể hiện trong mùa Chay Thánh này.
[/loichua]