[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Mt 9, 14-15″]
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mátthêu:
Khi ấy, Chúa Giêsu sang miền Gêsarênô, các môn đệ Gioan đến gặp Người mà hỏi: “Tại sao chúng tôi và những người biệt phái thì giữ chay, còn môn đệ của Ngài lại không ?” Chúa Giêsu nói với họ: “Làm sao các khách dự tiệc cưới có thể buồn rầu khi tân lang đang còn ở với họ ? Rồi sẽ có ngày tân lang ra đi, bấy giờ họ mới giữ chay”.
[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]
MỤC ĐÍCH ĂN CHAY
“Rồi sẽ có ngày tân lang ra đi, bấy giờ họ mới giữ chay” (Mt 9,15).
Ăn chay là một cách tiết chế về ăn uống. Việc ăn chay có nhiều hình thức khác nhau tuỳ theo truyền thống của từng tôn giáo. Trong Do Thái giáo, người ta ăn chay để ăn năn và xin ơn tha thứ, hay để xin một ơn đặc biệt nào đó. Người ta ăn chay còn để chuẩn bị thi hành một sứ mạng.
Qua bài Tin Mừng vừa nghe, thánh Mátthêu thuật lại chuyện các môn đệ của ông Gioan Tẩy Giả đến gặp Chúa Giêsu để nói về việc ăn chay. Không chỉ những người Pharisêu khó chịu trước hành động của Chúa Giêsu mà các môn đệ của Gioan cũng đến thắc mắc với Người. Các ông thắc mắc tại sao Chúa Giêsu và các môn đệ của Người lại không ăn chay. Đáp lại câu hỏi đó, Chúa Giêsu đã trả lời họ: “Làm sao các khách dự tiệc cưới có thể buồn rầu khi tân lang đang còn ở với họ?” (Mt 9,15). Chúa Giêsu đã dùng một hình ảnh rất quen thuộc để các ông có thể hiểu. Không ai có thể than khóc trong lúc ngập tràn niềm vui cùng với chàng rể nơi tiệc cưới. Và các môn đệ của Chúa Giêsu cũng vậy, họ không thể ăn chay khi họ đang ở với chàng rể. Chàng rể đó chính là Chúa Giêsu. Họ không thể than khóc, đau khổ khi Chúa đang ở với họ. Các môn đệ Chúa Giêsu đang thật hạnh phúc khi được Chúa Giêsu là nguồn mạch niềm vui hiện diện sống động trong cuộc đời của họ, dù có những lúc các ông chưa thể cảm nghiệm được. Chính Chúa Giêsu cũng đã khẳng định con người không thể buồn sầu hay thất vọng khi Người đang ở cùng họ.
Chúa Giêsu không huỷ bỏ việc ăn chay, nhưng Ngài hoàn tất mục đích của việc ăn chay là hướng đến việc gặp gỡ và kết hợp với Chúa. Việc ăn chay không chỉ dừng lại là một việc bổn phận đạo đức, có tính ép buộc và thường hay qui hướng về mình nhưng là một hành vi hướng về Thiên Chúa. Việc ăn chay là dấu chỉ của tâm hồn sám hối, sẵn sàng cho một đời sống mới để gặp gỡ Chúa, một đời sống hiệp thông bền chặt hơn với Chúa.
Ngày nay, nhiều người xem thường việc ăn chay, hoặc giới hạn nó chỉ trong hai ngày, thứ Tư lễ Tro và thứ Sáu Tuần Thánh, với những thực hành chỉ cho có lệ. Để đẹp lòng Thiên Chúa, việc ăn chay phải dẫn con người đến ước muốn giao hòa và sống thân tình với Chúa và mọi người. Vì thế, Giáo Hội tha thiết mời gọi chúng ta tiết chế trong ăn uống để tâm hồn được thanh thoát, siêng năng tham dự các bí tích, cầu nguyện và làm việc bác ái.
Lạy Chúa, Chúng con xin Chúa ban cho chúng con một tinh thần mới, một sức sống mới để tâm hồn mỗi người luôn biết hướng về Chúa và biết nghĩ về những người nghèo khổ. Qua đó giúp chúng con thêm yêu mến và phục vụ Chúa bây giờ và mãi mãi. Amen.
[/loichua]