[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Mt 1,1-16.18-23″]
Đây là gia phả Đức Giêsu Kitô, con cháu vua David, con cháu tổ phụ Abraham: Ông Abraham sinh Isaac; Isaac sinh Giacop; Giacop sinh Giuđa và các anh em ông này; Giuđa ăn ở với Tama sinh Phares và Zara; Phares sinh Esrom; Esrom sinh Aram; Aram sinh Amminadab; Amminadab sinh Naasson; Naasson sinh Salmon; Salmon lấy Rahab sinh Booz; Booz lấy Rút sinh Giobed; Giobed sinh Giêsê; ông Giêsê sinh David.1 Vua David lấy vợ ông Uria sinh Salomon Salomon sinh Roboam; Roboam sinh Abia; Abia sinh Asa; Asa sinh Giosaphát; Giosaphát sinh Gioram; Gioram sinh Ozia; Ozia sinh Gioatham; Gioatham sinh Achaz; Achaz sinh Ezekiel; Ezekiel sinh Manasse; Manasse sinh Amos; Amos sinh Giosia; Giosia sinh Giêconia và các anh em vua này; kế đó là thời lưu đày ở Babylon. Sau thời lưu đày ở Babylon, Giơkhongia sinh Santiên; Santiên sinh Dơrúpbaven; Dơrúpbaven sinh Avihút; Avihút sinh Engiakim; Engiakim sinh Ado; Ado sinh Xađốc; Xađốc sinh Akhin; Akhin sinh Êlihút; Êlihút sinh Elada; Elada sinh Mátthan; Mátthan sinh Giacop; Giacop sinh Giuse, chồng của bà Maria, bà là mẹ Đức Giêsu cũng gọi là Đấng Kitô. Sau đây là gốc tích Đức Giêsu Kitô: bà Maria, mẹ Người, đã thành hôn với ông Giuse. Nhưng trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần. Ông Giuse, chồng bà, là người công chính và không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo. Ông đang toan tính như vậy, thì kìa sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng: “Này ông Giuse, con cháu David, đừng ngại đón bà Maria vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ”. Tất cả sự việc này đã xảy ra, là để ứng nghiệm lời xưa kia Chúa phán qua miệng ngôn sứ: Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Emmanuel, nghĩa là “Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta”. Khi tỉnh giấc, ông Giuse làm như sứ thần Chúa dạy và đón vợ về nhà. Ông không ăn ở với bà, cho đến khi bà sinh một con trai, và ông đặt tên cho con trẻ là Giêsu.
[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]
ĐỨC MARIA – MẪU GƯƠNG CỦA SỰ HIỆP THÔNG
“Này ông Giuse, là con vua Đavit, đừng ngại đón bà Maria vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần” (Mt 1,20).
Niềm hạnh phúc của con người là hiện diện trên mặt đất này. Do vậy, ngày sinh đánh dấu sự khởi đầu cho một hành trình duy nhất và trọn vẹn trong cuộc sống. Đức Maria cũng vậy, ngày mà Mẹ cất tiếng khóc trào đời cũng là thời điểm Đấng Tạo Hóa bắt đầu xây cho Mẹ một cung điện, để rồi một thụ tạo trở nên nơi cư ngụ của Vua muôn Vua – Chúa các Chúa. Mẹ thật diễm phúc vì được hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa. Nhân dịp ngày lễ mừng kính sinh nhật Mẹ Maria hôm nay, ta cùng nhìn lại sự hiệp thông nơi Mẹ.
Mẹ hiệp thông qua việc vâng lời Thiên Chúa để cưu mang Đức Giêsu, Con Thiên Chúa và là Đấng cứu độ trần gian. Sự hiệp thông của Mẹ biểu lộ một đức tin vững vàng, đức cậy sâu sắc và đức mến nồng nàn dành cho Thiên Chúa. Thật vậy, một người con gái “không biết đến chuyện vợ chồng” (Lc 1, 34) chấp nhận mang trong mình một mầm sống, dẫu biết rằng sẽ chịu nhiều lao tâm khổ xác, nhưng Mẹ vẫn một lòng hiệp thông trong công cuộc cứu chuộc, vì Mẹ xác tín rằng ai thực thi lời Thiên Chúa sẽ không phải hổ ngươi. Sự việc xảy ra đúng như thế, Thiên Thần đến báo mộng cho thánh Giuse: “Này ông Giuse, là con vua Đavit, đừng ngại đón bà Maria vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần” (Mt 1, 20). Không chỉ hiệp thông với Thiên Chúa, Mẹ Maria còn hiệp thông với những người sống xung quanh. Nơi tiệc cưới Cana, với mắt quan sát tinh tế và trí dự đoán về những điều sẽ xảy ra, Mẹ đã thưa cùng Chúa Giêsu: “Họ hết rượu rồi” (Ga 2,3). Trước lời nói của Mẹ, Chúa Giêsu đã làm phép lạ để tiệc cưới nên trọn hảo. Cũng như thế, khi biết người chị họ Êlisabet đang mang thai, Mẹ Maria liền tức khắc lên đường đến với bà, để chăm sóc và chia sẻ niềm vui. Mẹ cũng luôn hiệp thông những biến cố quan trọng của Giáo hội như đứng dưới chân thập giá Chúa Giêsu; hay khi Mẹ cùng các Tông đồ cầu nguyện chờ đón Chúa Thánh Thần… Tất cả những điều trên nói lên một sự hiệp thông trọn vẹn của Mẹ và chúng ta tin chắc rằng, nay ở trên thiên đàng Mẹ vẫn luôn giữ mối hiệp thông đó với mọi người, qua việc cầu thay nguyện giúp cho đoàn con.
Xin Chúa cho chúng con qua lời cầu bầu của Mẹ Maria, biết học hỏi những đức tính nơi Mẹ, để sống hiệp thông, phục vụ Chúa và tha nhân. Amen.
[/loichua]