Thứ Năm tuần VII Phục Sinh – Ngày 25/5/2023

[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Ga 17, 20 – 26″]

“Con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con, để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta. Như vậy, thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai con. Phần con, con đã ban cho họ vinh quang mà Cha đã ban cho con, để họ được nên một như chúng ta là một: Con ở trong họ và Cha ở trong con, để họ được hoàn toàn nên một; như vậy, thế gian sẽ nhận biết là chính Cha đã sai con và đã yêu thương họ như đã yêu thương con. Lạy Cha, con muốn rằng con ở đâu, thì những người Cha đã ban cho con cũng ở đó với con, để họ chiêm ngưỡng vinh quang của con, vinh quang mà Cha đã ban cho con, vì Cha đã yêu thương con trước khi thế gian được tạo thành. Lạy Cha là Đấng công chính, thế gian đã không biết Cha, nhưng con, con đã biết Cha, và những người này đã biết là chính Cha đã sai con. Con đã cho họ biết danh Cha, và sẽ còn cho họ biết nữa, để tình Cha đã yêu thương con, ở trong họ, và con cũng ở trong họ nữa.”

 

[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]

NÊN MỘT TRONG CHÚA KITÔ

“Xin cho họ nên một như Cha ở trong con và con ở trong Cha” (Ga 17, 21).

Chuyện xưa kể rằng: một ông bố muốn giáo dục con cái về sự đoàn kết, yêu thương nhau, vì thế, ông đã đưa cho các con một bó đũa và bảo các con bẻ thử, mấy người con cố gắng cũng không sao bẻ gẫy bó đũa. Sau đó, ông lại bảo: hãy tháo bó đũa ra và bẻ từng cái và thế là bó đũa bị bẻ gẫy một cách dễ dàng. Lúc đó, người cha mới giải thích: “các con đều thấy rằng chia lẻ ra thì yếu, hợp lại thì mạnh. Vậy các con phải biết thương yêu, đùm bọc lẫn nhau. Có đoàn kết thì mới có sức mạnh; đoàn kết thì sống, chia rẽ là chết”.

Trích đoạn Tin Mừng mà cộng đoàn vừa nghe, thánh sử Gioan ghi lại những lời cầu nguyện của Chúa Giêsu lên Chúa Cha: “Lạy Cha, Con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào Con, để tất cả nên một, như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta” (Ga17,20-21). Tại sao Chúa Giêsu lại cầu nguyện cho mọi người được hiệp nhất nên một với nhau? Khởi đầu sứ vụ rao giảng Tin Mừng, Đức Giêsu đã tuyển chọn các môn đệ từ nhiều vùng miền khác nhau. Vì thế, Ngài không những biết rõ hoàn cảnh gia đình nhưng Ngài còn am hiểu tính cách, phương thức làm việc, môi trường văn hoá mà mỗi người được hấp thụ và lớn lên. Chính sự khác biệt vùng miền này có thể là nguyên nhân dẫn đến những sự bất hoà, chia rẽ trong cộng đoàn. Hơn ai hết, Đức Giêsu hiểu được tầm quan trọng của sự hiệp nhất giữa mọi người với nhau. Bởi lẽ, chỉ có hiệp nhất thì mới có được mối tương quan đích thực, có sự cảm thông; mới có thể xây dựng được đời sống cộng đoàn yêu thương, như lời Chúa Giêusu đã nói: “Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ Thầy ở điểm này là: anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13,35). Trái lại, nếu không có sự hiệp nhất thì cộng đoàn sẽ tan rã và sứ mạng Chúa trao phó khó mà thực hiện. Đó là lý do khiến Chúa Giêsu cầu nguyện: “Xin cho họ nên một như Cha ở trong con và con ở trong Cha” (Ga 17, 21).

Nếu ai đã từng đến thăm vườn hoa Đà Lạt, chúng ta sẽ thấy rằng: trong vườn hoa ấy không chỉ có một loài hoa mà có rất nhiều loài hoa khác nhau. Mỗi loài hoa có một màu sắc, hình dạng và đặt ở những vị trí khác nhau. Chính sự khác nhau trong cái tổng thể này làm cho vườn hoa thêm sinh động, hấp dẫn khách du lịch đến tham quan. Cũng vậy, sự hiệp nhất mà Chúa Giêsu mong muốn không phải là đồng hoá người khác để trở thành bản sao của nhau nhưng là sự hiệp nhất trong sự khác biệt. Sự khác biệt này không xóa bỏ đi những nét phong phú riêng biệt của từng người, hay những nét đặc sắc văn hoá của vùng miền, nhưng trên hết là biết tôn trọng những sự khác biệt chính đáng. Khi nói về sự khác biệt này, thánh Phaolô đã dùng hình ảnh các bộ phận của một thân thể để nói về sự hiệp nhất của Giáo hội trong sự đa dạng, bổ túc và liên đới với nhau. Thân thể có nhiều chi thể như: chân, tay, mắt, mũi, miệng…mỗi bộ phận có một chức năng riêng biệt nhưng tất cả các chi thể phối hợp nhịp nhàng với nhau để làm cho thân thể được lớn mạnh, đồng thời liên đới chịu trách nhiệm về sự lớn mạnh ấy, vì “nếu bộ phận nào đau, thì mọi bộ phận cùng đau, Nếu bộ phận nào được vẻ vang, thì mọi bộ phận cũng vui chung” (x.1Cr 12, 12-30). Trong cộng đoàn cũng vậy, mỗi người một cá tính, một lối suy nghĩ và cách làm việc khác nhau, nhưng tất cả đều là chi thể của Giáo Hội. Chính sự độc đáo, tài năng và đặc sủng của mỗi người là quà tặng giúp cộng đoàn phát triển. Ước mong sao qua Lời Chúa hôm nay, xin Chúa cho chúng ta biết thể hiện tinh thần hiệp nhất với nhau bằng cách chung tay cộng tác với nhau trong những việc chung, hầu xây dựng cộng đoàn trở thành nơi tràn đầy tình yêu thương và bác ái.

.

[/loichua]

Comments are closed.