[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Lc 16,19-31″]
19 Có một ông nhà giàu kia, mặc toàn lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình.20 Lại có một người nghèo khó tên là La-da-rô, mụn nhọt đầy mình, nằm trước cổng ông nhà giàu,21 thèm được những thứ trên bàn ăn của ông ấy rớt xuống mà ăn cho no. Lại thêm mấy con chó cứ đến liếm ghẻ chốc anh ta.22 Thế rồi người nghèo này chết, và được thiên thần đem vào lòng ông Áp-ra-ham. Ông nhà giàu cũng chết, và người ta đem chôn.
23 Dưới âm phủ, đang khi chịu cực hình, ông ta ngước mắt lên, thấy tổ phụ Áp-ra-ham ở tận đàng xa, và thấy anh La-da-rô trong lòng tổ phụ.24 Bấy giờ ông ta kêu lên: Lạy tổ phụ Áp-ra-ham, xin thương xót con, và sai anh La-da-rô nhúng đầu ngón tay vào nước, nhỏ trên lưỡi con cho mát; vì ở đây con bị lửa thiêu đốt khổ lắm!25 Ông Áp-ra-ham đáp: Con ơi, hãy nhớ lại: suốt đời con, con đã nhận phần phước của con rồi; còn La-da-rô suốt một đời chịu toàn những bất hạnh. Bây giờ, La-da-rô được an ủi nơi đây, còn con thì phải chịu khốn khổ.26 Hơn nữa, giữa chúng ta đây và các con đã có một vực thẳm lớn, đến nỗi bên này muốn qua bên các con cũng không được, mà bên đó có qua bên chúng ta đây cũng không được.
27 Ông nhà giàu nói: Lạy tổ phụ, vậy thì con xin tổ phụ sai anh La-da-rô đến nhà cha con,28 vì con hiện còn năm người anh em nữa. Xin sai anh đến cảnh cáo họ, kẻo họ lại cũng sa vào chốn cực hình này!29 Ông Áp-ra-ham đáp: Chúng đã có Mô-sê và các Ngôn Sứ, thì chúng cứ nghe lời các vị đó.30 Ông nhà giàu nói: Thưa tổ phụ Áp-ra-ham, họ không chịu nghe đâu, nhưng nếu có người từ cõi chết đến với họ, thì họ sẽ ăn năn sám hối.31 Ông Áp-ra-ham đáp: “Mô-sê và các Ngôn Sứ mà họ còn chẳng chịu nghe, thì người chết có sống lại, họ cũng chẳng chịu tin.”
[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]
MỞ LÒNG TRƯỚC LỜI CỦA CHÚA
“Chúng đã có Mô-sê và các Ngôn Sứ, thì chúng cứ nghe lời các vị đó” (Lc 16, 29)
Dụ ngôn “kẻ phú hộ và người nghèo Lazarô” thật khá quen thuộc đối với chúng ta. Qua dụ ngôn, chúng ta học được một số bài học luân lý trong cuộc sống, chẳng hạn về sự giàu nghèo, đức công bằng, lòng bác ái,… giữa người với nhau. Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở tựa đề này, có lẽ là sự thiếu xót khá lớn khi toàn bộ dụ ngôn tập trung xoay quanh cuộc đối đáp giữa Apraham và người phú hộ. Hơn nữa, kết thúc trình thuật lại nhắc nhớ về Môsê và các ngôn sứ, những nhân vật nổi trội trong thời Cựu ước. Vì thế, trình thuật Tin Mừng như là lời mời gọi, nới rộng tầm nhìn của chúng ta về những giá trị căn bản của cuộc sống, và tất cả phải được đặt trên nền tảng của lời Chúa.
Người ăn mày xuất hiện ngay ở đầu dụ ngôn với cái tên là “Lazarô”. Trong khi, người phú hộ lại không có bất cứ một tên riêng nào xác định. Thêm vào đó, tác giả Tin Mừng đặt người Lazarô nghèo trước cửa nhà của tên phú hộ. Điều này không chỉ tạo ra một khoảng cách mà còn đẩy họ đến chỗ “chẳng có gì ăn nhập” với nhau. Thế nhưng, trong cái chết, họ đã gặp nhau và gặp Apraham. Lúc này đây, sự thật được phơi bày và xảy ra sự nghịch đảo giữa hai thân phận: người giàu được người đời đem chôn dưới ba tấc đất, trong khi đó, Lazarô được các thiên thần đem vào dự tiệc trong lòng Apraham. Tới đây, chúng ta vẫn chưa thể hiểu nguyên dẫn đến hậu kết bi thương của người phú hộ. Nếu chỉ dựa trên lời của Apraham, thì chẳng lẽ đời này được phúc lành lại là cớ để con người phải chịu đau khổ đời sau? Điều đó sẽ trở nên hết sức vô lý nếu chúng ta không lần đến những may mối trong sách Đệ Nhị Luật chương 15: “Thiên Chúa sẽ chúc phúc cho anh em, nếu giữa anh em có một người anh em nghèo, thì anh em đừng có lòng chai dạ đá, cũng đừng bo bo giữ của không giúp, mà phải mở rộng tay, và cho họ vay mượn tất cả những gì họ thiếu.” (15,6a.7-8). Dựa vào điểm này, chúng ta nhận thấy người phú hộ không do sự giàu có mà mang tội, nhưng chính là vì ông đã để cho của cải và thú vui làm mờ mắt mình, khiến ông dửng dưng với người bên cạnh. Vì thế, ông đánh mất Lời Chúc Phúc từ Thiên Chúa.
Hơn nữa, cụm từ “lòng chai dạ đá” sách Đệ Nhị Luật vừa nhắc tới không chỉ là thái độ đóng kín đối với tha nhân, mà nó đã trở thành thuật ngữ Kinh Thánh quen dùng để ám chỉ thái độ chối từ lời Chúa. Điều này cũng thật trùng hợp với lời của Apraham trong dụ ngôn: “Môsê và các ngôn sứ mà họ còn chẳng chịu nghe, thì người chết có sống lại, họ cũng chẳng chịu tin” (15,31). Phải chăng “lòng chai dạ đá” đối với lời Chúa là nguyên nhân sâu xa dẫn đến “lòng chai dạ đá” đối với tha nhân? Đây chính là nút thắt quý giá xuyên suốt trong Tin Mừng Luca: khi đứng trước lời của Chúa Giêsu, hầu như những biệt phái và kinh sư luôn lầm bầm, xầm xì, biện minh, cười nhạo, thậm chí là gào thét,… chủ ý chỉ để lấn át âm vang lời Chúa đang xoáy sâu vào tâm hồn và cuộc sống của họ. Cho nên, những người này chẳng bao giờ có được bình an thật, thay vào đó tâm hồn họ đầy dẫy mọi thứ ồn ào trống rỗng, cần được san lấp bởi đủ điều vô bổ của trần gian mà dụ ngôn đã tinh tế khi đặt chúng dưới hình ảnh: “ngày ngày yến tiệc linh đình”. Đó cũng chính là lời cảnh báo dành cho mọi Kitô hữu ngày hôm nay.
Thư Do Thái có một câu nổi tiếng như sau: “Lời Thiên Chúa sống động và linh hoạt, sắc bén hơn mọi thứ gươm hai lưỡi, và đâm nhập vào tận ranh giới giữa tâm với linh, giữa cốt với tủy, Lời đó phê phán tâm tình cũng như ý tưởng của lòng người” (4,12). Chúng ta hãy xin cho ơn được can đảm đón nhận lời của Chúa ngay trong cuộc sống của chính chúng ta, không chỉ bằng khối óc, lời nói hay đôi tay, nhưng bằng cả con tim chân thành, không giả dối. Ngõ hầu, cuộc sống chúng ta trở nên lời chúc phúc mà Thiên Chúa gởi đến mọi người trong thời đại này. Amen
[/loichua]