Thứ Năm Tuần 27 Thường Niên – Ngày 08/10/2020

Lời Chúa: Lc 11,5-13

Khi ấy, Chúa Giê-su phán cùng các môn đệ rằng : “Nếu ai trong các con có người bạn, giữa đêm khuya đến nói với người ấy rằng : “Anh ơi, xin cho tôi vay ba chiếc bánh, vì tôi có anh bạn đi đường ghé lại nhà tôi, mà tôi không có gì thết đãi anh ấy”. Và từ trong nhà có tiếng người ấy đáp: “Xin đừng quấy rầy tôi, vì cửa đã đóng, các con tôi và tôi đã lên giường nằm rồi, tôi không thể chỗi dậy lấy bánh cho anh được”. Thầy bảo các con, dù người đó không dậy vì tình bạn để lấy bánh cho người bạn, người đó cũng sẽ dậy, ít nữa là vì sự quấy rầy của người kia mà cho anh ta tất cả những gì anh ta cần. Và Thầy bảo các con: “Các con hãy xin thì sẽ được, hãy tìm thì sẽ gặp, hãy gõ thì sẽ mở cho. Vì hễ ai xin thì sẽ được, ai tìm thì sẽ gặp, ai gõ thì sẽ mở cho”. Người cha nào trong các con có đứa con xin bánh mà lại cho nó hòn đá ư. Hay nó xin cá lại cho nó con rắn thay vì cá sao. Hay nó xin quả trứng, lại cho nó con bọ cạp ư. Vậy nếu các con là những kẻ gian ác, còn biết cho con cái mình những của tốt, phương chi Cha các con trên trời sẽ ban Thánh Thần cho những kẻ xin Người”.

 


Suy niệm

HIỆU NĂNG CỦA LỜI CẦU NGUYỆN

Thầy bảo các con: “Các con hãy xin thì sẽ được, hãy tìm thì sẽ gặp, hãy gõ thì sẽ mở cho. Vì hễ ai xin thì sẽ được, ai tìm thì sẽ gặp, ai gõ thì sẽ mở cho”. (Lc 11, 9-10)

Các môn đệ thấy được sự cần thiết của việc cầu nguyện, thế nên các ông đã xin Đức Giêsu dạy các ông cầu nguyện: “Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện, cũng như ông Gioan đã dạy môn đệ của ông” (Lc 11, 1). Sau khi dạy các môn đệ cầu nguyện bằng kinh lạy cha, Chúa Giêsu đã dùng dụ ngôn người bạn quấy rầy để nói lên sự cần thiết và hiệu năng của lời cầu nguyện.

Cầu nguyện là một nhu cầu cần thiết thiết. Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, khi mặc lấy xác phàm cũng đã phải học cầu nguyện, từ nơi gia đình, nơi Hội đường, trong Đền Thờ. Người là một mẫu gương của sự cầu nguyện, Ngài cầu nguyện liên lỉ. Cầu nguyện như là một nhu cầu không thể thiếu với Đức Giêsu, từ sáng sớm tinh sương tới lúc đêm về haytrước những thời điểm quyết định trong sự vụ của Người. Trước những thời điểm quyết định liên quan đến sứ vụ của các tông đồ Chúa Giêsu luôn cầu nguyện “Khi còn sống kiếp phàm nhân, Đức Giê-su đã lớn tiếng kêu van khóc lóc mà dâng lời khẩn nguyện nài xin lên Đấng có quyền năng cứu Người khỏi chết. Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục; và khi chính bản thân đã tới mức thập toàn, Người trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai tùng phục Người” (Dt 5, 7-9). Mang trong mình trái tim chạnh lòng thương, Người còn mang lấy tất cả mọi người chúng ta trong lời cầu nguyện của Người mà dâng lên Thiên Chúa Cha trên cây thập giá, để cảm thông những yếu đuối của chúng ta và để giải thoát chúng ta khỏi những yếu đuối của ta (x. Dt, 2, 15). Thánh Gioan Kim Khẩu đã so sánh sự cần thiết của lời cầu nguyện với chuyện cá trong nước. Bao lâu cá ở trong nước, nó vẫn sống, hoạt động và tăng trưởng; nhưng nếu cá bị bắt ra ngoài, chắc chắn nó sẽ chết. Cũng vậy, con người muốn sống sự sống siêu nhiên cần phải cầu nguyện. Nếu không cầu nguyện họ sẽ mất ơn Chúa giúp, rồi dần dà họ sẽ mất sự sống siêu việt, không khác nào cá phải chết vì không có nước.

“Các con hãy xin thì sẽ được, hãy tìm thì sẽ gặp, hãy gõ thì sẽ mở cho. Vì hễ ai xin thì sẽ được, ai tìm thì sẽ gặp, ai gõ thì sẽ mở cho”( Lc 5, 9-10). Trong bài Tin mừng hôm nay, khởi đi từ hình ảnh người bạn đi xin bánh lúc đêm khuya để giúp người khác lúc lỡ đường, cho đến hình ảnh người cha dù có gian ác đến mức nào cũng luôn dành cho con cái mình những của tốt lành,Chúa Giêsu hướng chúng ta đến Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót, luôn yêu thương chăm sóc mọi loài và hằng đoái nhận lời những kẻ kêu xin Người. Lời cầu nguyện luôn mang một sức mạnh nếu chúng ta biết kiên trì, khiêm nhường và phải thưa lên cùng Thiên Chúa, nhờ Đức Giêsu Kitô và trong Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa sẽ ban Thánh Thần là hồng ân cao cả nhất và là nguồn mạch mọi sự thiện hảo, và chính Thánh Thần sẽ nguyện giúp cầu thay cho chúng ta là những kẻ yếu hèn như lời thánh Phaolô: “có Thần Khí giúp đỡ chúng ta là những kẻ yếu hèn, vì chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải; nhưng chính Thần Khí cầu thay nguyện giúp chúng ta, bằng những tiếng rên siết khôn tả. Và Thiên Chúa, Đấng thấu suốt tâm can, biết Thần Khí muốn nói gì, vì Thần Khí cầu thay nguyện giúp cho dân thánh theo đúng ý Thiên Chúa” (Rm 8, 26-27).

Xin Chúa cho mỗi chúng ta luôn ý thức cầu nguyện là một ân ban cách nhưng không của Thiên Chúavà cầu nguyện là sống trong sự hiện diện của Chúa. Ngõ hầu mỗi khi cầu nguyện là mỗi lần chúng ta được gặp gỡ cá vị với Thiên Chúa là Cha đầy lòng thương xót hằng luôn yêu thương chúng ta.


Comments are closed.