Khi mãn thời hạn thanh tẩy theo Luật Môsê, ông bà đem Chúa Giêsu lên thành Giêrusalem, để dâng cho Chúa, như đã viết trong lề luật Chúa rằng: “Mọi con trai đầu lòng sẽ được gọi là của thánh, dâng cho Thiên Chúa”, và việc dâng lễ vật như đã nói trong lề luật Chúa là “một cặp chim gáy, hoặc hai bồ câu con”. Và lúc đó tại Giêrusalem có một người tên là Simêon, là người công chính và có lòng kính sợ, đang mong đợi niềm an ủi Israel, có Thánh Thần ở trong ông. Ông được Thánh Thần mách bảo là sẽ không thấy giờ chết đến, trước khi thấy Ðấng Kitô của Chúa. Ðược Thánh Thần thúc giục, ông vào đền thờ. Khi cha mẹ bồng trẻ Giêsu đến để thi hành cho Người các nghi thức theo luật dạy, thì ông ẵm lấy Người trên cánh tay mình, và chúc tụng Thiên Chúa rằng: “Lạy Chúa, bây giờ Chúa để cho tôi tớ Chúa đi bình an, theo như lời Chúa. Vì chính mắt con đã thấy ơn cứu độ mà Chúa đã sắm sẵn trước mặt muôn dân, là ánh sáng đã chiếu soi các lương dân, và vinh quang của Israel dân Chúa”. Cha mẹ Người đều kinh ngạc về những điều đã nói về Người. Simêon chúc lành cho hai ông bà, và nói với Maria mẹ Người rằng: “Ðây trẻ này được đặt lên, khiến cho nhiều người trong Israel phải sụp đổ hay được đứng dậy, và cũng để làm mục tiêu cho người ta chống đối. Về phần bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn bà, để tâm tư nhiều tâm hồn được biểu lộ”.
[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]
“Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ” (Lc 2, 30)
Bốn mươi ngày sau biến cố Chúa Giáng Sinh, Giáo Hội mừng ngày Chúa Cứu Thế được thân mẫu Maria và thánh Giuse dâng cho Thiên Chúa Cha trong Đền Thánh. Trong biến cố này, Chúa Cứu Thế đến gặp dân Thánh của Người, để thỏa mãn niềm khao khát đợi trông của họ.
Người Do Thái hằng khát khao ơn cứu độ của Đức Chúa. Với họ, ơn cứu độ là Đức Chúa sẽ giải thoát họ khỏi địch thù (x. Lc 2, 70 – 72). Đức Chúa là Đấng tín trung, Ngài đã hứa bảo đảm cho vương quyền nhà Đavít “vững chắc đến muôn đời, ngôi báu ngươi sẽ vững bền mãi mãi” (2 Sm 7, 16). Đức Chúa cũng là Đấng giải thoát: Ngài sẽ sai phái Đấng Thiên Sai đến trần gian để giúp dân chống lại các thù địch ( x. Is 42, 13).
Đức Chúa đã giữ trọn lời thề. Biến cố Giáng Sinh đã ứng nghiệm các lời đã phán qua miệng các ngôn sứ (x. Mt 1, 1 – 2, 19). Đấng Cứu Thế đã đến. Hôm nay, Ngài xuất hiện trong đền thờ để tỏ lộ ơn cứu độ mà dân Do Thái đợi trông nhưng, tiếc thay, không ai trong dân Thánh nhận ra Ngài ngoài hai cụ già: Ông Simêon và bà Anna. Có thể vì hình ảnh Đấng Thiên Sai trong quan niệm của Người Do Thái không giống cách thức Chúa Giêsu xuất hiện: một trẻ thơ yếu đuối xuất thân từ một gia đình nghèo hèn. Cũng có thể là vì ơn cứu độ đích thực mà Chúa Giêsu đến trần gian để thi hành khác biệt với ơn cứu độ họ chờ đợi: Sự giải thoát thật là việc đưa con người thoát khỏi kiếp nô lệ tội lỗi (x. Lc 2, 77). Dù sao đi nữa, Dân Do Thái đã không nhận ra Chúa. Tuy vậy, sự xuất hiện của Hài Nhi trong Đền Thánh vẫn đủ vinh quang giúp dân nhận ra Ngài. Ngôi sao rực rỡ trên bầu trời đêm Noel đã lôi cuốn ba nhà đạo sĩ Phương Đông lên đường. Ánh vinh quang của Hài Nhi bé nhỏ đã thúc đẩy ông Simêon và bà Anna tiến vào Đền Thánh để tìm gặp. Đấng Thiên Sai đã đến. Ơn cứu độ của Ngài đã được tỏ lộ trên đồi Golgotha. Nếu nhân loại không nhận ra Ngài, ấy là vì họ chưa đủ khao khát đợi trông Ngài như ba nhà đạo sĩ, như Simêon và Anna.
Simêon và Anna đại diện cho lớp người xứng đáng lãnh nhận ơn cứu độ mà thánh sử Luca muốn nói đến: những người ăn chay, cầu nguyện, sống đạo đức, chu toàn Lề Luật và hằng mong đợi ơn cứu độ của Đức Chúa. Những con người ấy đi vào chay tịnh, khổ chế, kỷ luật như một sự chuẩn bị xứng đáng đón chờ Chúa đến. Cuộc đời của các ngài là một dấu hỏi cho mỗi người Kitô hữu hôm nay: Chúng ta có luôn sống một tinh thần khát khao Chúa để có thể nhận ra Chúa trong mọi biến cố cuộc sống không? Chúng ta đã từ bỏ gì, hy sinh gì để xứng đáng đón nhận ơn cứu độ của Chúa?.
Lạy Chúa, xin ban ơn để con chấp nhận sống nghèo vì Nước Trời, hầu con nhận ra sự hiện diện của Chúa trong cuộc sống, đi theo Ngài và nhận được ơn cứu độ của Ngài. Amen.
[/loichua]