Thứ Năm sau Chúa Nhật 11 Thường Niên – Ngày 22/06/2017

[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Mt 6, 7 – 15″]

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Khi cầu nguyện, các con đừng nhiều lời như dân ngoại: họ nghĩ là phải nói nhiều mới được chấp nhận. Đừng làm như họ, vì Cha các con biết rõ điều các con cần, ngay cả trước khi các con xin. Vậy các con hãy cầu nguyện như thế này:

Lạy Cha chúng con ở trên trời, chúng con nguyện danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày, và tha nợ chúng con, như chúng tôi cũng tha kẻ có nợ chúng con, xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ. Amen.

Vì nếu các con có tha thứ cho người ta những lầm lỗi của họ, thì Cha các con, Đấng ngự trên trời, mới tha thứ cho các con. Nếu các con không tha thứ cho người ta, thì Cha các con cũng chẳng tha thứ lỗi lầm cho các con”.

 

[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]

CẦU NGUYỆN VỚI THIÊN CHÚA LÀ CHA

“Lạy Cha chúng con là Đấng ngự trên trời” (Mt 6, 9).

Cầu nguyện là nâng tâm hồn lên cùng Thiên Chúa (GLCG 2559). Đây là đáp án mà mỗi người Kitô hữu có thể bật ra ngay khi có người chất vấn về bản chất những việc đạo đức và phụng vụ mà chúng ta tham dự hoặc cử hành. Nhưng Thiên Chúa mà chúng ta phải nói tới ở đây, Ngài là ai? Theo thánh Matthêu (x.Mt 6, 7 – 8), Thiên Chúa, trong niềm tin của dân ngoại, toàn năng và uy quyền nhưng dường như Ngài xa cách và chẳng hiểu, chẳng biết gì đến đau khổ của con người. Với “bọn đạo đức giả” (x.Mt 6, 5), việc cầu nguyện với Thiên Chúa trở thành cơ hội để họ khoe khoang đạo đức bên ngoài, nhằm đạt được sự trọng vọng của xã hội. Còn Thiên Chúa trong niềm tin của người Kitô hữu là ai? Đâu là cách thế xứng hợp để cầu nguyện với Ngài?

Chúa Giêsu, Đấng hằng ở nơi cung lòng Thiên Chúa (x.Ga 1, 18), Ngài biết đâu là cách thế xứng hợp để cầu nguyện. Lời Chúa hôm nay chính là lời chỉ dạy của Chúa Giêsu cho mỗi người Kitô hữu. Có thể rút ra từ bài học ấy vài điều hữu ích để áp dụng vào đời sống. Đầu tiên, Thiên Chúa không phải là Đấng không thấu cảm những khổ đau con người nhưng Ngài còn là Cha. Sau nữa, Thiên Chúa không chỉ là Cha của ta, nhưng Ngài còn là Cha của chúng ta. Như vậy, lời cầu nguyện xứng hợp để dâng lên Thiên Chúa không chỉ là cầu xin cho nhu cầu thiết yếu của ta, nhưng cũng đồng thời là việc xin cho danh Cha cả sáng, nước Cha hiển trị và xin ơn để tha thứ cho người khác.

Ở đây, có thể rút ra một kết luận thực tiễn. Quyền lợi của tôi không phải là thứ trên hết, nhưng là điều trước hết không thể tách ra khỏi bổn phận của tôi với Thiên Chúa và với tha nhân. Lời cầu nguyện xứng hợp nhất mà chúng ta có ngày hôm nay, chính là lời Kinh Lạy Cha mà Chúa Giêsu đã truyền dạy. “Anh em hãy cầu nguyện như thế này”, nghĩa là hãy cầu nguyện với Cha và cho tha nhân.

Những tóm kết này là cuộc cách mạng trong thời đại Chúa Giêsu đang sống và vẫn rất mới mẻ trong thời đại hôm nay. Cầu nguyện không bao giờ là nỗ lực cá nhân của tôi nhưng còn là một động tác của tôi hướng tới Thiên Chúa và tới tha nhân. Quy tắc này, nếu được áp dụng triệt để, chắc chắn vẫn sẽ tạo nên một cuộc cách mạng cho thời đại ngày nay, thời đại nhấn mạnh những xu hướng cá nhân và óc cục bộ.

Xin cho mỗi người Kitô hữu luôn biết điều mà họ phải xin thực sự không phải là cho nhu cầu của riêng mình nhưng là để tìm ý Chúa và mưu cầu hạnh phúc cho tha nhân.

[/loichua]

Comments are closed.