Thứ Hai Tuần XVI Thường Niên – Ngày 19-07-2021

[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Mt 12,38-43″]

“Bấy giờ có mấy kinh sư và mấy người Pha-ri-sêu nói với Đức Giê-su rằng: ‘Thưa Thầy, chúng tôi muốn thấy Thầy làm một dấu lạ’. Người đáp: ‘Thế hệ gian ác và ngoại tình này đòi dấu lạ. Nhưng chúng sẽ không được dấu lạ nào, ngoài dấu lạ ngôn sứ Giô-na. Quả thật, ông Giô-na đã ở trong bụng kình ngư ba ngày ba đêm thế nào, thì Con Người cũng sẽ ở trong lòng đất ba ngày ba đêm như vậy. Trong cuộc phán xét, dân thành Ni-ni-vê sẽ trỗi dậy cùng với thế hệ này và sẽ kết án họ, vì xưa dân ấy đã sám hối khi nghe ông Giô-na rao giảng; mà đây thì còn hơn ông Giô-na nữa. Trong cuộc phán xét, nữ hoàng Phương Nam sẽ đứng lên cùng với thế hệ này, và bà sẽ kết án họ, vì xưa bà đã từ tận cùng trái đất đến nghe lời khôn ngoan của vua Sa-lô-môn; mà đây thì còn hơn vua Sa-lô-môn nữa’”.

 

[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]

MẦU NHIỆM VƯỢT QUA- DẤU LẠ TÌNH YÊU CHO CON NGƯỜI

“Như Giôna ở trong bụng cá ba ngày ba đêm thế nào thì Con Người cũng sẽ ở trong lòng đất như vậy” (Mt 12,40).

“Quen quá hóa nhàm” là câu nói diễn tả cái gì dù mới lạ nhưng khi tiếp xúc thường xuyên sẽ trở nên bình thường. Đây là thực trạng cho thấy con người chúng ta thường thích chạy theo những điều lạ, những điều bắt mắt, những gì mang lại lợi ích cho chính mình mà loại bỏ những gì mang lại đau khổ hay xem nhẹ những gì tầm thường, quen mắt.

Bối cảnh của bài Tin Mừng diễn ra sau khi người Do Thái chứng kiến Chúa Giêsu trừ quỷ cho một người bị quỷ ám. Chứng kiến việc đó, người Do Thái thay vì tin, họ đã đòi Chúa Giêsu thực hiện một dấu lạ khác, “Thưa Thầy, chúng tôi muốn thấy Thầy làm một dấu lạ khác” (Mt12,38). Đối với người Do Thái, dấu lạ biểu trưng cho quyền năng của Thiên Chúa, người làm dấu lạ được coi là người của Thiên Chúa phái đến. Trong lịch sử dân tộc, ông Môsê đã làm những dấu lạ trước toàn dân để biểu lộ uy quyền hầu người Do Thái tin vào Thiên Chúa. Thế nhưng, trước yêu cầu của người Do Thái, Chúa Giêsu đã không thực hiện mà Người nhắc lại dấu lạ của tiên tri Giôna, “Như Giôna ở trong bụng cá ba ngày ba đêm thế nào thì Con Người cũng sẽ ở trong lòng đất như vậy” (Mt 12,39-40). Tại sao Chúa Giêsu không làm dấu lạ lớn lao cho người Do Thái thấy quyền năng của Người để họ tin mà lại loan báo về cuộc tử nạn đầy đau khổ như vậy?

Chúa Giêsu không làm dấu lạ mà loan báo dấu lạ cuộc tử nạn để người Do Thái cũng như người Kitô hữu nhận ra rằng đức tin có được không phải dựa vào những gì hào nhoáng bên ngoài, nhưng phải là chính Người, Đấng đã chịu tử nạn trên Thập giá. Thật vậy, mầu nhiệm thập giá là sự ô nhục đối với người Do Thái, là sự điên rồ đối với người Hy Lạp thì Thiên Chúa đã dùng chính sự điên rồ đó để cứu những ai tin vào Người. Nơi Mầu nhiệm Vượt Qua, Thiên Chúa đã biểu lộ tình yêu của Ngài đối với toàn thể nhân loại. Vì yêu con người, Chúa đã tự nguyện gom lấy tất cả tội lỗi của nhân loại và dâng hiến chính mình làm của lễ đền tội qua cái chết trên thập giá, để những ai tin vào danh của Người thì được cứu độ.

Xin cho mỗi người chúng ta được thêm ơn đức tin và sức mạnh để trước những biến cố vui buồn xảy ra trong cuộc sống biết chạy đến với Chúa Giêsu nơi Bí Tích Thánh Thể để kín múc ân sủng của Người. Như lời xác tín của Thánh Phaolô: “Tôi biết tôi đã tin vào ai” (2Tm2,12).

[/loichua]

Comments are closed.