THỨ HAI TUẦN IV THƯỜNG NIÊN – Ngày 31/01/2022

[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Mc 5,1-20″]

Khi ấy, Chúa Giêsu và các môn đệ sang bờ biển bên kia, đến địa hạt Ghêrasa. Chúa Giêsu vừa ở thuyền lên, thì một người bị quỷ ô uế ám từ các mồ mả ra gặp Người. Người đó vẫn ở trong các mồ mả mà không ai có thể trói nổi, dù dùng cả đến dây xích, vì nhiều lần người ta đã trói anh ta, gông cùm xiềng xích lại, nhưng anh ta đã bẻ gãy xiềng xích, phá gông cùm, và không ai có thể trị nổi anh ta. Suốt ngày đêm anh ta ở trong mồ mả và trong núi, kêu la và lấy đá rạch mình mẩy. Thấy Chúa Giêsu ở đàng xa, anh ta chạy đến sụp lạy Người và kêu lớn tiếng rằng : “Hỡi ông Giêsu, Con Thiên Chúa tối cao, ông với tôi có liên hệ gì đâu. Vì danh Thiên Chúa, tôi van ông, xin chớ hành hạ tôi”. Nhưng Chúa Giêsu bảo nó rằng : “Hỡi thần ô uế, hãy ra khỏi người này”. Và Người hỏi nó: “Tên ngươi là gì”. Nó thưa: “Tên tôi là cơ binh, vì chúng tôi đông lắm”. Và nó nài xin Người đừng trục xuất nó ra khỏi miền ấy.

Gần đó, có một đàn heo đông đảo đang ăn trên núi, những thần ô uế liền xin Chúa Giêsu rằng : “Hãy cho chúng tôi đến nhập vào đàn heo”. Và Chúa Giêsu liền cho phép. Các thần ô uế liền xuất ra và nhập vào đàn heo, rồi cả đàn chừng hai ngàn con lao mình xuống biển và chết đuối. Những kẻ chăn heo chạy trốn và loan tin đó trong thành phố và các trại. Người ta liền đến xem việc gì vừa xảy ra. Họ tới bên Chúa Giêsu, nhìn thấy kẻ trước kia bị quỷ ám ngồi đó, mặc quần áo và trí khôn tỉnh táo, và họ kinh hoảng. Những người đã được chứng kiến thuật lại cho họ nghe mọi sự đã xảy ra như thế nào đối với người bị quỷ ám và đàn heo. Họ liền xin Chúa Giêsu rời khỏi ranh giới họ. Khi Người xuống thuyền, kẻ trước kia bị quỷ ám xin theo Người. Nhưng người không cho mà rằng : “Con hãy về nhà với thân quyến, và loan truyền cho họ biết những gì Thiên Chúa đã làm cho con và đã thương con”. Người đó liền đi và bắt đầu tuyên xưng trong miền Thập Tỉnh, tất cả những gì Chúa Giêsu đã làm cho anh ta, và mọi người đều thán phục.

 

[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]

NHẬN THỨC VỀ SỰ DỮ

“Chúa Giêsu bảo thần ô uế: Hỡi thần ô uế, hãy ra khỏi người này” (Mc 5,8).

Sự dữ thường làm cho người ta đau khổ, lo lắng, sợ hãi, buồn phiền, thất vọng. Đã là người, ai cũng phải đối diện với sự dữ. Vì vậy, mỗi người cần có sự nhận thức đúng đắn về nó, hầu tìm ra phương thế để ứng xử với nó. Lời Chúa hôm nay giúp các tín hữu nhận thức đúng đắn về sự dữ.

Sức mạnh của sự dữ thì to lớn khủng khiếp, và nó lớn hơn sức lực tự nhiên của con người.. Bài đọc I cho người nghe thấy vua Đavít gặp sự dữ to lớn đến nỗi có thể nguy hại tới tính mạng của ông. Đó là phần đông dân Israel hết lòng đứng về phe Apsalôm, con đẻ của vua. Apsalôm cùng với họ quyết tâm truy sát ông. Đavit trở nên bất lực trước nghịch cảnh. Ông đau khổ, vừa trốn chạy vừa khóc lóc, đi chân không, đầu phủ khăn. Bài Tin Mừng cho chúng ta thấy người bị quỷ ô uế ám gặp sự dữ thật khủng khiếp, ngoài sức tưởng tượng của con người: cả một cơ binh rất đông đúc đến độ khiến cho khoảng hai ngàn con heo lao mình xuống biển và chết, mà lại cùng một lúc nhập vào và trú ngụ trong một con người nhỏ bé. Tóm lại, khi đối diện với sự dữ, con người không đủ sức để vượt thắng cách hữu hiệu những cuộc tấn công của nó đến nỗi mỗi người cảm thấy như đang bị xiềng xích trói buộc (x. Hiến chế Gaudium Et Spes, số 13). Vì thế, khi đối diện với sự dữ, con người cần Chúa đến giải cứu mình.

Chỉ một mình Chúa mới giải thoát con người khỏi sự dữ. Lời Chúa hôm nay là một trong những minh chứng điển hình. Bài đọc I cho ta thấy vua Đavít hoàn toàn bất lực trước sự dữ đến từ sự phản loạn của Apsalôm. Nếu người ta đọc thêm hai chương tiếp theo của bài đọc I, họ sẽ thấy tính mạng của vua Đavít mong manh như ngàn cân treo sợi tóc trước Apsalôm. Thế nhưng, chính Chúa đã dùng lời bàn quân sự của ông Khusai nhằm phá hỏng kế hoạch của Apsalôm để cứu Đavit. Bài Tin Mừng cho ta thấy không ai có thể giải thoát người bị quỷ ám khỏi sự dữ hãi hùng đang vây bủa anh ta như đàn ong, ngoại trừ Chúa Giêsu. Tóm lại, chính Chúa đã đến để giải thoát con người khỏi sự dữ, và duy chỉ có Ngài mới làm được điều ấy cách hữu hiệu (x. Gaudium Et Spes, số 13).

Dù muốn dù không, mỗi người vẫn không thể tránh khỏi sự dữ ở thế gian. Bởi vì sự dữ đã xâm nhập vào trần gian (x. GLHTCG, số 311). Sự dữ ấy có thể là: đau khổ, bệnh tật, cái chết, sự mất mát, những bất công, những thiệt thòi, áp bức, vũ lực, những lời chỉ trích, những thất bại, sự cô đơn, tai nạn, nghèo đói… Để đối diện với sự dữ, phần đáp ca ngày mai (Tv 3: thánh vịnh vua Đavít chạy trốn Apsalôm) mời gọi người kitô hữu cần có thái độ giống như vua Đavít đã làm khi chạy trốn Apsalôm là: khiêm tốn hạ mình, tin tưởng, hy vọng, và thiết tha kêu cầu Chúa.

Việc Chúa cho phép có sự dữ xảy ra là một mầu nhiệm. Dưới ánh sáng của đức tin, chúng ta xác tín rằng Chúa đã không cho phép sự dữ xuất hiện, nếu Ngài không làm phát sinh điều thiện hảo từ chính sự dữ đó (x. GLHTCG, số 324). Do đó, mỗi lần đối diện với sự dữ, xin cho từng người biết kiên trì cầu nguyện, cậy trông vào Chúa, và đọc ra ý Chúa muốn nói gì với ta qua biến cố ấy.

.

[/loichua]

Comments are closed.