Thứ Hai Tuần III Mùa Thường Niên – Ngày 25-01-2021 – Thánh Phaolô Tông Đồ Trở Lại

Lời Chúa: Mc 16, 15-18

Người nói với các ông: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin, thì sẽ bị kết án. Đây là những dấu lạ sẽ đi theo những ai có lòng tin: nhân danh Thầy, họ sẽ trừ được quỷ, sẽ nói được những tiếng mới lạ. Họ sẽ cầm được rắn, và dù có uống nhằm thuốc độc, thì cũng chẳng sao. Và nếu họ đặt tay trên những người bệnh, thì những người này sẽ được mạnh khoẻ.”

 


Suy niệm

LOAN BÁO TIN MỪNG

“Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo.”
(Mc 16, 15)

Bản chất của Giáo hội là truyền giáo. Là những kitô hữu đã lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy, chúng ta phải có nhiệm vụ loan báo Tin Mừng cho mọi người. Nếu ai chưa thiết tha loan báo Tin Mừng, thì người đó chưa thực sự là Kitô hữu.

Niềm tin vào Chúa Giêsu phục sinh không phải là chuyện dễ dàng. Cho dù là các môn đệ đã được nghe Chúa báo trước nhiều lần, rồi trong số các ông có người làm chứng rằng Chúa đã sống lại. Tuy nhiên một số môn đệ vẫn không tin nhận. Họ vẫn ở lại trong sự nghi ngờ, buồn phiền hơn là tin tưởng, vui tươi. Bởi thế có những nghi ngờ, thất vọng làm con người trở nên khép kín và khoanh tay bất động. Chính vì vậy, Chúa Giêsu phục sinh đã không bỏ rơi các môn đệ khi Ngài kiên trì củng cố đức tin cho họ bằng cách hiện ra nhiều lần, và trao cho họ một sứ mạng lớn lao: “Hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo” (Mc 16, 15).

Lệnh truyền của Chúa Giêsu đã được Công đồng Vaticanô II trong Hiến Chế Mục Vụ Về Giáo Hội Trong Thế Giới Ngày Nay (Gaudium et Spes), số 2 ghi lại: “Tứ phương thiên hạ chính là thế giới của con người, tức là toàn thể gia đình nhân loại với mọi sự thuộc môi trường sinh sống của gia đình này”. Điều đó có nghĩa là việc loan báo Tin Mừng phải được thấm sâu vào mọi lãnh vực của đời sống nhân loại. Nói tắt là mọi phương diện con người đụng chạm tới, nhất là hiện nay với các phương tiện thông tin đại chúng như các trang mạng xã hội Facebook, Zalo, Twitter,… Cho nên người Kitô hữu được mời gọi loan báo Tin Mừng ở mọi nơi, mọi cách dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, bằng việc “cưu mang”, “ấp ủ” “phát sinh” bên trong nội tâm, rồi sau đó thể hiện ra hành động bên ngoài như gương sáng của Thánh Phaolô Tông Đồ Trở Lại mà ngày mai Giáo hội mừng kính. Thánh nhân không chỉ xem mình là một nhà truyền giáo lưu động với các chuyến hành trình trải dài hơn 15.000 cây số để làm chứng cho Chúa Giêsu trước mặt mọi người về mọi điều ngài đã thấy, đã nghe trên quãng đường té ngựa ở Đa-mát (x. Cv 22, 15), mà còn là một cảm nghiệm của ơn trở lại khi coi mạng sống mình chẳng đáng giá gì, miễn làm sao chạy hết chặng đường để chu toàn sứ vụ làm chứng cho Tin Mừng về ân sủng của Thiên Chúa cho nhân loại (x. Cv 20, 24).

Trong nhạc phẩm Mưa Hồng, cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết: “[…]người nằm xuống nghe tiếng ru. Cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ”. Xin mượn lời ca này để gẫm thêm rằng ‘đời người như bông hoa sớm nở chiều tàn’. Vì thế với cuộc đời chóng qua này, nguyện xin Chúa giúp chúng ta không ‘hững hờ’ với lệnh truyền của Chúa qua việc “tin”, “sống” và “làm chứng” bằng cả “con người” trong sự quy hướng vào việc loan báo Tin Mừng cho muôn người chưa nhận biết Chúa với một tình yêu hiệp nhất là nên một trong Chúa.


Comments are closed.