Thứ Hai Tuần III Mùa Phục Sinh – Ngày 15/04/2024

Lời Chúa: Ga 6, 22 -29

Hôm sau, đám người còn ở lại bên kia biển thấy rằng không có thuyền nào khác, duy chỉ có một chiếc, mà Chúa Giêsu không lên thuyền đó với các môn đệ, chỉ có các môn đệ ra đi mà thôi. Nhưng có nhiều thuyền khác từ Tibêria đến gần nơi dân chúng đã được ăn bánh. Khi đám đông thấy không có Chúa Giêsu ở đó, và môn đệ cũng không, họ liền xuống các thuyền kia và đến Caphacnaum tìm Chúa Giêsu.

Khi gặp Người ở bờ biển bên kia, họ nói với Người: “Thưa Thầy, Thầy đến đây bao giờ”. Chúa Giêsu đáp: “Thật, Ta bảo thật các ngươi, các ngươi tìm ta không phải vì các ngươi đã thấy những dấu lạ, nhưng vì các ngươi đã được ăn bánh no nê. Các ngươi hãy ra công làm việc không phải vì của ăn hay hư nát, nhưng vì của ăn tồn tại cho đến cuộc sống đời đời, là của ăn Con Người sẽ ban cho các ngươi. Người là Ðấng mà Thiên Chúa Cha đã ghi dấu”. Họ liền thưa lại rằng: “Chúng tôi phải làm gì để gọi là làm việc của Thiên Chúa”. Chúa Giêsu đáp: “Ðây là công việc của Thiên Chúa, là các ngươi hãy tin vào Ðấng Ngài sai đến”.

 


Suy niệm

ĐỨC GIÊSU LÀ LƯƠNG THỰC TRƯỜNG TỒN

.

Trong tuần III Phục sinh, chúng ta được nghe diễn từ về Bánh Hằng Sống (Ga 6, 1- 66), với mở đầu là phép lạ hoá bánh ra nhiều nuôi dân chúng. Vì đã được ăn bánh no nê nên dân chúng tiếp tục đi tìm Đức Giêsu. Chúa Giêsu nhân cơ hội dân chúng khao khát của ăn thể xác mà mặc khải cho họ về lương thực trường tồn, đem lại phúc trường sinh bất tử.

Dân Do Thái sau khi được Chúa nuôi dưỡng bằng phép lạ hoá bánh ra nhiều, họ đi tìm gặp Chúa, để tôn vinh Ngài lên làm vua. Họ tôn vinh Ngài không phải vì tin, cũng không phải vì dấu lạ Người đã thực hiện, nhưng vì được nuôi dưỡng, được no bụng. Động cơ thúc đẩy họ là mùi vị của bánh trần gian. Họ không nhận ra được dấu chỉ ân huệ từ 12 thúng bánh còn dư sau phép lạ, cho nên mục đích dân chúng tìm Đức Kitô chỉ lo bảo đảm cho họ được của ăn vật chất luôn mãi. Đức Giêsu biết rõ ý định của họ, Người không xua đuổi họ nhưng khuyên bảo: “Các ngươi hãy ra công làm việc không phải vì của ăn hay hư nát, nhưng vì của ăn tồn tại cho đến cuộc sống muôn đời” (Ga 6, 26). Chúa Giêsu gợi lên nơi họ sự sống đời đời để dù ăn, dù uống hay làm bất cứ điều gì thì cũng phải nhắm tới mục tiêu tối hậu là sự sống đời đời, khiến họ khao khát thưa Chúa rằng: “Chúng tôi phải làm gì?” (Ga 6, 28) Người đáp: “ hãy tin vào Đấng Ngài sai đến” (Ga 6, 29).

Trong mầu nhiệm Phục Sinh, sự sống lại của Chúa Giêsu khác với việc Người cho Lazarô hay con trai bà goá thành Naim sống lại. Họ sống lại rồi lại chết, nghĩa là vẫn bị cái chết thống trị, vẫn bị sự đau khổ và bệnh tật thể lý cũng như tội lỗi hành hạ. Còn sự sống lại của Chúa Giêsu là khởi đầu một sự sống mới; Sự sống lại này sẽ vĩnh hằng nên mới chiến thắng được cái chết, thân xác phục sinh không còn lệ thuộc thời gian và không gian nên chẳng cần thứ lương thực nuôi thân và bệnh tật, đau khổ, tội lỗi bị loại bỏ. Đó là sự sống của Chúa, sự sống tự thân từ nơi Chúa mới là thường tồn, chỉ những ai tin vào Đức Giêsu mới có sự sống này.

Nếu chúng ta tin vào Đức Giêsu là Đấng Chúa Cha sai đến, đã chết và sống lại và trở thành nguồn sống đời đời, chúng ta phải làm gì? Chúng ta hãy ra sức tìm những của ăn không hư nát là thánh ý Chúa, Lời Chúa, Mình Máu Thánh Chúa, qua việc năng đọc Kinh Thánh, tham dự Thánh Lễ, các việc đạo đức với một tâm hồn yêu mến Chúa. Đừng để những lo lắng và cám dỗ thế gian làm chúng ta quên đi hay không dám sống cho những giá trị trường tồn này.

Lạy Chúa, cơm áo gạo tiền hằng ngày là những nhu cầu cho cuộc sống chúng con, lôi kéo chúng con, thúc bách chúng con. Cái nghèo, cái đói, làm chúng con khiếp sợ. Cái giàu, cái no, cái đẹp, lôi cuốn chúng con. Vì thế, chúng con đã thường bận tâm tới chuyện ăn mặc, chuyện tiền bạc, đến độ bỏ quên Chúa, chẳng còn thiết tha với việc cầu nguyện và dự lễ, chẳng còn biết đến giới răn của Chúa. Xin Chúa tha thứ cho chúng con. Xin Chúa dạy chúng con biết khôn ngoan đi tìm của cải tồn tại muôn đời. Amen!


Comments are closed.