[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: LC 6, 36 – 38″]
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Các con hãy ở nhân từ như Cha các con là Ðấng nhân từ. Ðừng xét đoán thì các con khỏi bị xét đoán; đừng kết án thì các con khỏi bị kết án. Hãy tha thứ, thì các con sẽ được tha thứ. Hãy cho thì sẽ cho lại các con: Người ta sẽ lấy đấu hảo hạng, đã dằn, đã lắc và đầy tràn mà đổ vào vạt áo các con. Vì các con đong bằng đấu nào, thì cũng được đong trả lại bằng đấu ấy!”
[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]
GIỐNG THIÊN CHÚA MỖI NGÀY
“Các con hãy ở nhân từ như Cha các con là Ðấng nhân từ…” (Lc 6, 36).
Kinh Thánh cho thấy một kinh nghiệm khiến dân tộc Israel bị mất ân nghĩa với Thiên Chúa đó là không nghe lời các tôi tớ Chúa là những ngôn sứ, những người đã nhân danh Chúa mà nói với vua chúa quan quyền, với cha ông chúng ta và toàn dân trong xứ (Đn 9:6). Khi không lắng nghe và thực hành lời của Thiên Chúa, chúng ta dễ phạm tội, từ chối tình yêu và thánh ý của Ngài. Nghe là một trong những thái độ cần thiết khi đến với Chúa. Nghe bằng tai thì chưa đủ; nhưng hãy nghe với đôi tai của tâm hồn. Nhờ vậy, Lời Chúa mới có thể ở lại trong con tim của chúng ta và làm chúng ta trở nên giống Thiên Chúa mỗi ngày một hơn.
Nơi bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ: “Các con hãy ở nhân từ như Cha các con là Ðấng nhân từ” (Lc 6:36). Trong Cựu Ước, lòng nhân từ là thuộc tính của Thiên Chúa, rất ít khi được gán cho con người. Từ góc nhìn này, Thánh Luca cho thấy Chúa Giêsu chỉ ra cho các môn đệ mục đích họ cần đạt tới đó là trở nên giống Thiên Chúa mỗi ngày bằng cách:
Thứ nhất, “đừng xét đoán, thì các con sẽ không bị Thiên Chúa xét đoán”, “đừng kết án, thì các con khỏi bị kết án” (Lc 6:37). Xét đoán và kết án thường là hai hành động đi đôi với nhau. Chúa Giêsu chỉ ra cho các môn đệ hiểu Thiên Chúa là Đấng duy nhất thấu suốt tâm can mọi người, chỉ mình Ngài mới có thể lên án. Thiên Chúa đã sai Con Một đến để cứu chúng ta chứ không phải để kết án chúng ta. Là những môn đệ Chúa Giêsu, chúng ta được mời gọi sống đời cảm thông và tha thứ khi anh chị em mình lầm lỗi, xúc phạm đến chúng ta.
Thứ đến, “hãy thứ tha, thì các con sẽ được tha thứ” (6:37). Tha thứ làm cho chúng ta nên giống Thiên Chúa, vì chỉ Thiên Chúa mới có thể tha tội (x. Mc 2:7). Đời sống thường ngày cho chúng ta cảm nghiệm rằng, thật cam go để có thể sống sự tha thứ, và đó là một thách đố rất lớn. Chúng ta chỉ có thể tha thứ thật sự cho nhau khi mỗi người biết vì Chúa mà thực hiện mọi điều Chúa muốn, như Lời Chúa dạy : “Nếu các con không tha thứ cho nhau, thì Cha trên trời cũng sẽ không tha thứ cho các con” (Mt 6, 14 -15).
Cuối cùng, người môn đệ sống đời trao ban cách quảng đại: “hãy cho, thì sẽ cho lại các con” Lc 6, 38). Thiên Chúa sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo. Chỉ những ai nhận ra rằng Thiên Chúa luôn quảng đại với mình thì mới có khả năng rộng mở bàn tay để trao ban cho kẻ khác. Đó là sự sẻ chia, khích lệ và cảm thông thay vì xét đoán và kết án anh chị em. Đó là sự tha thứ vô điều kiện hầu giải quyết mọi xung đột bằng đối thoại. Để từ đó, người Kitô hữu học cách nên giống Thiên Chúa hơn.
Xin Chúa Giêsu ban ơn giúp sức cho chúng ta biết bắt chước Chúa hầu sống với nhau bằng tấm lòng nhân từ, tha thứ như Chúa, để chúng ta được thuộc về Chúa và để cho người khác cũng gặp thấy Thiên Chúa bằng chính cung cách sống của chúng ta. Amen.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con có lòng nhân từ, tha thứ như Chúa, để chúng con sống thuộc về Chúa và để cho người khác cũng gặp thấy Thiên Chúa bằng chính cung cách sống của chúng con. Amen.
[/loichua]