Thứ 2 Tuần I Thường Niên – Ngày 14/01/2019

[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Mc 1,14-20″]

Sau khi Gioan bị bắt, Chúa Giêsu sang xứ Galilêa, rao giảng Tin Mừng của nước Thiên Chúa, Người nói: “Thời giờ đã mãn và nước Thiên Chúa đã gần đến; anh em hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng”.

Ðang lúc đi dọc theo bờ biển Galilêa, Người thấy Simon và em là Anrê đang thả lưới xuống biển, vì các ông là những người đánh cá. Chúa Giêsu bảo các ông: “Hãy theo Ta, Ta sẽ làm cho các ngươi trở thành những kẻ chài lưới người”. Lập tức bỏ lưới, các ông theo Người. Ði xa hơn một chút nữa, Người thấy Gia-côbê con ông Giêbêđê và em là Gioan đang xếp lưới trong thuyền, Người liền gọi các ông. Hai ông bỏ cha là Giêbêđê ở lại trên thuyền cùng với các người làm công, và đi theo Người.

 

[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]

CHẤM NỐI CHẤM – “ĐƯỜNG THẲNG CỨU ĐỘ” CỦA THIÊN CHÚA

Sau khi ông Gioan bị nộp, Đức Giêsu đến miền Galilê rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa (Mc 1,14)

“Qua hai điểm có một và chỉ có một đường thẳng”. Tiên đề toán hình học này chắc hẳn không xa lạ gì với hầu hết mỗi người chúng ta. Tuy nhiên, không nhiều người biết rằng “đường thẳng là tập hợp của vô số điểm thẳng hàng”. Và ta đang nói đến một “đường thẳng” do Thiên Chúa vẽ nên: “Đường thẳng cứu độ”. Đường thẳng này là tập hợp của nhiều điểm, nhiều con người góp phần mình vào ơn cứu độ của Thiên Chúa.

Thoạt nghe, trình thuật Tin Mừng hôm nay không có gì liên quan đến những điều trên. Nhưng thực ra, đây là một trong những bức thông điệp rõ nét nhất về “đường thẳng cứu độ” của Thiên Chúa. Sau sự việc ông Gioan bị nộp, đáng lẽ tiếp theo đó là một “khoảng trắng” thầm lặng, một sự “đứt gãy” của những chứng nhân cho sự thật: “Ai mà dám nói lời thật nữa, thì hãy nhìn ông Gioan để làm gương”. Thế mà Tin Mừng lại ghi nhận sự kiện Chúa Giêsu bắt đầu rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa, kêu gọi người ta ăn năn sám hối. Không chỉ thế, Ngài còn chọn gọi những môn đệ đầu tiên để tiếp nối cho sứ mạng của Ngài. Sau các môn đệ là cả một Giáo Hội gồm những con người tin vào Chúa Giêsu và được mời gọi ra đi “làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm Phép rửa cho họ nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần. Dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy Giêsu đã truyền” (Mt 28, 20). Trang Tin Mừng là những “chấm” này tiếp nối “chấm” kia, ngàn vạn chấm làm thành “đường thẳng cứu độ”, tương tự như ý tưởng của Đấng Đáng Kính – Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận trong tác phẩm “Đường Hy Vọng” số 978.

Dọc dài trong suốt lịch sử nhân loại, Thiên Chúa thực hiện công trình cứu độ của Người cách tiệm tiến: từ Ađam đến Abraham, từ Môsê đến Vua Đavít, từ Tiên tri Êlia đến Gioan Tẩy Giả. Đường thẳng ấy được đánh dấu bằng một “CHẤM” quan trọng nhất: Chúa Giêsu Kitô – Thiên Chúa làm người, Ơn Cứu Độ cho nhân loại, trung tâm điểm của Cựu Ước và Tân Ước. Từ nơi Chúa Giêsu và nhờ Ngài, tất cả những ai sống cho sự thật và làm chứng cho Tin Mừng sẽ được liên kết thành một “đường thẳng cứu độ” kéo dài đến ngày sau hết. Không có bất cứ điều gì, không một thế lực nào có thể cắt ngang hoặc làm gián đoạn “đường thẳng cứu độ” do Thiên Chúa hoạch định; dù đôi lúc tưởng chừng như Thiên Chúa vắng mặt khi Giáo Hội bị chèn ép, những tín hữu Kitô bị bách hại, những lạc thuyết nổi lên phá vỡ sự hiệp nhất của Dân Thiên Chúa, những sa đọa của hàng Giáo sĩ thời Trung Cổ,… Ta có thể suy tưởng rằng trong những thời điểm ấy, “đường thẳng” của ơn cứu độ tựa như vết hằn trên một trang giấy. Không ai nhìn thấy nhưng “đường thẳng” ấy hằng tồn tại.

Tất cả các thụ tạo – cách riêng những tín hữu Kitô – đều có thể là một chấm trong “đường thẳng cứu độ” của Thiên Chúa, tô điểm và làm cho đường thẳng ấy thêm rạng rỡ bằng đời sống của mình. Có những chấm thật đậm, thật rõ, làm gương mẫu cho nhiều chấm phía sau; có những chấm lại mờ nhạt tưởng như không có; và tất nhiên không phải mọi chấm đều thẳng hàng, đã có những chấm rời xa “đường thẳng cứu độ”. Điều này khiến chúng ta có cảm giác về một đường thẳng không đồng nhất, lúc đậm lúc nhạt. Và đấy cũng chính là hình ảnh của mỗi chúng ta: Có những vị thánh trổi vượt trên đàng nhân đức tựa như những nét chấm thật đậm giúp nối kết và lan tỏa tới những người khác. Ngược lại, những ai không còn sống đức tin, không đón nhận tình yêu của Thiên Chúa tựa như những chấm mờ nhạt khó có thể nhìn thấy; thậm chí đó là những chấm lệch ra khỏi “đường thẳng cứu độ”.

Điều quan trọng mà chúng ta cần làm là bản thân mỗi người phải liên kết với nhau và bảo đảm cho “đường thẳng cứu độ” của Thiên Chúa được xuyên suốt. Nghĩa là cùng nhau góp phần mình vào chương trình cứu độ của Ngài bằng cách “nhìn” về Chúa Giêsu Kitô – điểm quy chiếu tuyệt đối, sống với Giêsu và bước đi cùng Ngài không chút chần chờ như những môn đệ đầu tiên; sống tinh thần tương thân tương ái với hết mọi người, mẫu mực trong lời nói cũng như hành động để làm gương sáng cho người khác. Nhờ có tương quan mật thiết với Chúa Giêsu, chúng ta cũng sẽ là những “chấm” tiêu chuẩn giúp cho những người khác đón nhận ơn cứu độ. Làm được những điều này, ta có thể diễn giải cho ý tưởng của Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận: “Chấm mỗi chấm cho đúng với CHẤM GIÊSU, đường cứu độ sẽ thẳng”.

Chúng con nguyện xin Chúa ban ơn nâng đỡ để mỗi ngày chúng con nên giống Chúa hơn, hầu làm sáng danh Chúa và để đem ơn cứu độ của Ngài đến với hết mọi người. Đồng thời, xin cũng ban cho chúng con biết nhớ đến và cầu nguyện mỗi ngày cho những ai đang tách mình ra khỏi “đường thẳng cứu độ” của Thiên Chúa được ơn biến đổi và trở thành những “chấm” rạng rỡ của ơn cứu độ. Amen

[/loichua]

Comments are closed.