Thứ 3 Tuần I Thường Niên – Ngày 15/01/2019

Lời Chúa: Mc 1,21-28

Ngày nghỉ lễ, Chúa Giêsu vào giảng dạy trong hội đường. Người ta kinh ngạc về giáo lý của Người, vì Người giảng dạy người ta như Ðấng có uy quyền, chứ không như các luật sĩ.

Ðang lúc đó, trong hội đường có một người bị thần ô uế ám, nên thét lên rằng: “Hỡi Giêsu Nadarét, có chuyện gì giữa chúng tôi và ông? Ông đến để tiêu diệt chúng tôi sao? Tôi biết ông là ai: là Ðấng Thánh của Thiên Chúa”. Chúa Giêsu quát bảo nó rằng: “Hãy im đi, và ra khỏi người này!”. Thần ô uế liền dằn vật người ấy, thét lên một tiếng lớn, rồi xuất khỏi người ấy. Mọi người kinh ngạc hỏi nhau rằng: “Cái chi vậy? Ðây là một giáo lý mới ư? Người dùng uy quyền mà truyền lệnh cho cả các thần ô uế, và chúng vâng lệnh Người”. Danh tiếng Người liền đồn ra khắp mọi nơi, và lan tràn khắp vùng lân cận xứ Galilêa.

 


Suy niệm

CHÚA GIÊSU, ĐẤNG UY QUYỀN CỦA THIÊN CHÚA

“Ngài giảng dạy người ta như Ðấng có uy quyền” (Mc 1,22).

Đối với những người diễn thuyết, họ sử dụng phương pháp thuyết phục các thính giả bằng chính lời nói của họ. Những lời nói tạo nên sự cuốn hút đối với người nghe và họ có thể bắt chước, học theo gương của người diễn thuyết. Trong Tin Mừng hôm nay, Thánh Marcô cũng giới thiệu cho chúng ta một nhà diễn thuyết lừng danh với sức mạnh của “Lời” đã thuyết phục các thính giả mà cả đến ma quỷ cũng phải bị khuất phục. Nhà diễn thuyết đó chính là “Chúa Giêsu, Đấng uy quyền của Thiên Chúa”.

Theo Thánh sử Máccô, sứ vụ rao giảng lần đầu tiên của Chúa Giêsu là tại hội đường Caphácnaum vào ngày Sabát. Khi dân chúng được nghe Chúa Giêsu giảng dạy, thì họ đã sửng sốt và kinh ngạc vì lời giảng dạy của Ngài “như một Đấng có thẩm quyền”. Lý do đầu tiên Chúa Giêsu khiến mọi người sửng sốt là vì sức mạnh giáo lý trong lời giảng dạy của Ngài. Giáo lý của Chúa Giêsu hệ tại trong “Lời” giảng dạy của Ngài. Ngài dạy những gì thì Ngài sống như vậy. Ngài dạy một cách xác tín, vì Ngài đang sống như thế, chính vì vậy mà Lời dạy của Ngài có sức hấp dẫn mạnh mẽ, đầy uy quyền và cuốn hút các thính giả đang tham dự. Trong khi đó các thầy Rabbi Do Thái giảng dạy phải dựa vào truyền thống của cha ông. Điều khiến mọi người sửng sốt hơn, đó là sức mạnh lạ lùng của Chúa Giêsu trong việc trừ quỷ. Nói đến quỷ, chúng là loài gian xảo, ẩn nấp kỹ càng và len lỏi vào bất cứ nơi đâu chúng muốn như: chúng âm thầm nhập vào một người trong hội đường đang ngồi cùng dân chúng nghe giảng. Khi đối diện với Chúa Giêsu, chúng phải rùng mình khiếp sợ và la hét om xòm, mặc dù Chúa Giêsu chưa đả động gì đến chúng. Trước cảnh người bị giam giữ bởi quỷ, Chúa Giêsu đã truyền lệnh cho chúng phải “Câm đi, hãy xuất khỏi người này” (Mc 1,25). Ngay tức khắc ma quỷ lay mạnh, thét lên và xuất ra khỏi người đó, chứ không như những thầy phù chú trừ quỷ mà lũ quỷ cứ nhập vào và xuất ra nhiều lần. Chính vì thế mà dân chúng đã thán phục về quyền phép của Ngài. Trong tư cách là Sứ giả của Thiên Chúa, cuộc trừ quỷ của Chúa Giêsu đã mở ra một sự kiện mới trong lịch sử cứu độ. Một thời đại mới đã khởi sự, một thời đại của ánh sáng và là một sức mạnh chiến thắng trên ác thần.

Đối với mỗi người chúng ta khi nghe bài Tin Mừng này, chúng ta nhận ra đâu là thế mạnh của Chúa Giêsu và đâu là sự gian xảo của ma quỷ. Thế mạnh của Chúa Giêsu là Ngài biết cậy dựa vào sức mạnh của Thiên Chúa, Đấng thánh thiện và chân thật. Ngài cậy dựa vào quyền năng của Thiên Chúa nơi Ngài để xua trừ ác thần và cứu con người đang bị vây hãm bởi sự gian tà. Do đó, mỗi người chúng ta cũng biết cậy dựa vào sức mạnh của Lời Chúa và cầu xin Chúa xua đuổi những tà thần đang ẩn nấp trong mỗi người chúng ta.

Lạy Chúa, chỉ có Lời Chúa mới có sức mạnh và đáng để chúng con đặt nền tảng cuộc đời trên đó. Xin cho chúng con biết hăng say yêu mến Lời Chúa và biết dựa vào sức mạnh Lời Chúa để chống trả lại sự gian tà của ma quỷ đang vây hãm chúng con. Amen.


Comments are closed.