[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Lc 10,25-37″]
Khi ấy, có một người thông luật đúng dậy hỏi thử Chúa Giê-su rằng : “Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời?”. Người nói với ông : “Trong lề luật đã chép như thế nào. Ông đọc thấy gì trong đó”. Ông trả lời : “Ngươi hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết sức và hết trí khôn ngươi, và hãy thương mến anh em như chính mình”. Chúa Giê-su nói : “Ông trả lời đúng, hãy làm như vậy và ông sẽ được sống”. Nhưng người đó muốn bào chữa mình, nên thưa cùng Chúa Giê-su rằng : “Nhưng ai là anh em của tôi?”.
Chúa Giê-su nói tiếp : “Một người đi từ Giê-ru-sa-lem xuống Giê-ri-khô, và rơi vào tay bọn cướp ; chúng bóc lột người ấy, đánh nhừ tử rồi bỏ đi, để người ấy nửa sống nửa chết. Tình cờ một tư tế cũng đi qua đường đó, trông thấy nạn nhân, ông liền đi qua. Cũng vậy, một trợ tế khi đi đến đó, trông thấy nạn nhân, cũng đi qua. Nhưng một người xứ Sa-ma-ri đi đường đến gần người ấy, trông thấy và động lòng thương. Người đó lại gần, băng bó những vết thương, xức dầu và rượu, rồi đỡ nạn nhân lên lừa của mình, đưa về quán trọ săn sóc. Hôm sau, lấy ra hai quan tiền, ông trao cho ông chủ quán mà bảo rằng : “Ông hãy săn sóc người ấy, và ngoài ra còn tốn phí hơn bao nhiêu, khi trở về tôi sẽ trả lại ông”. Theo ông nghĩ, ai trong ba người đó là anh em của người bị rơi vào tay bọn cướp?” Người thông luật trả lời : “Kẻ đã tỏ lòng thương xót với người ấy”. Và Chúa Giê-su bảo ông : “Ông cũng hãy đi và làm như vậy”.
[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]
YÊU THƯƠNG THA NHÂN CÁCH VÔ ĐIỀU KIỆN
“Một người Samari kia đi đường, tới ngang chỗ người ấy, cũng thấy, và chạnh lòng thương” (Lc 10,33).
Người đời thường nói: “Ách giữa đàng mà mang vào cổ”. Câu này ngụ ý nói nhằm để tránh né những việc mà chúng ta cho là không mang lại ích lợi gì cho mình mà nhiều khi còn mang đến những phiền phức không đâu. Phải chăng con người e ngại khi bị làm phiền, bị liên lụy trước những sự việc xảy ra trong cuộc sống?
Trước câu hỏi của người thông luật: “Ai là người thân cận của tôi ?” (Lc 10,29), Đức Giêsu không đưa ra một câu trả lời cụ thể. Thế nhưng, Người kể cho người thông luật một dụ ngôn về người Samaria tốt lành. Việc nhìn vào cách hành xử của người Samaria đối với người bị nạn để định hướng cách yêu đối với tha nhân và định nghĩa lại khái niệm ‘người thân cận’. Lòng thương xót đã kéo người Samaria về phía nạn nhân vì người ấy cần được giúp. Ông sẵn sàng làm mọi sự cho nạn nhân. Người Samaria chấp nhận mất sức, mất công, mất của và mất thời gian; “Những hành động tiếp theo đó là kết quả của sự chuyển động của con tim biết chạnh lòng thương, tức là cảm được cái khổ của người khác và thấy cái khổ đó như thể của chính mình, hay của những người ruột thịt với mình”. Từ đó, người Samaria làm cho mình trở thành người thân cận của nạn nhân. Như thế, tương quan được thiết lập giữa ông và nạn nhân không là dòng giống, quốc gia hay tôn giáo, mà là lòng thương xót, là tình yêu – một tình yêu vô điều kiện. Chỉ bằng hành động phát sinh bởi tình yêu mới làm cho mình nên người thân cận với người khác; điều đó cũng có nghĩa rằng khái niệm người thân cận được mở rộng hay hướng tới tất cả mọi người.
Xu hướng chung của con người là: Ai giúp ta thì ta giúp lại. Thế nhưng, câu trả lời bằng dụ ngôn của Đức Giêsu thức tỉnh đời sống đạo của chúng ta với giới luật căn bản là luật yêu thương. Yêu thương vô điều kiện là nghĩa vụ của con người.
Thiên Chúa yêu thương, tỏ lòng thương xót đối với con người và đã trở nên gần gũi với con người. Tình yêu đó được thể hiện nơi chính con người Đức Giêsu. Thật vậy, “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban chính Con Một” của Người (Ga 3,16). Thiên Chúa mời gọi con người cũng hãy trao ban tình thương cách nhưng không, bởi lẽ chính chúng ta cũng đang nhận lãnh biết bao ân sủng từ tình yêu cách nhưng không của Thiên Chúa. Đến lượt mình, mỗi chúng ta cũng hãy trở nên những ‘người Samaria nhân hậu’ cho thời đại hôm nay ngay trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta.
Lời khuyên và mệnh lệnh của Đức Giêsu: Hãy đi và làm như vậy (x. Lc 10,37) thúc đẩy chúng ta mở lòng ra để biết quan tâm, chia sẻ, nâng đỡ và an ủi tha nhân. Cùng với đó, mỗi người biết dành thời gian cho người khác, dám chấp nhận được người khác làm phiền. Có như thế, chúng ta mới có thể vượt qua rào cản của ích kỷ, nhỏ nhen, hẹp hòi và toan tính để dám chọn lựa yêu thương anh chị em xung quanh.
Xin Chúa Thánh Thần đốt lên trong lòng chúng ta ngọn lửa tin yêu để chúng ta có thể trở nên những ‘người Samaria nhân hậu của thời đại’, giúp chúng ta có được một trái tim biết chạnh thương trước những đau khổ của anh chị em; cùng xin Ngài ban cho chúng ta ơn can đảm và quảng đại để biết mở vòng tay đỡ nâng, sẻ chia với tha nhân.
[/loichua]