Khi ấy, các người biệt phái xuất hiện và bắt đầu tranh luận với Chúa Giêsu. Họ xin Người một điềm lạ trên trời để thử Người. Người thở dài mà nói: “Tại sao thế hệ này lại xin điềm lạ? Quả thật, Ta bảo các ông hay: Sẽ chẳng cho thế hệ này điềm lạ nào”. Rồi bỏ họ đó, Người lại xuống thuyền sang bờ bên kia.
[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]
“Sao thế hệ này lại xin một dấu lạ” (Mc 8, 12a).
Theo lẽ tự nhiên, một cuộc tranh luận thường xảy ra khi đôi bên đều muốn hướng đến một sự thật, một chân lý. Trình thuật Tin mừng hôm nay cũng nói đến một cuộc tranh luận giữa Chúa Giêsu và các Pharisêu, nhưng cuộc tranh luận này lại không hướng đến việc tìm kiếm sự thật. Thật khó có thể tin nổi khi trước đó Chúa Giêsu đã làm rất nhiều phép lạ như chữa cho con gái một bà gốc Phênixi xứ Xiry khỏi bị quỷ ám, làm cho một người vừa điếc vừa ngọng được lành, hóa bánh ra nhiều nuôi đám đông dân chúng; thế mà những người Pharisêu lại xin Người một dấu lạ từ trời. Thiên Chúa biết rõ lòng con người, một đàng họ muốn thấy những dấu lạ nhưng đàng khác thì họ lại không thể chấp nhận những dấu lạ ấy. Các người Pharisêu đã có định kiến sẵn và chỉ muốn bắt bẻ Chúa, vì con mắt đức tin của họ bị mù lòa do ganh ghét đố kỵ gây nên. Thế nên Chúa Giêsu đã than phiền vì họ xin không đúng mục đích của điều được xin, nghĩa là những dấu lạ không nhắm đến việc thỏa mãn lợi ích và nhu cầu của con người, nhưng do bởi quyền năng và lòng thương xót của Thiên Chúa mà Ngài ban tặng cho con người.
Cuộc sống hôm nay, con người thường thích xin hơn là cho, và dễ dàng thấy rằng họ cần những thứ cho họ hơn là dành điều đó cho người khác. Không những thế, trong một xã hội của trào lưu chủ nghĩa cá nhân và vật chất hưởng thụ, con người sẽ có những đòi hỏi mang tính lợi ích cho mình mà chẳng màng chi lợi hay hại đối với người khác. Vì thế, con người sẽ dễ bị cám dỗ trước những khó khăn của cuộc sống, nếu cứ mãi làm nô lệ cho những nhu cầu không chân chính. Ngày nay Thiên Chúa vẫn tiếp tục biểu lộ quyền năng và tình yêu của Người nơi mọi việc trong cuộc sống của chúng ta. Mọi việc chúng ta làm cho người khác, hay những việc người khác làm cho chúng ta, đều là dấu chỉ để chúng ta biết rằng Thiên Chúa vẫn luôn để ý và dành cho chúng ta những điều tốt đẹp. Chúng ta đã nhận ra những dấu ấy để biến đổi đời sống nên tốt hơn, hay chúng ta lại làm điều gì khác?
Trong một thế giới tục hóa, giải thiêng và vô thần, chúng ta phải làm thế nào để nói về Thiên Chúa mà mọi người có thể nghe được, chấp nhận được và không cảm thấy dị ứng. Thưa, không cách nào khác hơn bằng việc nói về Thiên Chúa cụ thể qua đời sống của chính chúng ta. Xin Thiên Chúa biến đổi chúng ta trong tình yêu của Ngài và bằng những nỗ lực cộng tác của chúng ta nhờ ân sủng của Ngài, chúng ta biết làm chứng cho Ngài nhờ nhận biết được những ân sủng mà Thiên Chúa luôn tặng ban cho chúng ta. Amen.
[/loichua]