Thứ Bảy Tuần XXX Thường Niên – Ngày 30/10/2021

[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Lc 14,1.7-11″]

Một ngày sa-bát kia, Đức Giê-su đến nhà một ông thủ lãnh nhóm Pha-ri-sêu để dùng bữa: họ cố dò xét Người. Người nhận thấy khách dự tiệc cứ chọn cỗ nhất mà ngồi, nên nói với họ dụ ngôn này: Khi anh được mời đi ăn cưới, thì đừng ngồi vào cỗ nhất, kẻo lỡ có nhân vật nào quan trọng hơn anh cũng được mời, và rồi người đã mời cả anh lẫn nhân vật kia phải đến nói với anh rằng: Xin ông nhường chỗ cho vị này. Bấy giờ anh sẽ phải xấu hổ mà xuống ngồi chỗ cuối. Trái lại, khi anh được mời, thì hãy vào ngồi chỗ cuối, để cho người đã mời anh phải đến nói: “Xin mời ông bạn lên trên cho. Thế là anh sẽ được vinh dự trước mặt mọi người đồng bàn.Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên”.

 

[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]

SỐNG KHIÊM NHƯỜNG ĐỂ ĐÓN NHẬN TÌNH YÊU THIÊN CHÚA

“Phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên” (Lc 14,11).

Phàm là người sống trong thế gian, có ai mà không mong bản thân sẽ được nhiều người biết đến, được người khác tôn trọng. Ước muốn này xuất phát từ tính sâu thẳm của con người là được thừa nhận sự hiện hữu của mình trong cuộc sống. Thế nhưng, nó cũng lôi kéo chúng ta mắc vào thói háo danh xã hội.

Bài Tin Mừng đã cho thấy một phần hình ảnh của tính háo danh trong xã hội của người Do Thái. Những người được mời dự tiệc luôn muốn ngồi vào chỗ nhất. Chỗ nhất thường dành cho những người có địa vị xã hội. Ai ngồi vị trí đó sẽ được nhiều người kính nể, được ưu ái trong cuộc sống. Vì những lợi ích này, họ tâng bốc những người quyền thế nhưng lại sẵn sàng chà đạp, loài trừ những người có thân phận thấp kém, thậm chí tranh giành lẫn nhau để mong sao đạt được. Trước cách hành xử của những người dự tiệc, Chúa Giêsu đã dùng dụ ngôn về cách thức chọn chỗ ngồi khi đến dự tiệc. Khi anh được mời, thì hãy vào ngồi chỗ cuối, để cho người đã mời anh phải đến nói: Xin mời ông bạn lên trên cho. Thế là anh sẽ được vinh dự trước mặt mọi người đồng bàn (Lc 14,10). Thế nhưng, Chúa Giêsu không muốn trình bày về cách hành sử khôn ngoan trong cuộc sống nhưng mời gọi người tín hữu sống khiêm nhường.

Sống khiêm nhường không phải là thái độ nhịn nhục trước những người có quyền lực, hay phủ nhận những khả năng mà bản thân có. Sống khiêm nhường là biết thật và đánh giá đúng về con người của mình, biết nhận ra thân phận thụ tạo đầy giới hạn và tội lỗi. Người sống khiêm nhường là người biết mở tâm hồn ra với tình yêu Thiên Chúa để được chữa lành những thương tích, thanh tẩy những vết nhơ tội lỗi nơi tâm hồn để Chúa đổ tràn tình yêu vào cuộc sống. Thánh Gioan đã từng nói “Nếu chúng ta nói là chúng ta không có tội, chúng ta tự lừa dối chính mình, và sự thật không ở trong chúng ta. Nếu chúng ta thú nhận tội lỗi, Thiên Chúa là Đấng trung thành và công chính sẽ tha tội cho chúng ta, và thanh tẩy chúng ta sạch mọi điều bất chính” (1Ga 1,8-9). Khi sống đức khiêm nhường, chúng ta sẽ nhận ra những giá trị trân quý nơi anh chị em xung quanh. Họ là những quà tặng tình yêu mà Thiên Chúa trao ban để khích lệ và nâng đỡ ta trong cuộc sống.

Xin cho mỗi người chúng ta noi gương Chúa Giêsu, biết sống khiêm nhường mỗi ngày trong phục vụ mà không màng đến những lời khen hay địa vị xã hội. Chỉ có như thế, mỗi ngày chúng ta mở lòng đón nhận tình yêu và sự tha thứ của Thiên Chúa, qua đó ta trở nên những người mang ánh sáng tình yêu của Thiên Chúa đến với con người đang gặp khó khăn, đau khổ trong cuộc sống.

[/loichua]

Comments are closed.