Thứ Bảy Tuần XXIX Thường Niên – Ngày 22/10/2022

Lời Chúa: Lc 13,1-9

Lúc ấy, có mấy người đến kể lại cho Đức Giê-su nghe chuyện những người Ga-li-lê bị tổng trấn Phi-la-tô giết, khiến máu đổ ra hoà lẫn với máu tế vật họ đang dâng. Đức Giê-su đáp lại rằng: “Các ông tưởng mấy người Ga-li-lê này phải chịu số phận đó vì họ tội lỗi hơn mọi người Ga-li-lê khác sao? Tôi nói cho các ông biết: không phải thế đâu; nhưng nếu các ông không sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết như vậy. Cũng như mười tám người kia bị tháp Si-lô-ác đổ xuống đè chết, các ông tưởng họ là những người mắc tội nặng hơn tất cả mọi người ở thành Giê-ru-sa-lem sao? Tôi nói cho các ông biết: không phải thế đâu; nhưng nếu các ông không chịu sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết y như vậy.” Rồi Đức Giê-su kể dụ ngôn này: “Người kia có một cây vả trồng trong vườn nho mình. Bác ta ra cây tìm trái mà không thấy, nên bảo người làm vườn: “Anh coi, đã ba năm nay tôi ra cây vả này tìm trái, mà không thấy. Vậy anh chặt nó đi, để làm gì cho hại đất?” Nhưng người làm vườn đáp: ‘Thưa ông, xin cứ để nó lại năm nay nữa. Tôi sẽ vun xới chung quanh, và bón phân cho nó. May ra sang năm nó có trái, nếu không thì ông sẽ chặt nó đi’.”

 


Suy niệm

MỖI SỰ KIỆN LÀ LỜI GỢI NHẮC VỀ CÙNG ĐÍCH ĐỜI NGƯỜI

Tôi nói cho các ông biết: không phải thế đâu; nhưng nếu các ông không chịu sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết y như vậy (Lc 13,3).

Một số người đến kể lại cho Chúa Giêsu sự kiện, những người Galilê đang dâng lễ vật thì bị tổng trấn Philatô giết. Họ muốn dò xem suy nghĩ của Chúa Giêsu trước sự kiện này như thế nào? Thay vì, Chúa Giêsu đưa ra suy nghĩ của Ngài về sự kiện và kết thúc câu chuyện ở đó. Chúa Giêsu đã không làm như thế, Ngài muốn đi xa hơn khi mời gọi những người đến trò chuyện phải suy nghĩ: Sự kiện đó, gợi nhắc điều gì cho cuộc đời tôi?

Quan niệm của người Do Thái đương thời, đau khổ và tội lỗi có mối tương quan mật thiết với nhau. Dựa vào quan niệm này, người ta có thể lý giải cho cái chết của những người Galilê bị tổng trấn Philatô giết “Chắc vì đời sống họ tội lỗi nên số phận mới như thế”. Mối nguy hiểm của mạch lý giải là không giúp cho con người nhận ra thân phận tội lỗi của mình. Trước nhan Thiên Chúa, tất cả con người đều là tội nhân (x. Tv 51,7). Lời của Chúa Giêsu đã đưa những người đang trò chuyện trở về với ý thức thân phận, tôi là tội nhân “Tôi nói cho các ông biết: không phải thế đâu; nhưng nếu các ông không chịu sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết y như vậy” (Lc 13,3). Nếu như số phận của những người Galilê bị tổng trấn Philatô giết về phần xác thì số phận của các ông sẽ thế nào khi đối diện với Đấng vừa giết được cả phần xác lẫn phần hồn. Nói cách khác, Chúa Giêsu mời gọi những người đang trò chuyện hãy nhìn vào sự kiện đã xảy ra với những người Galilê mà suy nghĩ về số phận của đời mình. Lý trí mách bảo cho họ biết: Họ là tội nhân và cần phải sám hối. Thiên Chúa luôn kiên nhẫn và cho con người cơ hội sám hối. Tựa như, cây vả trong dụ ngôn được ông chủ đồng ý để lại một thời gian nữa.

Hình ảnh mấy người đến kể lại cho Chúa Giêsu sự kiện những người Galilê bị tổng trấn Philatô giết đang lặp lại ở dưới những hình thức sự kiện khác và mấy người đó chính là mỗi người chúng ta. Những thảm kịch tai nạn giao thông, thiên tai hay các tin tức giết người rúng động xã hội… Đặc biệt, sự kiện dịch bệnh Covid đã gây ra bao đau thương và mất mát cho con người, đều là những sự kiện mà chúng ta đã từng kể lại cho Chúa. Chúa rất vui và Chúa muốn cứ tiếp tục đến kể lại cho Chúa nghe. Khi đã kể lại sự kiện, Chúa không muốn chúng ta dừng lại mà hãy tiến thêm là qua các sự kiện bản thân chúng ta cần phải chuẩn bị gì cho cuộc gặp gỡ cuối cùng với Chúa. Khi soi chiếu cùng đích cuộc đời qua các sự kiện, chúng ta sẽ nhìn thấy tình trạng của bản thân và biết cần phải làm gì. Chúng ta đừng sợ hãi hay bối rối khi nhìn thấy tình trạng tội lỗi của bản thân: Tôi tội lỗi như thế thì làm gì còn có cơ hội. Chúng ta đừng thất vọng nhưng can đảm đứng lên làm lại cuộc đời tại vị trí mà chúng ta vấp ngã. Thiên Chúa luôn kiên nhẫn và cho con người cơ hội làm lại cuộc đời.

Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn biết suy ngẫm về cùng đích đời người qua các sự kiện xảy ra xung quanh. Nhờ đó, chúng con biết nhìn lại và thây đổi nếp sống cho phù hợp với tinh thần Tin Mừng để đến ngày ra trước tòa Chúa, Chúa sẽ phán: Hỡi những kẻ Cha ta chúc phúc hãy vào hưởng Vương Quốc đã dọn sẵn cho các ngươi (x. Mt 25,34). Amen


Comments are closed.