Thứ Bảy tuần XVII Thường Niên – Ngày 5/8/2023

[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Mt 14,1-12″]

Thời ấy, tiểu vương Hê-rô-đê nghe danh tiếng Đức Giê-su, thì nói với những kẻ hầu cận rằng: “Đó chính là ông Gio-an Tẩy Giả; ông đã từ cõi chết trỗi dậy, nên mới có quyền năng làm phép lạ”. Số là vua Hê-rô-đê đã bắt trói ông Gio-an và tống ngục vì bà Hê-rô-đi-a, vợ ông Phi-líp-phê, anh của nhà vua. Ông Gio-an có nói với vua: “Ngài không được phép lấy bà ấy”. Vua muốn giết ông Gio-an, nhưng lại sợ dân chúng, vì họ coi ông là ngôn sứ. Vậy, nhân ngày sinh nhật của vua Hê-rô-đê, con gái bà Hê-rô-đi-a đã biểu diễn một điệu vũ trước mặt quan khách, làm cho nhà vua vui thích. Bởi đó, vua thề là hễ cô xin gì, vua cũng ban cho. Nghe lời mẹ xui bảo, cô thưa rằng: “Xin ngài ban cho con, ngay tại chỗ, cái đầu ông Gio-an Tẩy Giả đặt trên mâm”. Nhà vua lấy làm buồn, nhưng vì đã trót thề, lại thề trước khách dự tiệc, nên truyền lệnh ban cho cô. Vua sai người vào ngục chặt đầu ông Gio-an. Người ta đặt đầu ông trên mâm, mang về trao cho cô, và cô ta đem đến cho mẹ. Môn đệ ông đến lấy thi hài ông đem đi mai táng, rồi đi báo cho Đức Giê-su.

 

[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]

PHÚC THAY AI BỊ BÁCH HẠI VÌ SỐNG CÔNG CHÍNH

“Ông Gio-an có nói với vua: “Ngài không được phép lấy bà ấy” (Mt 14,4)

Hôm nay không phải là ngày lễ Thánh Gioan Tẩy Giả bị trảm quyết, nhưng phụng vụ Lời Chúa tường thuật về cái chết của thánh nhân.

Những chương đầu của Tin Mừng Nhất Lãm đã cho chúng ta biết thân thế và sứ mạng của Gioan. Theo đó, nhờ quyền năng Thiên Chúa và để dọn đường cho Đấng Cứu Thế, thánh nhân đã được hạ sinh khi cha mẹ đã cao niên. Khi đến tuổi trưởng thành, ngài sống khổ hạnh trong sa mạc và kêu gọi mọi người ăn năn sám hối, dọn lòng xứng đáng đón rước Đấng Cứu Thế. Thời điểm đó cũng là lúc Hêrôđê Antipa làm quận vương cai trị xứ Galilêa, ông này có đời sống trụy lạc đến độ ngang nhiên lấy vợ của anh trai làm vợ của mình, nên Gioan Tẩy Giả đã công khai lên tiếng cảnh báo và ngăn cản. Và đó cũng là lý do dẫn đến cái chết của thánh nhân, vị tiền hô sống và làm chứng cho lẽ phải, cho sự thật.

Cái chết của Gioan Tẩy Giả có thể là một bi kịch, một thất bại dưới cái nhìn của người đời, nhưng nó lại là một mối phúc mà Chúa Giêsu đã dạy: “Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ” (Mt 5,10). Gioan đã chết vì can đảm nói lên sự thật, và phần phúc của ông không chỉ là người đầu tiên được Đấng Cứu Thế viếng thăm, mà còn được hợp đoàn cùng các thánh, diện kiến Tôn Nhan Thiên Chúa đời đời.

Cuộc đời, sứ vụ và cái chết của Gioan Tẩy Giả là tấm gương sáng ngời cho những ai tin theo Chúa. Là người Kitô hữu, chúng ta được dạy phải sống thánh thiện và công chính như Đấng chúng ta tôn thờ, đến độ phải chấp nhận chịu thiệt thân vì chính đạo, vì công lý. Như đã nói, đối với người đời đó có thể không chấp nhận, nhưng thực chất lại là chiến thắng, là phần phúc trước mặt Thiên Chúa.

Không chỉ Gioan Tẩy Giả mà cách hành xử của Hêrôđê cũng dạy cho chúng ta một bài học. Thực ra, Hêrôđê cũng có phần nể trọng Gioan, nhưng vì danh dự, vì sắc đẹp, vì những của phù vân nên ông đã ra lệnh giết Gioan theo yêu cầu của con gái bà Hêrôđia. Trong đời sống thường nhật, người tín hữu cũng dễ bị những cám dỗ của danh lợi thú dẫn dắt đến những nẻo đường tội lội, tiếp cận với những sự hào nhoáng, hấp dẫn, hay vinh quang chóng qua của đời này. Những thứ mà có thể làm biến chất, làm mất đi căn tính, mất quyền tự chủ, biến chúng ta trở thành nô lệ của tội lỗi, làm hại đến chính mình, thậm chí là mưu hại đến người khác.

Lạy Chúa, xưa thánh Gioan Tẩy Giả đã can đảm làm chứng cho sự thật và hy sinh vì chính đạo thế nào, thì nay xin Chúa cho chúng con cũng biết sống ngay lành thánh thiện trước những cám dỗ của thế gian và biết xả thân làm chứng cho Tin Mừng như vậy. Amen.

[/loichua]

Comments are closed.