Thứ Bảy Tuần XII Mùa Thường Niên – LỄ THÁNH PHÊRÔ VÀ PHAOLÔ TÔNG ĐỒ – Ngày 29/06/2024

[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Mt 16,13-19″]

Một hôm, khi Đức Giêsu đến miền Xêdarê Philípphê, Người hỏi các môn đệ rằng: “Người ta nói Con Người là ai ?” Các ông thưa: “Kẻ thì nói là ông Gioan Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Êlia, có người lại cho là ông Giêrêmia hay một trong các vị ngôn sứ.” Đức Giêsu lại hỏi: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai ?” Ông Simôn Phêrô thưa: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống.” Đức Giêsu nói với ông: “Này anh Simôn con ông Giôna, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy.”

 

[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]

TẢNG ĐÁ XÂY DỰNG HỘI THÁNH

“Thầy bảo cho anh biết: anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi.” (Mt 16,18)

Tựa như nhiều vật liệu được người thợ xây kết hợp để tạo nên một ngôi nhà hoàn chỉnh, hai thánh Phêrô và thánh Phaolô cũng được Thiên Chúa sắp đặt theo cách thức khác nhau để nên những viên “đá tảng” xây nên Hội Thánh. Lời Tiền tụng trong thánh lễ cho ta thấy rõ: Chúa đã sắp đặt để thánh Phêrô là người đầu tiên tuyên xưng đức tin, thánh Phaolô là người làm sáng tỏ đức tin, thánh Phêrô thiết lập Hội Thánh tiên khởi cho người Israel, thánh Phaolô là thầy giảng dạy muôn dân.

Thánh Phêrô là một người đàn ông Do Thái có gia đình, nghề nghiệp đánh cá, học vấn bình thường. Đáp lại lời mời gọi và bước theo Chúa Giêsu từ khi Người khởi đầu sứ vụ công khai (x.Mt 4,18-20), Phêrô chứng kiến việc Thầy làm, lắng nghe lời Thầy dạy, chia sẻ cuộc sống với Thầy mình cách mật thiết. Ông là người nhận ra sự thánh thiêng nơi Thầy (x.Lc 5,8), là người tuyên xưng đức tin (x.Mt 16,16). Tuy nhiên, ông cũng là người phản đối Chúa đi con đường thập giá, là người nhát đảm chối Thầy ba lần (x.Mt 26,75). Nhưng, Chúa Giêsu vẫn tha thứ, tín nhiệm trao cho ông chăm sóc đoàn chiên của Người (x.Ga 21,15-17). Cuối cùng, Phêrô đã hy sinh cả mạng sống để làm chứng cho Chúa Giêsu (x.Ga 21,18-19).

Còn thánh Phaolô, ông là một người Pharisêu học thức và nhiệt thành với đạo Do Thái. Ông đã “hăng say bắt bớ, và những muốn tiêu diệt Hội Thánh của Thiên Chúa” (Gl 1,13). Ông ủng hộ việc giết Stephano (x.Cv 8,1). Tuy nhiên, ông đã được biến đổi trở nên lợi khí của Chúa để đem Tin Mừng đến với các dân ngoại (x.Cv 9,15). Ông thiết lập Hội Thánh ở vùng Tiểu Á, Châu Âu. Cuối cùng, Phaolô bị bắt ở Giêrusalem và đưa về Roma để xét xử và tử đạo.

Khi tóm lược cuộc đời của hai vị thánh, ta không chỉ thấy những điểm khác biệt mà còn nhận ra điểm chung nơi các ngài. Đó là ân sủng đã tác động làm nên điều kỳ diệu nơi con người và cuộc đời của hai ngài. Đức Kitô trở nên trung tâm và giá trị đích thực của cuộc đời các ngài: “Tôi coi tất cả như rác, để được Đức Kitô và được kết hợp với Người” (Pl 3,9) hay “Anh em hãy lớn lên trong ân sủng và trong sự hiểu biết Đức Giêsu Kitô là Chúa và là Đấng Cứu Độ chúng ta” (2Pr 3,18). Vì thế, sẽ thiếu sót nếu chúng ta chỉ tôn kính hai thánh theo như cách người đời vẫn làm với các bậc vĩ nhân mà quên đi ân sủng của Chúa. Đồng thời, sẽ là không đầy đủ nếu ta chỉ để ý đến hai vị thánh lớn này mà không ý thức đến mỗi người chúng ta. Chính ân sủng vẫn đang tuôn tràn từ Đức Kitô, là Đầu, đến mỗi người chúng ta, là chi thể của Người. Thiên Chúa vẫn đang mời gọi chúng ta mang Tin Mừng của Người đến với tha nhân. Và mỗi người chúng ta đều là những viên đá sống động (x. 1Pr 2,5) góp phần xây dựng Hội Thánh bằng đức tin chân thật, đức cậy vững vàng và đức ái hoàn hảo.

“Lạy Chúa, chúng con tuyên dương tình thương và ân sủng Chúa nơi thánh Phêrô và Phaolô. Xin cho chúng con chuyên cần tìm hiểu giáo lý các Tông Đồ, siêng năng lãnh nhận các bí tích, nhất là bàn tiệc Lời Chúa và Thánh Thể. Nhờ đó, chúng con thêm mạnh sức canh tân cuộc đời mình để nên những viên đá hữu ích xây dựng Hội Thánh ở trần thế và mai sau được thuộc về Hội Thánh Thiên Quốc mà hưởng vinh phúc muôn đời. Amen”.

[/loichua]

Comments are closed.