[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Ga 21,20-25″]
Khi ấy, Phêrô quay lại, thấy môn đệ Chúa Giêsu yêu mến theo sau, cũng là người nằm sát ngực Chúa trong bữa ăn tối và hỏi “Thưa Thầy, ai là người sẽ nộp Thầy?” Vậy khi thấy môn đệ đó, Phêrô hỏi Chúa Giêsu rằng: “Còn người này thì sao?” Chúa Giêsu đáp: “Nếu Thầy muốn nó cứ ở lại mãi cho tới khi Thầy đến thì việc gì đến con? Phần con, cứ theo Thầy”. Vì thế, có tiếng đồn trong anh em là môn đệ này sẽ không chết. Nhưng Chúa Giêsu không nói với Phêrô: “Nó sẽ không chết”, mà Người chỉ nói: “Nếu Thầy muốn nó cứ ở lại mãi cho tới khi Thầy đến thì việc gì đến con”. Chính môn đệ này làm chứng về những việc đó và đã viết ra, và chúng tôi biết lời chứng của người ấy xác thật. Còn nhiều việc khác Chúa Giêsu đã làm, nếu chép lại từng việc một thì tôi thiết tưởng cả thế giới cũng không thể chứa hết các sách viết ra.
[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]
NÊN THÁNH TRONG MỖI BẬC SỐNG RIÊNG
“Giả như Thầy muốn anh ấy còn ở lại cho tới khi Thầy đến, thì việc gì đến anh? Phần anh, hãy theo Thầy”. (Ga 21,22)
Trong buổi tiếp kiến những vị lãnh đạo các cơ quan trung ương Tòa Thánh đến chúc mừng nhân dịp lễ Giáng Sinh và năm mới 2015, Đức Phanxicô đã nêu lên 14 căn bệnh mà Giáo triều Rôma thường rơi vào. Trong số đó, bệnh háu danh – cạnh tranh có lẽ là những căn bệnh vẫn luôn tiềm ẩn trong giới lãnh đạo Công giáo và khiến ta cảm thấy lo lắng nhất. Tại sao chúng lại nguy hiểm?
Bối cảnh của đoạn Tin mừng cộng đoàn vừa nghe xảy ra sau cuộc đối thoại đầy thân tình giữa Chúa Giêsu và vị môn đệ trưởng của mình. Trong cuộc đối thoại thân tình ấy, Chúa Giêsu đã trao cho ông sứ mạng thật cao cả là đại diện Ngài để chăn dắt đàn chiên mà chính Ngài đã thiết lập. Sự trao ban sứ vụ nói lên sự tin tưởng và tín nhiệm của Ngài đối với vị tông đồ bộc trực này. Thế nhưng, những ân huệ ấy vẫn là chưa đủ bởi Phêrô còn muốn nhiều hơn nữa. Thâm ý này biểu lộ qua câu mà ông đã hỏi lại Chúa: : Thưa Thầy, còn anh này thì sao? Câu hỏi không chỉ chứa đựng ẩn ý muốn biết về vị thế và sứ mạng của người kia nhưng còn muốn can thiệp vào ý định của Thiên Chúa. Nhưng, Chúa Giêsu đã khôn khéo cắt ngang và lập lại ý định mà Ngài muốn nơi Phêrô: Phần anh, hãy theo Thầy.
Giáo Hội là một cộng đoàn những người được Lời Chúa quy tụ để thi hành việc thờ phượng Thiên Chúa. Tuy cộng đoàn này có nguồn gốc thánh thiêng nhưng vẫn còn hiện diện những yếu tố trần tục. Trong cộng đoàn ấy, người ta vẫn nhìn thấy những tội nhân, sự chia rẽ và cả óc bè phái. Tất cả là hậu quả của một “gia đình” sống thiếu đi tình yêu thương, nâng đỡ mà để cho lòng ích kỷ, đố kỵ, ghen tương lấn áp. Do đó, mỗi người được mời gọi mặc lấy tinh thần của thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Êphêxô: “chính Người đã ban ơn cho kẻ này làm Tông Đồ, người nọ làm ngôn sứ, kẻ khác làm người loan báo Tin Mừng, kẻ khác nữa làm người coi sóc và dạy dỗ. Nhờ đó, dân thánh được chuẩn bị để làm công việc phục vụ, là xây dựng thân thể Đức Kitô, cho đến khi tất cả chúng ta đạt tới sự hiệp nhất trong đức tin và trong sự nhận biết Con Thiên Chúa, tới tình trạng con người trưởng thành, tới tầm vóc viên mãn của Đức Kitô”. (Ep 4,11-13)
Khi thấy trước những xáo trộn mà ma quỷ sẽ gieo rắc nơi cộng đoàn sơ khai Chúa Giêsu đã cầu nguyện: xin cho chúng nên một (Ga 17,21). Xin Chúa cho mỗi chúng ta ý thức hơn về sứ mạng được ủy thác trong bậc sống của mình để chu toàn nó cách tốt nhất.
[/loichua]