Thứ Bảy Tuần V Thường Niên – Ngày 12/02/2022

[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Mc 8,1-10″]

Trong những ngày ấy, lại có một đám rất đông, và họ không có gì ăn, nên Đức Giê su gọi các môn đệ lại và nói: “Thầy chạnh lòng thương đám đông, vì họ ở luôn với Thầy đã ba ngày rồi mà không có gì ăn! Nếu Thầy giải tán, để họ nhịn đói mà về nhà, thì họ sẽ bị xỉu dọc đường. Trong số đó lại có những người ở xa đến”. Các môn đệ thưa Người: “Ở đây, trong nơi hoang địa này, lấy đâu ra bánh cho họ ăn no?” Người hỏi các ông: “Anh em có mấy chiếc bánh?” Các ông đáp: “Thưa có bảy chiếc”. Người truyền cho họ ngồi xuống đất. Rồi Người cầm lấy bảy chiếc bánh, dâng lời tạ ơn, và bẻ ra, trao cho các môn đệ để các ông dọn ra. Và các ông đã dọn ra cho đám đông. Các môn đệ cũng có mấy con cá nhỏ. Người đọc lời chúc tụng, rồi bảo các ôn dọn luôn cá nữa. Đám đông đã ăn và được no nê. Người ta nhặt lấy những mẫu bánh còn thừa: bảy giỏ! Mà đám đông có khoảng bốn ngàn người. Người giải tán họ. Lập tức, Đức Giê su xuống thuyền với các môn đệ và đến miền Đan-ma-nu-tha.

 

[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]

ĐƯỢC CHÚA THẤY VÀ CHẠNH THƯƠNG LÀ ĐƯỢC CHÚA Ở CÙNG.

“Thầy chạnh lòng thương đám đông, vì họ ở luôn với thầy đã ba ngày rồi mà không có gì ăn…” (x. Mc 8,2-3).

Trong lịch sử con người, Thánh Kinh cho thấy Thiên Chúa là Đấng ở với con người. Từ bụi đất, Thiên Chúa đã nắn lên con người và Người đã ở với họ khi ban sinh khí là sức sống của Người cho họ (x. St 2,7). Khi con người phạm tội bất tuân (x. St 3,7), Thiên Chúa ở với họ khi hứa ban Đấng Cứu độ (x. St 3,15). Với dân Israel, Thiên Chúa đã giương cánh tay uy hùng mạnh mẽ để đưa họ thoát khỏi cảnh nô lệ Ai-cập. Nếu Thiên Chúa đã giương cánh tay uy hùng mạnh mẽ trên Ai-cập (x. Xh 7-11) để cho thấy Thiên Chúa là Đấng luôn ở với dân, thì Người cũng đã sai các tiên tri đến an ủi và kêu gọi dân trở về với Người, trong cảnh lưu đày không còn hy vọng. Như thế, Thiên Chúa không bao giờ rời bỏ con người, nhưng đúng hơn Thiên Chúa luôn nhìn đến họ và thương xót họ.

Nếu Cựu Ước cho thấy một Thiên Chúa luôn ở với con người, thì Tân Ước là chính sự hiện diện sống động của một Thiên Chúa ở với con người. Đó là Đức Giêsu, Ngôi Lời Nhập Thể. Nơi Đức Giêsu, việc ở với con người nay hữu hình hơn bao giờ hết. Ngài đã mang lấy thân phận con người, nên giống con người mọi đàng, ngoại trừ tội lỗi. Sự ‘mang lấy’ và ‘nên giống’ cho thấy Ngài biết cái biết của con người, hiểu cái hiểu của con người, vui niềm vui của con người và đau nỗi đau của họ. Không những thế, Ngài cũng thấu cái khổ của con người, nghe nỗi ưu tư của con người và thương cái xót – cái đau của họ. Và trong Tin Mừng cộng đoàn vừa nghe, Đức Giêsu là Thiên Chúa ở với con người được thánh sử Máccô phát họa rất rõ nét. Cụ thể, Ngài biết dân chúng đã ở với mình ba ngày. Ngài biết họ không có gì ăn. Ngài thấy họ có thể bị xỉu dọc đường nếu nhịn đói mà về nhà. Ngài biết trong số họ có những người ở xa. Và Ngài biết khi ngài thấy về cuộc sống của mỗi người trong họ. Như thế, Đức Giêsu luôn biết và thấy những khó khăn của dân chúng khi đến với mình. Chúa đã biết và thấy để làm gì ? Thưa rằng, Chúa biết và thấy để chạnh thương với cuộc sống của họ không được mấy tốt đẹp. Chúa biết và thấy để làm cho cuộc sống họ được nhiều điều tốt hơn. Chúa đã chạnh thương ban cho họ bánh ăn, và ăn được no nê. Chúa đã cho họ được đi bình an mà không cần lo sợ té ngã dọc đường. Và chắc chắn Chúa sẽ không bao giờ bỏ rơi họ dù là khoảng cách về phương diện thể lý.

Đời sống đức tin của Kitô hữu hôm nay cho thấy sự hiện diện của Thiên Chúa. Điều này được thể hiện cụ thể qua việc trung thành trong đời sống đạo của mình. Việc cố gắng tham dự Thánh lễ và trung thành trong các kinh nguyện nơi gia đình hay cộng đoàn, là cách cho thấy Chúa ở cùng chúng ta. Chúa ở cùng chúng ta khi mỗi người biết cố gắng sống tốt lành bằng hiền từ và bao dung với người khác. Và Chúa ở cùng chúng ta khi ta biết quan tâm đến người khác, lúc thấy họ cần được giúp đỡ, và đừng ngần ngại giúp đỡ họ. Việc được Chúa ở cùng như thế cũng có nghĩa là Chúa đang thấy và yêu thương mỗi người.

Nguyện xin Chúa là nguồn bình an ở cùng mỗi người chúng ta trong đời sống đức tin hằng ngày. Nguyện ước cho sự bình an của chúng ta lan tỏa đến những nơi chưa có sự bình an của Thiên Chúa, Đấng luôn hiện diện, thấy và chạnh thương đối với mỗi người.

[/loichua]

Comments are closed.