Thứ Bảy Tuần IV Mùa Chay – Ngày 02/04/2022

[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Ga 7,40 – 53″]

40 Khi ấy, Đức Giêsu giảng dạy tại đền thờ Giêrusalem. Trong dân chúng, có những người nghe các lời của Đức Giêsu thì nói: “Ông này thật là vị ngôn sứ.”

41 Kẻ khác rằng: “Ông này là Đấng Ki-tô.” Nhưng có kẻ lại nói: “Đấng Kitô mà lại xuất thân từ Galilê sao ?

42 Nào Kinh Thánh đã chẳng nói: Đấng Kitô xuất thân từ dòng dõi vua Đavít và từ Bêlem, làng của vua Đavít sao ?”

43 Vậy, vì Người mà dân chúng đâm ra chia rẽ.

44 Một số trong bọn họ muốn bắt Người, nhưng chẳng có ai tra tay bắt.

45 Các vệ binh trở về với các thượng tế và người Pharisêu. Họ liền hỏi chúng: “Tại sao các anh không điệu ông ấy về đây ?”

46 Các vệ binh trả lời: “Xưa nay chưa hề đã có ai nói năng như người ấy !”

47 Người Pharisêu liền nói với chúng: “Cả các anh nữa, các anh cũng bị mê hoặc rồi sao?

48 Trong hàng thủ lãnh hay trong giới Pharisêu, đã có một ai tin vào tên ấy đâu ?

49 Còn bọn dân đen này, thứ người không biết Lề Luật, đúng là quân bị nguyền rủa !”

50 Trong nhóm Pha-ri-sêu, có một người tên là Nicôđêmô, trước đây đã đến gặp Đức Giêsu; ông nói với họ:

51 “Lề Luật của chúng ta có cho phép kết án ai, trước khi nghe người ấy và biết người ấy làm gì không ?”

52 Họ đáp: “Cả ông nữa, ông cũng là người Galilê sao ? Ông cứ nghiên cứu, rồi sẽ thấy: không một ngôn sứ nào xuất thân từ Galilê cả.”

53 Sau đó, ai nấy trở về nhà mình.

 

[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]

RÀO CẢN ĐẾN VỚI CHÚA

“Đấng Kitô mà lại xuất thân từ Galilê sao ?” (Ga 7,41)

Trong cuộc sống, mỗi chúng ta ít nhiều có định kiến về ai đó hoặc về vấn đề nào đó. Điều này cũng dễ hiểu bởi chúng ta có thể thiếu hiểu biết, không có thiện cảm và thiếu lòng quảng đại bao dung với người khác; cũng có thể do ảnh hưởng môi trường gia đình, văn hóa vùng miền, v.v. nên rất dễ có định kiến.

Trong bài Tin Mừng, thánh Gioan đã thuật lại sự mâu thuẫn giữa hai luồng ý kiến của đám đông dân chúng lẫn các thượng tế và biệt phái. Nhiều người trong đám đông có kinh nghiệm sống với Chúa Giêsu, nghe Lời Người giảng và thấy những việc Người làm, đã tin tưởng và tuyên xưng Chúa Giêsu là Ngôn sứ, là Đấng Kitô. Kể cả những lính tráng của các thượng tế cũng phải về báo cáo là: “Xưa nay chưa hề đã có ai nói năng như người ấy!” (Ga 7,46). Phần còn lại của đám đông thì vướng phải rào cản là xuất thân của Người: “Đấng Kitô mà lại xuất thân từ Galilê sao? Nào Kinh Thánh đã chẳng nói: Đấng Kitô xuất thân từ dòng dõi vua Đavít và từ Bêlem, làng của vua Đavít sao?” (Ga 7,41-42) Các thượng tế và biệt phái cũng thế, xuất thân của Chúa Giêsu là một trong những rào cản khiến họ không tin tưởng vào Người, vì hiểu Kinh Thánh cách nông cạn, theo mặt chữ mà không nghe theo tiếng Chúa Thánh Thần, nên không nhận ra Đức Kitô, dẫn đến họ cãi nhau và chia rẽ lẫn nhau.

Đôi khi, chúng ta cũng như họ. Định kiến của một số đám đông đã trở thành định kiến xã hội, khiến chúng ta vô tình bị vướng vào rào cản ấy. Tâm lí chung của chúng ta là “nhìn quả biết cây”, “Con vua thì lại làm vua/ Con sãi ở chùa thì quét lá đa”, … Một người sinh ra trong gia đình lương thiện thì sẽ lương thiện, sinh ra trong gia đình bất hảo thì sẽ bất hảo, sinh ra trong gia đình quyền quý sẽ lại quyền quý, sinh ra trong gia đình quan chức rồi sẽ lại làm quan… Định kiến ấy ăn sâu vào đầu của từng người, khiến những người bị vướng vào đó khó lòng có cơ hội thay đổi, cho dù đối phương hiện tại có tốt thế nào, thì trong mắt chúng ta họ vẫn là xấu. Chúng ta không nên để những định kiến ấy trở thành rào cản ngăn cách chúng ta đến với tha nhân, vì qua tha nhân chúng ta đến được với Thiên Chúa.

Mùa Chay Thánh đã gần kết thúc. Trong những ngày cuối này, chúng ta không chỉ phải tiếp tục ăn năn thống hối mà còn phải chiêm niệm về cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, Người vô tội nhưng đã gánh tội thay cho chúng ta. Đều là tội nhân trước mặt Thiên Chúa, chúng ta nên dìu dắt nhau trở về, tạo cơ hội cho anh em mình nhanh chóng nhận ra tình yêu của Người để cùng nhau thống hối ăn năn, hơn là cùng với số đông loại trừ anh em mình ra khỏi tập thể, khiến họ bị cô lập, tiến thoái lưỡng nan.

Xin cho mỗi người chúng ta ý thức rằng Mùa Chay thánh là dịp thuận tiện để chúng ta nhìn lại bản thân để thay đổi, nhìn lại mối tương quan với anh em để đối nhân xử thế và nhất là để cầu nguyện xin Chúa hoán cải tâm hồn chúng ta và cả những người chúng ta có thành kiến.

[/loichua]

Comments are closed.