Thứ Bảy Tuần IV Mùa Chay – LỄ TRUYỀN TIN – Ngày 25/03/2023

Lời Chúa: Lc 1,26-38

Bà Ê-li-sa-bét có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gáp-ri-en đến một thành miền Ga-li-lê, gọi là Na-da-rét, gặp một trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giu-se, thuộc dòng dõi vua Đa-vít. Trinh nữ ấy tên là Ma-ri-a. Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà.” Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì. Sứ thần liền nói: “Thưa bà Ma-ri-a, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa. Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giê-su. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận.” Bà Ma-ri-a thưa với sứ thần: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng!” Sứ thần đáp: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa. Kìa bà Ê-li-sa-bét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng. Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được.” Bấy giờ bà Ma-ri-a nói: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.” Rồi sứ thần từ biệt ra đi.

 


Suy niệm

VÂNG PHỤC TRONG NIỀM TÍN THÁC

“Vâng tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc1,38)

Hôm nay Giáo hội mừng kính biến cố Sứ thần truyền tin cho Đức Trinh Nữ Maria. Với biến cố truyền tin, Thiên Chúa chính thức thực hiện lời hứa cứu độ dành cho nhân loại, khi trao ban chính Con Một của Người nhập thể làm người trong lòng Trinh Nữ Maria. Khi suy gẫm về lời thưa “xin vâng” của Mẹ Maria trong biến cố truyền tin, và với tâm tình mùa chay thánh, chúng ta cùng nhìn lại thái độ vâng phục của bản thân trước lời mời gọi của Chúa Giêsu: “hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15).

Nếu chỉ nhìn theo lối nhìn của thế gian, lời thưa “xin vâng” của Mẹ Maria quả là một sự liều lĩnh. Vì lời Sứ thần loan báo: “bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai” (Lc 1,31), và việc mang thai đó không bởi tác động của người nam nhưng do quyền năng của Thiên Chúa (x. Lc 1,35), là điều trái ngược với quy luật tự nhiên. Chính vì thế khiến Mẹ Maria không khỏi bối rối, lo lắng và thưa lên “việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng” (Lc 1,34). Bởi với tâm lý bình thường, Mẹ Maria khi ấy cũng có những dự định và kế hoạch ấp ủ cho cuộc đời như bao người thiếu nữ Do Thái cùng thời. Hơn nữa nếu chấp nhận lời Sứ thần loan báo rằng mình sẽ có thai có thể dẫn đến sự hiểu lầm của thánh Giuse – người mà Mẹ đã đính hôn, mất đi đức hạnh trước mắt người đời, thậm chí là cái chết vì ném đá theo luật của người Do Thái (x. Đnl 22,23-24). Vì thế, để có thể thưa tiếng “xin vâng” và sống tiếng “xin vâng” trong cuộc đời thì chắc chắn Mẹ Maria phải có một lòng tín thác mãnh liệt vào chính Thiên Chúa. Và lòng tin ấy không ngừng được Mẹ nuôi dưỡng trong suốt cuộc hành trình dương thế của Mẹ. Chính nhờ lòng tin vững mạnh ấy mà Mẹ có thể đón nhận những đau khổ khi vâng phục kế hoạch của Thiên Chúa suốt cuộc đời, kể từ biến cố truyền tin cho đến việc chứng kiến con mình chịu chết trên thập giá như một tội nhân.

Cuộc hành trình vâng phục trong đức tin của Mẹ Maria khi xưa, cũng là cuộc hành trình của mỗi người Kitô hữu ngày nay. Quả thật, ngày nay sống trong một xã hội tục hóa đề cao tự do và quyền lợi cá nhân, thì việc sống xin vâng theo thánh ý của Chúa là một thách đố không nhỏ đối với mỗi người Kitô hữu. Và không phải bất cứ ai cũng có đủ can đảm để sống Lời Chúa trong cuộc đời hiện tại nếu không có một niềm tín thác mạnh mẽ vào Thiên Chúa. Điển hình như trong mùa chay thánh, Giáo hội vẫn không ngừng lặp lại lời mời gọi của Chúa Giêsu “hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15), để nhắc nhở mỗi người Kitô hữu hoán cải bản thân và sống niềm tin của mình dành cho Thiên Chúa. Thế nhưng đã bao mùa chay thánh đi qua, đã bao lần chúng ta nghe lời mời gọi “hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”; liệu chúng ta có thưa tiếng “xin vâng”, và có sống tiếng “xin vâng” ấy hay không? Chúng ta đang sống tâm tình sám hối trong mùa chay thánh này theo cách của ai trong hai người con được Cha sai đi làm vườn nho (x. Mt 21,28-32). Chúng ta có đang sống tâm tình sám hối như người con thứ nhất: “Con không muốn đâu! Nhưng sau đó, nó hối hận, nên lại đi” (Mt 21,29); hay chúng ta đang mang tâm trạng của người con thứ hai: “Thưa ngài, con đây! Nhưng rồi lại không đi” (Mt 21,30)?

Giống như Mẹ Maria khi xưa với lòng yêu mến và sự tín thác dành cho Thiên Chúa, Mẹ đã thưa tiếng “xin vâng” và sống tiếng “xin vâng” bằng trọn cả cuộc đời; thì trong mùa chay thánh này, chúng ta cũng xin Chúa giúp mỗi người biết noi gương Mẹ Maria, sống tâm tình “sám hối” bằng thái độ vâng phục trong niềm tín thác dành cho Thiên Chúa.


Comments are closed.