[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Lc 18,9-14″]
Khi ấy, Chúa Giêsu nói dụ ngôn sau đây với những người hay tự hào mình là người công chính và hay khinh bỉ kẻ khác: “Có hai người lên đền thờ cầu nguyện, một người biệt phái, một người thu thuế. Người biệt phái đứng thẳng, cầu nguyện rằng: ‘Lạy Chúa, tôi cảm tạ Chúa vì tôi không như các người khác: tham lam, bất công, ngoại tình, hay là như tên thu thuế kia; tôi ăn chay mỗi tuần hai lần, và dâng một phần mười tất cả các hoa lợi của tôi’. Người thu thuế đứng xa xa, không dám ngước mắt lên trời, đấm ngực mà nguyện rằng: ‘Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ có tội’. Ta bảo các ngươi: người này ra về được khỏi tội, còn người kia thì không. Vì tất cả những ai tự nâng mình lên, sẽ bị hạ xuống; và ai hạ mình xuống, sẽ được nâng lên”.
[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]
TIN TƯỞNG VÀO THIÊN CHÚA
“Chúa Giêsu nói dụ ngôn sau đây với những người hay tự hào mình là người công chính và hay khinh bỉ kẻ khác” (Lc 18,9).
Sinh ra trong cuộc đời, chúng ta ai cũng được đặt cho mình một tên gọi và bước vào đời, chúng ta lại xây dựng thêm những danh xưng để làm đẹp tên gọi của mình như kỹ sư, bác sĩ hay tu sĩ. Để rồi qua từng ngày tháng, lớp áo với những danh xưng trên càng ngày càng dày và từ đó mà có những thái độ cũng như góc nhìn khác nhau về cuộc sống, trong đó ắt hẳn không thiếu sự tự hào. Trong bài Tin mừng mà cộng đoàn vừa nghe, Chúa Giêsu nêu lên dụ ngôn như mũi tên nhắm thẳng vào lòng “những người hay tự hào mình là người công chính và hay khinh bỉ kẻ khác” và qua đó nói lên hai thái độ khác nhau trong lời cầu nguyện cũng như trong cuộc sống.
Đầu tiên là thái độ của người Pharisêu. Ông cũng đã xây dựng cho mình những lớp áo thật đẹp với những nhân đức như một lý do đáng để ông tự hào rằng mình “không như bao kẻ khác: tham lam, bất công, ngoại tình, hay là như tên thu thuế kia”, và “tôi ăn chay mỗi tuần hai lần, và dâng một phần mười tất cả các hoa lợi của tôi”. Ông tự xếp mình vào số những người suy nghĩ tốt, làm tốt, và có đạo đức; hay nói cách khác, ông tự nhận mình là người công chính. Nơi ông không có một kẽ hở, đôi tay ông đã đầy những công phúc, đầu óc ông đầy những xác tín của riêng mình. Một khi đôi tay đã đầy, lòng trí đã thoả mãn, thì làm sao còn có chỗ cho Thiên Chúa. Thái độ của người thu thuế thì ngược lại. Ông khởi đầu với thái độ khiêm nhường mà ý thức thân phận tội lỗi của mình: “đứng xa xa, không dám ngước mắt lên trời, đấm ngực mà nguyện rằng: ‘Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ có tội’”. Vì thấy mình quá lem luốc theo mắt nhìn thành kiến của người đương thời, nên ông chỉ có thể đợi chờ một sự gột rửa trong mắt nhìn của Thiên Chúa; dù thấy mình chỉ đáng tội nhưng Thiên Chúa lại thấy ông đáng thương, nên bằng tình thương, Ngài đã ban ơn cho ông theo như ông tin vào Ngài.
Như thế, bài tin mừng hôm nay như mũi tên bắn vào những người tự cao, tự hào về mình mà khinh khi, phán xét người khác và đẩy Chúa ra khỏi cuộc đời của mình. Không những thế, mũi tên ấy còn bắn vào những người đang tuyệt vọng, bởi lẽ những người đang tuyệt vọng chẳng phải là do quá tự cao về bản thân và không tin tưởng vào Thiên Chúa đó sao? Qua đó, mũi tên ấy mở ra cho ta một thái độ sống là biết khiêm nhường nhận ra thân phận yếu đuối mà biết tin tưởng vào tình yêu của Thiên Chúa, bởi như lời thánh Augustinô, ai cảm nghiệm được nỗi khốn cùng của chính mình thì sẽ biết được cái khôn cùng của tình thương Thiên Chúa, vì trái tim của Thiên Chúa đã đặt vào nỗi khốn cùng của nhân loại. Tin vào tình thương của Thiên Chúa không phải là ăn không ngồi rồi, ‘ngồi chờ sung rụng’, mà là nỗ lực cộng tác với ơn lành của Chúa để sống trọn vẹn ơn gọi Kitô hữu là sống cho Tình yêu, bởi không chỉ “Tôi biết chiên Tôi” mà còn là “chiên của Tôi biết Tôi”, vì có khi trong đời sống thiêng liêng, ta không biết Thiên Chúa, không sống trong tình thương của Người, mà đi theo tiếng gọi của ‘đồng cỏ xanh’ mơ màng, lờ mờ nơi xa, nơi những toan tính, ảo tưởng của ta. Cho nên, Thiên Chúa “muốn tình yêu chứ không cần hy lễ, thích được các ngươi nhận biết hơn là được của lễ toàn thiêu” (Hs 6, 6).
Xin cho mỗi người chúng biết phó thác, tin tưởng vào tình thương của Thiên Chúa mà nhận ra thân phận tội lỗi của mình, để rồi trong mỗi ngày sống, chúng ta biết khiêm nhường xin ơn tha thứ của Thiên Chúa và biết đón nhận anh chị em mình bằng tình yêu thương huynh đệ.
[/loichua]