[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Lc 18,9-14″]
Đức Giê-su còn kể dụ ngôn sau đây với một số người tự hào cho mình là công chính mà khinh chê người khác:”Có hai người lên đền thờ cầu nguyện. Một người thuộc nhóm Pha-ri-sêu, còn người kia làm nghề thu thuế. Người Pha-ri-sêu đứng thẳng, nguyện thầm rằng: “Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác: tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia.Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con. Còn người thu thuế thì đứng đằng xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt lên trời, nhưng vừa đấm ngực vừa thưa rằng: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi. Tôi nói cho các ông biết: người này, khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính rồi; còn người kia thì không. Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên.”
[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]
KHIÊM NHƯỜNG SÁM HỐI ĐỂ ĐƯỢC NÊN CÔNG CHÍNH
.
Trong bài Tin mừng cộng đoàn vừa nghe, Chúa Giêsu đã kể cho chúng ta một dụ ngôn rất hay, để cảnh tỉnh những ai luôn tự hào về chính mình mà khinh chê người khác. Chúa Giêsu đã dùng hình ảnh hai người lên đền thờ cầu nguyện. Người thứ nhất là người Pharisêu, giữ luật Môsê một cách tỉ mỉ và được mọi người kính trọng. Người còn lại là người thu thuế, bị mọi người khinh bỉ vì làm tay sai cho Đế quốc Rôma nhằm bóc lột dân chúng. Vì chỗ đứng trong xã hội khác nhau, nên tư thế vào đền thờ và cầu nguyện của hai người cũng khác nhau.
Người Pharisêu, vì giữ luật cách tỉ mỉ và chỉnh chu, nên rất tự tin cầu nguyện với Chúa. Khi nghe những lời cầu nguyện của ông, xét về phương diện người đời, ông quả thật là một người sống và giữ đạo quá tốt. Có thể nói, ông giữ Luật một cách không chê vào đâu được. Nhưng cuối cùng, lời cầu nguyện của ông lại bị Thiên Chúa từ chối. Bởi sao vậy? Bởi vì ông chỉ tự hào và kể lể những gì mình làm được, mà ông không có nhận ra những thiếu sót, những lầm lỗi của mình. Ông cho rằng mình chỉ cần tuân giữ và chu toàn lề luật là đủ để được nên công chính rồi. Ông chối bỏ tầm quan trọng ân sủng của Thiên Chúa. Đó là một quan niệm sai lầm, và thánh Phaolô đã cảnh tỉnh những người có ý nghĩ như vậy trong thư gửi tín hữu Rôma: “Người ta được nên công chính vì tin, chứ không phải vì những gì luật dạy” (Rm 3,18). Bên cạnh đó, dường như ông mới chỉ dừng ở việc giữ đạo, mà chưa có sống đạo. Ông mới chỉ dừng lại ở hình thức bên ngoài, mà chưa có tâm tình bên trong. Cụ thể, ông vẫn còn nói xấu và khinh chê người bên cạnh mình. Ông chưa sống đức yêu thương mà Chúa Giêsu đã dạy là giới răn quan trọng nhất (Mt 22, 37-39).
Người thu thuế thì khác. Ông đấm ngực ăn năn, thống hối. Ông ý thức về sự yếu hèn và tội lỗi của mình. Ông chỉ cầu nguyện bằng một câu rất khiêm nhường, đơn sơ, nhưng rất chân thành: “Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi”. Chỉ với một câu cầu nguyện đơn sơ và chân thành đó, ông đã được Thiên Chúa nhận lời và ban ơn.
Những lời cảnh tỉnh của Chúa Giêsu không phải chỉ dành riêng cho những người Pharisêu, mà còn dành cho mỗi người Kitô hữu chúng ta. Quả thật, trong cuộc sống, nếu không ý thức, chúng ta cũng rất dễ tự hào về bản thân của mình mà nói xấu và khinh chê người khác. Chúng ta thường hãnh diện và khoe khoang về những gì mình đã làm được, kể như đó là thành tích vẻ vang tự cá nhân mình, mà quên mất rằng, thành công đó còn là nhờ ơn Chúa và sự cộng tác và giúp đỡ của người khác. Bên cạnh đó, khi tụ tập chung với nhau, chúng ta cũng thường hay đem những chuyện không hay của người này, người kia để kể cho nhau nghe, như một câu chuyện làm quà. Hay khi một ai đó mình không thích, gặp chuyện không hay, chúng ta cũng dễ vô tư thốt lên rằng, ‘đáng đời nó, ai bảo nó sống không ra gì’. Chúng ta thiếu sự cảm thông và yêu thương với người ấy. Nếu cư xử như vậy, chúng ta cũng chẳng khác gì những người Pharisêu thời Chúa Giêsu. Trước mặt Thiên Chúa, ai trong chúng ta cũng là những tội nhân. Chúng ta cũng có những yếu đuối, những lầm lỗi và thiếu sót. Chúng ta cũng cần đến sự thông cảm và yêu thương của Chúa và của người khác. Chúng ta được mời gọi khiêm tốn nhận ra lỗi lầm của mình để xin Chúa thứ tha. Đồng thời kiên trì cầu nguyện cho mình và cho người khác, với mong muốn, nhờ ơn Chúa giúp, mỗi người sẽ được biến đổi để mỗi ngày trở nên tốt, như lòng Chúa mong muốn.
Xin cho mỗi người chúng ta luôn ý thức được thân phận yếu đuối, mỏng giòn và tội lỗi của mình. Để từ đó, chúng ta luôn có một thái độ cầu nguyện khiêm nhường, đơn sơ và chân thành như người thu thuế. Nhờ đó, lời cầu nguyện của chúng ta luôn được đẹp lòng Chúa và được Chúa chúc lành.
[/loichua]