[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Mc 3,20-21″]
“Khi ấy, Đức Giêsu trở về nhà và đám đông lại kéo đến, thành thử Người và các môn đệ không sao ăn uống được. Thân nhân của Người hay tin ấy, liền đi bắt Người, vì họ nói rằng Người đã mất trí”.
[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]
MẤT TRÍ HAY TỈNH TRÍ?
“…vì họ nói rằng Người đã mất trí…” (Mc 3,21)
Trong tập hồi ký Đồ Gốm, khi kể về “những ước mơ của tuổi trẻ” vào thời mới bước những bước đầu trên con đường ơn gọi, Đức Giám mục Giuse Đinh Đức Đạo đã viết như sau: “Có lần, khi đang ăn cơm tối, tôi thấy có mấy người đến xin gặp cha xứ, nhưng phải đợi chờ lâu… Tôi tưởng tượng và mơ ước sau này khi được làm cha xứ, nếu như gặp hoàn cảnh tương tự, tôi sẽ không để họ chờ đợi mà sẽ bỏ dở bữa cơm để giải quyết công chuyện của họ trước, rồi mới ăn cơm tiếp.”
Tâm tình rất tự nhiên và trong trẻo này của Đức Cha từ khi còn là một cậu bé hoạ lại tâm tình của Đức Giêsu và các môn đệ trong bài Tin mừng hôm nay, khi các Ngài chứng kiến cảnh đám đông dân chúng lũ lượt kéo đến với mình. Ở những câu trước của đoạn Tin mừng này, thánh Máccô kể lại Đức Giêsu chữa lành nhiều người bệnh hoạn tật nguyền, đến nỗi ai ai có bệnh đều từ khắp nơi kéo đến với Người, và ngay cả khi Người đã trở về nhà, đám đông cũng vẫn ùn ùn kéo đến. Trước khung cảnh đó, Đức Giêsu có quyền giải tán đám đông để Người và các môn đệ được chút thời gian nghỉ ngơi ăn uống; có thể ra thông báo cho dân chúng “Vui lòng thông cảm, đã hết giờ làm việc!” để ai về nhà nấy, trả lại cho ngôi nhà của Người sự bình yên vốn có. Nhưng trước cảnh tượng dân chúng “lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt”, Đức Giêsu và cả các môn đệ đã chạnh lòng thương và quyết định chọn hy sinh những quyền lợi chính đáng của bản thân, hầu mưu cầu tối đa lợi ích cho những hoàn cảnh đáng thương đang vây quanh mình với ánh mắt khẩn cầu, hy vọng.
Trên hành trình theo Chúa, có lẽ người môn đệ không tránh khỏi những tiếng phê bình rằng “Tên đó mất trí rồi!”. Mà quả thật, nếu không “mất trí”, làm sao thánh Phanxicô có thể từ bỏ gia đình quyền quý để trở thành một tu sĩ ăn mày; làm sao cha Cassaigne có thể rời bỏ nước Pháp hoa lệ và cả chức Giám mục Sài Gòn để sống giữa những người cùi hủi ở Di Linh; làm sao Mẹ Têrêsa có thể từ bỏ cuộc sống bình an trong tu viện Loretto, lao ra phố phường nguy hiểm và bẩn thỉu của Calcutta để mang cho những người sắp chết ít giờ phút cuối cùng xứng với nhân phẩm của họ… Các thánh đã noi gương Chúa Giêsu để chấp nhận gạt những lý luận thiệt hơn sang một bên, để chỉ còn lắng nghe trái tim mình đang gọi tiếng gọi của tình yêu: yêu Thiên Chúa bằng cách yêu những người mà lý lẽ không đòi mình phải yêu. “Thiên đàng, hoả ngục hai bên; Ai khôn thì dại, ai dại thì khôn” – câu đồng dao thật quá sâu sắc để nhắc ta về những lựa chọn của mình: đâu mới thực là khôn ngoan, khờ dại, tỉnh trí hay mất trí?
Trong đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4 ở nước ta, một số chủng sinh, linh mục, tu sĩ và rất nhiều các bạn trẻ đã ghi tên mình vào hàng ngũ tình nguyện phụ giúp các y bác sĩ trong việc phục vụ các bệnh nhân. Dĩ nhiên, mỗi người lại có một hoàn cảnh và khả năng khác nhau, nhưng thử nghĩ xem: lựa chọn mạo hiểm đó là kết quả của một cuộc đấu trí tính toán thiệt hơn, hay chỉ vì tấm lòng thổn thức chạnh thương trước cảnh lầm than đau khổ của bao người? Lý trí thì đáng trân trọng, nhưng cũng có những khi cần phải “mất trí” thì ta mới là hoạ ảnh chân thật của Chúa Giêsu mục tử nhân lành.
Xin Chúa ban cho chúng ta được ơn khôn ngoan và can đảm, để dám biến bản thân mình thành một người “mất trí” vì Nước Chúa và vì các linh hồn.
[/loichua]