[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Mc 16, 9 – 15″]
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Maccô
Khi Chúa Giêsu sống lại, sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, thì trước hết Người hiện ra với Maria Mađalêna, kẻ đã được Chúa đuổi bảy quỷ. Bà đi báo tin cho những kẻ đã từng ở với Người và nay đang buồn thảm khóc lóc. Họ nghe bà nói Chúa sống lại và bà đã thấy Người, nhưng họ không tin. Sau đó, Chúa lại hiện ra dưới hình thức khác với hai môn đệ đang trên đường về miền quê. Hai ông trở về báo tin cho anh em, nhưng họ cũng không tin các ông ấy. Sau hết, Chúa hiện ra với mười một tông đồ lúc đang ngồi ăn. Chúa khiển trách các ông đã cứng lòng, vì các ông không tin những kẻ đã thấy Người sống lại. Rồi Người phán : “Các con hãy đi khắp thế gian rao giảng Tin Mừng cho muôn loài”.
[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]
BIẾN ĐỔI CHÍNH MÌNH ĐỂ TRUYỀN GIÁO
“Các con hãy đi khắp thế gian rao giảng Tin Mừng cho muôn loài” (Mc 16,15).
Loan báo Tin Mừng Phục Sinh của Chúa Giêsu là một hoạt động thuộc bản chất của Giáo Hội. Mỗi người Kitô hữu đều có trách nhiệm chia sẻ sứ mạng này của Mẹ Giáo Hội với nhiều cách thế khác nhau, có thể bằng lời nói hoặc bằng chứng tá đời sống đức tin của bản thân. Song, không phải lúc nào Tin Mừng cũng được người khác đón nhận. Nguyên nhân có thể đến từ phía người đón nhận nhưng cũng có thể là do bản thân người truyền tải sứ điệp chưa thực sự được biến đổi.
Trong đoạn Tin Mừng hôm nay, Thánh sử Máccô đã tóm kết lại những lần hiện ra của Chúa Giêsu sau khi Người sống lại: với bà Maria Mađalêna, với 2 người môn đệ đang trên đường về quê và với các tông đồ. Điểm chung của những lần hiện ra này là không nhận ra Chúa và không tin lời loan báo về sự Phục Sinh của Người: lúc đầu, bà Maria không nhận ra Chúa vì tưởng là người làm vườn, sau đó thì các ông không tin lời bà nói; hai môn đệ trên đường Emmaus không nhận ra Chúa và tưởng là người đi đường, sau đó những người khác cũng không tin lời của hai người này; và cuối cùng Chúa hiện ra với các môn đệ và các ông cũng nói lại cho Tôma nhưng ông này cũng không tin. Tin Mừng thuật lại rằng chỉ khi thực sự gặp được Chúa các ông mới tin vững vàng và mạnh dạn loan báo vì các ông không thể nào không nói lên những điều mắt thấy tai nghe (x. Cv 4, 19). Niềm tin vào sự Phục Sinh chỉ thật chắc chắn và mạnh mẽ khi chúng ta gặp được chính Đấng Phục Sinh, chứ không phải chỉ nghe người khác nói hay đọc biết trong sách vở.
Cũng tương tự như vậy, muốn làm cho người khác tin vào Đấng Phục Sinh thì chỉ nói cho họ nghe thôi chưa đủ mà phải làm cho họ thực sự gặp được Người. Và đương nhiên, người loan báo cũng đã gặp được Người và được biến đổi. Vì nếu muốn cho người khác được lay động bởi những gì mình loan báo thì chính mình cũng phải được lay động và biến đổi bởi sứ điệp đó. Sự đáng tin của sứ điệp tùy thuộc rất nhiều vào đời sống của người rao truyền sứ điệp. Trong bối cảnh tổng quát của việc loan báo Tin Mừng, tông huấn Evangelii Nuntiandi số 15 xác nhận rằng: “Giáo hội, nhà truyền giảng Phúc âm, phải khởi sự bằng việc Phúc âm hóa chính mình” (x. Gm. Giuse Đinh Đức Đạo, Tu đức truyền giáo). Hằng năm, Giáo hội đều mừng lễ Chúa Phục Sinh. Nhưng thử hỏi biến cố Đức Giêsu sống lại có ảnh hưởng hay ích lợi gì cho đời sống hiện sinh của tôi, hay đó chỉ là một kỷ niệm được lặp lại hằng năm chỉ để tưởng nhớ một biến cố đã hoàn toàn qua đi?
Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh! Xin giúp chúng con chết đi cho con người cũ để cùng sống lại với Chúa trong một con người mới, một con người từ bỏ những đam mê tội lỗi và sống yêu thương mọi người, để nhờ đó mà danh Chúa được nhiều người biết đến. Amen
[/loichua]