Thứ Bảy Sau Thứ Tư Lễ Tro – Ngày 05/3/2022

Lời Chúa: Lc 5,27-32

Khi ấy, Chúa Giêsu trông thấy một người quan thuế tên là Lêvi đang ngồi ở bàn thu thuế, Ngài bảo ông: “Hãy đi theo Ta”. Ông liền bỏ mọi sự đứng dậy theo Người. Lêvi đã dọn một bữa tiệc linh đình thết đãi Người tại nhà ông. Có đông người thu thuế và nhiều người khác cùng ngồi ăn với các ngài. Những người biệt phái và các luật sĩ của họ lẩm bẩm với các môn đệ của Người rằng: “Sao các người lại ăn uống với những người thu thuế và tội lỗi như vậy?” Chúa Giêsu trả lời họ rằng: “Những ai mạnh khỏe không cần tới thầy thuốc, chỉ những người đau yếu mới cần thôi. Ta đến không phải để kêu mời người công chính, nhưng để gọi kẻ tội lỗi ăn năn hối cải”.

 


Suy niệm

TÌNH YÊU SẼ BIẾN ĐỔI PHẬN NGƯỜI

“Ngài bảo ông: “Hãy đi theo Ta”. Ông liền bỏ mọi sự đứng dậy theo Người” (Lc 5,27-28).

“Yêu và được yêu” là nhu cầu căn bản, là khát khao chân chính ở nơi con người. Tình yêu cũng là nét sáng ngời trong sứ vụ trần thế của Chúa Giêsu. Đường lối Chúa chọn khác với cách cất nhắc của người đời thường làm: “Ta đến không phải để kêu mời người công chính, nhưng để gọi kẻ tội lỗi ăn năn hối cải” (Lc 5,32). Như thế, gọi ai, cất nhắc ai là tùy ý Ngài. Nhưng mong muốn của Chúa có được thực hiện hay không còn tùy thuộc tự do của con người.

Phụng vụ Lời Chúa trong những ngày đầu mùa Chay giới thiệu ơn gọi của Matthêu. Nếu như nghề thu thuế đảm bảo sự ổn định cho cuộc sống của Matthêu và gia đình thì cũng chính nơi bàn thu thuế này, ông đã có những cảm nghiệm sâu lắng về sự cô lập và lạnh nhạt của đồng bào dành cho mình khi họ coi ông là người ôm chân đế quốc, “cõng rắn cắn gà nhà”, “nối giáo cho giặc”. Tỉ lệ nghịch với sự giàu có về tiền bạc vật chất, ông đơn độc trong các mối tương quan xã hội. Vì thế, khi được Chúa gọi, ông liền bỏ mọi sự, đứng dậy và đi theo Người. Đó là kết quả của trận chiến diễn ra từ lâu nơi nội tâm của ông. Một trận chiến giằng co để suy tính thiệt hơn, để cân nhắc cái lợi và cái bất lợi, để đắn đo những cái mình phải mất với những cái mình sẽ đạt được, khi ông bỏ mọi sự để theo Chúa. Vì thế, khi được gọi, ông không hề so đo tính toán, không do dự: theo để làm gì, rồi sẽ sống ra sao. Ông bỏ lại tất cả, không kịp bàn giao sổ sách, ông mời luôn cả nhóm về nhà “làm tiệc tạ ơn”. Ông đã nắm chặt lấy cơ hội và quyết định làm lại cuộc đời. Nếu như việc thu thuế lấy tiền bạc làm đích điểm cuộc đời thì khi đứng dậy đi theo Chúa Giêsu, ông lấy Chúa làm đích điểm cho đời ông.

Thay cho ánh mắt khinh miệt, Chúa nhìn và gọi thánh Matthêu với tình yêu thương tin tưởng. Lời mời gọi tình yêu của Chúa lấp đi mọi hố sâu ngăn cách, trao cơ hội và cũng là khởi điểm cho sự biến đổi nơi thánh Matthêu. Từ một người tội lỗi, ông trở nên người thánh thiện, một tông đồ nhiệt thành. Từ một người theo đuổi tiền bạc thành một người tha thiết với các linh hồn. Như thế, tình yêu có sức biến đổi con người. Đối với Chúa Giêsu, tình yêu mới là tiêu chuẩn để bước theo người. Với Ngài, người ấy là thu thuế, là gian tham hay tội nhân không thành vấn đề. Ngài chỉ quan tâm đến cái ông sẽ là, chứ không quan tâm đến cái ông đã là và đang là.

Trước những con người đau khổ, tội lỗi Chúa nhìn, Chúa nghe, Chúa cảm thông và Chúa xuống cứu giúp (x. Xh 3,7-8). Đó cũng là lộ trình mà chủng sinh cần bước theo để trở nên mục tử có lòng thương xót. Sứ điệp Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta hãy trở về như thánh Matthêu và có lòng nhân từ như Đức Giêsu. Đồng thời ta cố gắng tránh xa và không được lưu trữ thái độ coi thường, khinh bỉ, cố chấp, yên trí người khác trong tâm trí của mình. Tự nhận mình là người xứng đáng và coi khinh kẻ khác là dấu hiệu của một tâm hồn trống rỗng, kiêu ngạo và không phải là môn sinh của Thầy Giêsu. Ước gì các môn sinh đang theo chân thầy luôn sống đời ơn gọi với con người đượm màu tình yêu: có đôi mắt biết nhìn người đau khổ mà không quay đi, có đôi tai không đóng lại trước lời kêu cầu thống thiết của người tuyệt vọng, biết tránh những lời nói, cử chỉ và hành động lạnh lùng, thiếu cảm thông, bác ái, biết thay đổi não trạng: từ cách nhìn theo luận lý loài người sang cách nhìn theo ánh sáng và sức mạnh của Chúa. Thay vào đó, chúng ta biết đến gần, biết chạnh lòng thương, biết quảng đại mở lòng ra, tập nhìn người khác dưới lăng kính tình yêu để được nhận lại. Điều chúng ta nhận lại có thể đến từ người khác và cũng có thể không, nhưng một sự thật chắc chắn là chúng ta sẽ được nhận lại nhiều hơn từ Thiên Chúa, vì Chúa chẳng bao giờ thua lòng quảng đại của ta. Chúa đã trao cho chúng ta trái tim và đôi mắt yêu thương và Chúa muốn chúng ta đem nó ra sử dụng để sinh lời, để đem lại hạnh phúc cho người khác cũng là đem hạnh phúc cho chính mình.

Nguyện xin lòng thương xót Chúa đến băng bó và chữa lành tâm hồn chúng ta, và xin Chúa cho chúng ta có được kinh nghiệm của Chân phước Charles de Foucauld: “Ngay khi tôi cảm nhận được tình yêu Thiên Chúa, tôi hiểu ngay rằng tôi chỉ có thể sống vì một mình Thiên Chúa mà thôi”.


Comments are closed.