Thứ Bảy sau Chúa Nhật 8 Thường Niên – Năm B

[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Mc 11, 27-33″]

Khi ấy, Chúa Giêsu và các môn đệ lại đến Giêrusalem. Và trong khi Chúa Giêsu đi lại trong đền thờ, thì những trưởng tế, luật sĩ và kỳ lão đến hỏi Người: “Ông lấy quyền nào mà làm sự đó? Và ai đã ban quyền cho ông để làm như vậy?” Chúa Giêsu đáp: “Tôi sẽ hỏi các ông một câu thôi, hãy trả lời cho Tôi thì Tôi sẽ bảo cho các ông hay Tôi lấy quyền nào mà làm việc đó: Phép rửa của Gioan bởi trời hay bởi người ta? Hãy trả lời Tôi đi”. Họ liền bàn riêng với nhau rằng: “Nếu chúng ta trả lời “Bởi trời”, ông ấy sẽ nói: “Vậy sao các ông không tin Người?” Nhưng nếu chúng ta nói “Bởi người ta”, chúng ta sợ dân chúng, vì mọi người đều coi Gioan thật là một tiên tri. Vậy họ thưa cùng Chúa Giêsu rằng: “Chúng tôi không biết”. Và Chúa Giêsu bảo họ: “Vậy thì tôi cũng không nói cho các ông biết bởi quyền phép nào Tôi làm sự đó”.

 [/loichua]

[loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]

 Làm người, ai cũng mang trong mình “cái tôi”. Người nào có “cái tôi” càng lớn thì lòng quảng đại dễ có xu hướng nhỏ lại. Khi con người chỉ biết nghĩ lợi ích của mình, mà không dành sự quan tâm tới tha nhân, thì họ luôn hài lòng về bản thân và khó chịu trước thành công của người khác. Người Việt có câu: “ghen ăn tức ở” để nói về kẻ có lòng ghen tỵ. Sự ghen tuông khiến họ nhìn nhận và đánh giá người khác bằng con mắt soi mói, chia rẽ và thiếu lòng bác ái. Trong Tin Mừng hôm nay, thánh Maccô thuật lại câu chuyện: các kinh sư và kỳ mục muốn gài bẫy Chúa Giêsu để Ngài mắc lỗi, vì họ ghen tỵ trước lời rao giảng và việc làm của Ngài. Họ đưa ra một câu hỏi thật khó để thử Ngài: “Ông lấy quyền nào mà làm các điều ấy?”(quyền thanh tẩy Đền Thờ) Các kinh sư và kỳ mục nghĩ rằng: nếu Chúa Giêsu nói: Tôi lấy quyền từ Thiên Chúa, thì Ngài sẽ mắc tội phạm thượng coi mình bằng Thiên Chúa và đáng tội chết. Nếu Chúa nói: Tôi lấy quyền tự nơi mình, thì mắc tội chống lại hàng tư tế, vì không ai cho Ngài quyền đó. Câu hỏi mang dụng ý xấu và không dễ trả lời. Chúa Giêsu thấu hiểu lòng dạ thâm hiểm của họ. Nhân cơ hội này, Ngài dạy họ bài học về lòng thiện chí trong cách đối xử với người khác. Ngài hỏi các kinh sư và kỳ mục: “phép rửa của ông Gioan là do Trời hay do người ta?”(Mc 11,30) Giờ đây, họ lại phải trả lời câu hỏi mà mình đã đặt ra, thật đúng là: “gậy ông lại đập chính lưng ông”. Họ bàn định với nhau: nếu nói là do Trời, thì tại sao chúng ta lại không tin Gioan. Còn nếu nói do người ta, thì lại coi thường dân chúng, vì mọi người coi Gioan như một vị tiên tri. Họ không thể trả lời được câu hỏi của Chúa Giêsu, và Chúa Giêsu cũng nói: “Tôi cũng vậy, tôi không nói cho các ông là tôi lấy quyền nào mà làm các điều ấy”. (Mc11,33)

 Sứ điệp Lời Chúa không đi vào quá khứ mà luôn mới mẻ đối với chúng ta. Ngày nay, con người vẫn còn đối xử với nhau trong sự ghen tương, ích kỷ, và chạy theo chủ nghĩa duy cá nhân bảo vệ cho “cái tôi”. Thiên Chúa là Đấng quyền năng và thấu suốt lòng dạ con người. Ngài mời gọi chúng ta thanh tẩy nội tâm đang ngập chìm trong vũng bùn tội lỗi để Chúa ngự đến làm mới đền thờ tâm hồn; một tâm hồn không còn sự đố kỵ, hiềm khích mà thay bằng lòng quảng đại, bác ái; một tâm hồn không còn sự dửng dưng, khép kín mà rộng mở đi ra với mọi người để xây dựng tình hiệp nhất yêu thương.

Lạy Chúa, Chúa thấu suốt cõi lòng của chúng con. Xin Chúa dùng tình yêu để biến đổi con tim, ý chí, hành động của chúng con, để chúng con có thể đến với tha nhân bằng con người của tình hiệp thông và là chứng nhân cho lòng từ bi của Thiên Chúa.  

[/loichua]

Comments are closed.